Đắk Lắk: Đến khổ, bắp cải toàn cái to bự, nông dân nhổ bỏ vứt la liệt, vì sao vậy?

Duy Hậu Thứ sáu, ngày 26/02/2021 13:00 PM (GMT+7)
Suốt gần 1 tháng qua, người dân thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M'Gar (tỉnh Đắk Lắk) đã nhổ bỏ hàng trăm tấn rau, củ. Những ruộng bắp cải toàn cái to bự, dân chặt phá vứt bỏ la liệt.
Bình luận 0

Giá rớt kỷ lục

Trong gần 1 tháng qua, người dân trên địa bàn tổ dân phố Tân Tiến, thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar (Đắk Lắk) dở khóc, dở cười vì hàng trăm tấn rau, củ, quả đến vụ thu hoạch mà không có người mua. Không chỉ thế, mức giá hầu hết các loại rau, củ, quả chỉ ở mức 500-2.000 đồng/kg.

Đắk Lắk: Dân nhổ bỏ hàng trăm tấn rau, củ vì thu không đủ chi - Ảnh 1.

Người dân nhổ bỏ hàng trăm tấn rau vì không ai mua.

Bà Nguyễn Thị Phụ, một người chuyên canh tác các loại rau củ cho biết, giá cả đã xuống thấp mà người mua cũng không có. Hơn nữa với mức giá từ 500-2.000 mỗi ký rau, củ, quả thì tiền bán rau, củ không đủ trả tiền công thu hoạch. "20 năm trồng rau, tôi chưa bao giờ thấy giá cả xuống thấp như năm nay"-bà Phụ nói.

Đắk Lắk: Dân nhổ bỏ hàng trăm tấn rau, củ vì thu không đủ chi - Ảnh 2.

Lứa bắp cải đã già nhưng bà Phụ vẫn chưa bán được.

Ông Lê Văn Khang, một người chuyên trồng rau, củ, quả khác, cho biết, trước đây khi vào vụ là thương lái tấp nập tới đặt hàng nhưng năm nay gia đình ông phải thu hoạch bán lẻ tại chợ. "Gia đình tôi có khoảng 4 tấn rau các loại, ngoài ra còn gần 2 sào cà chua đang cho thu hoạch. Nếu bán lẻ như thế thì không biết đến bao giờ mới bán hết. Trong khi đó hầu hết các loại rau, củ, quả thời gian bảo quản không được lâu, rau thì già, củ, quả thì hư thối nếu không thể bán kịp thì cũng phải nhổ bỏ để lấy đất trồng vụ mới"- ông Khang nói.

Đắk Lắk: Dân nhổ bỏ hàng trăm tấn rau, củ vì thu không đủ chi - Ảnh 3.

Để vớt vát lại ít vốn, bà Phụ chọn những bắp cải tươi ngon mang ra chợ bán lẻ.

Trước tình cảnh trên, hầu hết người dân ở tổ dân phố Tân Tiến (thị trấn Ea Pốk) đã phải chọn cách nhổ bỏ các vườn rau, đối với củ, quả thì thu hoạch dần bán lẻ để vớt vát lại vốn. Nhiều người không còn cách nào khác đã dùng rau, củ cho gia súc gia cầm ăn hoặc đem ủ phân bón, một số người không thể dùng vào việc gì đành phải mang bỏ gốc cây. Theo tính toán của người dân, chỉ riêng tổ dân phố Tân Tiến đã có khoảng 400 tấn rau, củ, quả (chú yếu là rau) các loại bị phá bỏ. Nhiều loại rau, củ, quả khác đang thu hoạch cũng đứng trước nguy cơ phải phá bỏ.

Cung vượt cầu hay do dịch Covid-19?

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại tổ dân phố Tân Tiến và một số vùng lân cận có hàng trăm hộ dân kinh tế chủ yếu dựa vào thu nhập từ rau, củ, quả. Chỉ riêng tổ dân phố Tân Tiến có khoảng 170 hộ chuyên canh tác các loại rau, củ, quả trên diện tích khoảng 30ha.

Đắk Lắk: Dân nhổ bỏ hàng trăm tấn rau, củ vì thu không đủ chi - Ảnh 4.

Hàng trăm tấn rau được dùng làm phân bón cho cây.

Tại đây, người dân trồng hầu hết các loại rau, cà chua, bầu, cà rốt...Tuy nhiên, mặc dù là vào dịp Tết giá loại rau, củ, quả cao nhất cũng chỉ được 2.000 đồng/kg. Nhiều loại như bầu chỉ bán được 500 đồng/kg nhưng vẫn không có người mua.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ ở Ea Pốk mà người dân xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Hầu hết người dân đều cho rằng, nguyên nhân các loại rau, củ, quả rớt giá là do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Đắk Lắk: Dân nhổ bỏ hàng trăm tấn rau, củ vì thu không đủ chi - Ảnh 5.

Chỉ với 1.000 đồng/kg nhưng cà chua vẫn không có người mua.

Tuy nhiên, một người chuyên thu mua rau, củ, quả tại địa bàn tỉnh Đắk Lắk cho biết, trên thực tế tình trạng rớt giá các loại rau, củ, quả không phải do dịch Covid-19. "Năm nay trên địa bàn Đắk Lắk bị ảnh hưởng bão, lũ cho nên người dân đã gieo, cấy các loại rau, củ, quả không đúng kế hoạch thời vụ. Hơn nữa, vì ảnh hưởng mưa lũ, nên gần như 100% người dân đều gieo cấy cùng một lúc. Thế nên đã xảy ra tình trạng cung vượt cầu, không thể tiêu thụ hết"- người này cho biết.

Ông Phạm Quang Mười, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cư M’gar, cũng cho rằng, nguyên nhân khiến giá cả các loại rau, củ, quả xuống thấp là do cung vượt cầu. "Do đợt lũ năm ngoái vì thiếu hụt nguồn cung nên giá các loại rau, củ, quả lên cao. Do đó, người dân đã ồ ạt trồng dẫn đến cung vượt cầu"- ông Phạm Quang Mười nói.

Cũng theo ông Phạm Quang Mười, cơ quan chức năng vẫn thường xuyên khuyến cáo người dân không nên chạy theo giá cả thị trường. Tuy nhiên, nông dân vẫn làm theo cách của mình, thấy cây gì được giá là ồ ạt trồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem