Đăk Nông: Đua nhau lấn chiếm công trình thủy lợi

Thứ năm, ngày 27/12/2012 06:26 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Gần một nửa công trình thủy lợi (CTTL) tại Đăk Nông đã bị người dân vô tư lấn chiếm. Họ không chỉ nuôi cá, trồng cây mà còn làm quán, xây nhà thậm chí được chính quyền cấp... quyền sử dụng đất ngay trên hành lang bảo vệ CTTL.
Bình luận 0

Vô tư xây nhà, làm quán...

6 năm nay, ông Nguyễn Công Thoại (thôn Tân Phú, xã Đăk Ru, huyện Đăk RLấp) định cư ngay trên hành lang bảo vệ CTTL Đăk Ru 2. Nhà ông hiện được xây kiên cố. Ông Thoại cho biết, toàn bộ diện tích đất này ông đã được cấp sổ đỏ.

Cạnh nhà ông Thoại, bà Phạm Thị Bích nhiều năm nay cũng định cư ngay dưới chân hồ Đăk Ru 2. Để mở rộng diện tích, con trai bà Bích đã đổ hàng trăm xe đất trên mái đập (từ chân đập đến mặt đập), san ra thành một khu đất phẳng có thể làm được vài cái nhà nữa. Trên chỗ đất mới này, bà Bích trồng mì và cả cà phê.

img
Hàng chục hộ dân vô tư trồng cây, làm nhà, mở quán cà phê trong lòng hồ Nhân Cơ.

Cũng như ông Thoại, đất của bà Bích đã có sổ đỏ. Hai người khẳng định, khi họ làm nhà, canh tác trên đất này chẳng thấy ai nói năng gì. Họ cũng chẳng biết đó là hành lang bảo vệ CTTL. Còn việc họ được cấp sổ đỏ trên diện tích này, Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện lý giải: Do việc cấp sổ đỏ bị dồn dập vào cuối năm nên không thể kiểm tra được thực địa của từng hồ sơ mà chỉ dựa hồ sơ và bản đồ giải thửa để cấp, đã dẫn đến sai sót.

Ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đăk Nông cho rằng: “Về mặt kỹ thuật, việc các CTTL bị lấn chiếm sẽ gây khó khăn cho việc tập kết vật liệu để ứng cứu khi công trình xảy ra sự cố”.

Tại nhiều hồ khác như: Hồ Nhân Cơ (thôn 3, xã Nhân Cơ, huyện Đăk RLấp), hồ Đăk Mol, hồ Cư Prông (xã Đăk Mol, huyện Đăk Song) và hàng chục hồ khác tại hầu hết các huyện, thị của tỉnh Đăk Nông, nhiều năm qua người dân cũng lấn chiếm, san lấp lòng hồ để trồng cây lâu năm, xây nhà kiên cố, mở hàng quán, làm chuồng trại… ngay trong hành lang bảo vệ lòng hồ, mặt hồ hoặc ngay trên kênh mương, mặt đập…

Buông lỏng quản lý

Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc người dân lấn chiếm hành lang bảo vệ CTTL đã xảy ra từ rất nhiều năm nay. Tuy nhiên sự việc chỉ được phát hiện khi Công ty TNHH MTV khai thác CTTL tiếp nhận, kiểm tra. Theo công ty này, trong tổng số 156 công trình mà công ty quản lý có 17 công trình được người dân tự ý khai thác mặt thoáng hồ để nuôi trồng thủy sản, 74 công trình bị người dân lấn chiếm hành lang bảo vệ.

Đặc biệt, tại vùng thường xuyên xảy ra hạn hán là huyện Cư Jut cả 9/9 CTTL đều bị lấn chiếm. Theo Công ty TNHH MTV Khai thác CTTL, không chỉ CTTL do công ty quản lý mà hệ thống các CTTL của tỉnh cũng đang bị xâm hại nghiêm trọng. Công ty khẳng định nguyên nhân của tình trạng trên xuất phát từ việc buông lỏng quản lý một thời gian dài; nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế và do những bất cập trong đền bù giải phóng mặt bằng.

Theo ông Trịnh Văn Tường - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác CTTL, công ty đã liên hệ với địa phương để có hướng giải quyết. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện đã gặp rất nhiều khó khăn, do nhiều công trình không còn hoặc thiếu hồ sơ thiết kế, công tác đền bù trước đây chưa rõ ràng, tinh thần hợp tác của chính quyền xã và người dân còn hạn chế… Không chỉ thế, để xử lý tình trạng này sẽ phải cần rất nhiều thời gian và cả tiền bạc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem