Đắk Nông: Huy động mọi nguồn lực, xây dựng nông thôn mới theo chiều sâu và bền vững

P.V Thứ bảy, ngày 05/12/2020 09:37 AM (GMT+7)
Nhờ huy động nguồn lực từ các cơ quan, đơn vị, đoàn thể; lồng ghép nguồn vốn đầu tư từ các chương trình, dự án khác nên kết quả xây dựng nông thôn mới (NMT) ở Đắk Nông giai đoạn 2016 – 2020 đã vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao.
Bình luận 0

Bên cạnh đó, tỉnh chỉ đạo không chạy theo thành tích mà cần chú trọng chiều sâu và tính bền vững của từng tiêu chí.  

Đắk Nông: Huy động mọi nguồn lực, xây dựng nông thôn mới theo chiều sâu và bền vững - Ảnh 1.

Xã Nam Dong (huyện Cư Jút, Đắk Nông) đạt chuẩn NTM vào năm 2018, mới đây đã được công nhận là đô thị loại 5

Huy động, lồng ghép nhiều nguồn lực

Trong giai đoạn 2016 – 2020, công tác tuyên truyền, vận động xây dựng NTM tiếp tục được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm thực hiện. Các cơ quan, đơn vị đã lồng ghép giữa công tác chuyên môn với tuyên truyền về xây dựng NTM; tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến quần chúng nhân dân về mục đích, ý nghĩa của chương trình xây dựng NTM. Theo đó các cơ quan, đoàn thể như Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Tỉnh đoàn, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh… đều có các phong trào thi đua chung tay xây dựng NTM. Các địa phương như Đắk R'lấp, Cư Jút, Krông Nô đều tổ chức lễ phát động phong trào toàn dân ra quân xây dựng NTM, qua đó huy động được sự chung tay vào cuộc của các tổ chức chính trị - xã hội, sự hưởng ứng tích cực của nhân dân…

Bên cạnh đó, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, đến nay đã có 148 đơn vị đăng ký hỗ trợ, đỡ đầu cho cho 60 xã trong xây dựng NTM. Các đơn vị đã hỗ trợ cho các xã bằng nhiều hình thức, cách làm khác nhau như hỗ trợ công tác tuyên truyền, vận động; đào tạo, tập huấn; bảo vệ môi trường; phát triển sản xuất; an sinh xã hội và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng… 

Cũng trong giai đoạn 2016 – 2020, trong điều kiện ngân sách Nhà nước đầu tư còn hạn chế (bình quân ngân sách trung ương bố trí 1,8 tỷ đồng/xã/năm), các địa phương trong tỉnh đã huy động được nhiều nguồn lực khác nhau để thực hiện chương trình. Để huy động các nguồn lực đóng góp từ doanh nghiệp, người dân, HĐND và UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành quy định cụ thể cơ chế lồng ghép và quản lý nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước và nguồn vốn đối ứng từ nhân dân cho các công trình hạ tầng thiết yếu, phát triển sản xuất, bảo vệ môi trường… Từ đó đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng, tham gia tích cực của người dân. Kết quả, tổng nguồn vốn đầu tư vào khu vực nông thôn giai đoạn 2016 – 2020 đạt hơn 73.000 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Nhà nước đầu tư trực tiếp cho chương trình hơn 730,2 tỷ (ngân sách trung ương 550,9 tỷ, ngân sách địa phương 179,3 tỷ), chiếm 0,99%; vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác khoảng 4.631 tỷ đồng, chiếm 6,31%; vốn tín dụng hơn 66.700 tỷ đồng, chiếm 90,92%; vốn doanh nghiệp hơn 273,2 tỷ đồng, chiếm 0,37%; vốn huy động từ dân cư hơn 1.031 tỷ đồng, chiếm 1,41%.

Chú trọng chiều sâu và tính bền vững

Quan điểm chỉ đạo của UBND tỉnh Đắk Nông là, phải xác định xây dựng NMT mới là quá trình liên tục, lâu dài, phải có bước đi, lộ trình thích hợp với điều kiện, nguồn lực của từng địa phương; tránh bệnh thành tích, nóng vội, chủ quan, duy ý chí. Phải có giải pháp duy trì, nâng cao các tiêu chí đã đạt được và bảo đảm tính bền vững của từng tiêu chí.

Ông Lê Văn Điệp – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đắk Mil nhìn nhận, tỉnh đánh giá rất sát sao, thực chất, xã nào chưa đạt thì kiên quyết dừng thẩm định chứ không chạy theo thành tích. Như Đắk Mil có xã Thuận An và xã Đức Mạnh, lần đầu Văn phòng điều phối NTM tỉnh thẩm định thấy chất lượng đạt chuẩn chưa cao nên yêu cầu địa phương phấn đấu thêm. Sau đó thẩm định lại, thấy đảm bảo mới đề xuất tỉnh công nhận đạt chuẩn NMT. Để duy trì, nâng cao các tiêu chí đã được, huyện chỉ đạo rà soát các tiêu chí mới đạt ở mức tiệm cận để có giải pháp nâng cao. Như tiêu chí nhà ở, môi trường… thì tiếp tục vận động nhân dân và các thôn bon nâng cao trách nhiệm duy trì. Đối với các tiêu chí như giao thông, thủy lợi, sản xuất… thì huyện cân đối, lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình, dự án khác để tiếp tục nâng cấp, đầu tư xây dựng...

Nhờ huy động mọi nguồn lực, xây dựng NMT theo chiều sâu và bền vững, đến nay toàn tỉnh Đắk Nông đã có 18/60 xã đạt chuẩn NTM (đã trừ xã Quảng Thành thuộc TP Gia Nghĩa đạt chuẩn nhưng sau đó lên phường), vượt chỉ tiêu do Thủ tướng Chính phủ giao. Dự kiến đến hết năm 2020, lũy có kế 28 – 29 xã đạt chuẩn. Bình quân mỗi xã đạt 14,5 tiêu chí, dự kiến đến cuối năm 2020 đạt 15 tiêu chí/xã. Trong đó có 18 xã đạt 19/19 tiêu chí (chiếm 31,6%), 12 xã đạt 15 – 18 tiêu chí (chiếm 20%), 21 xã đạt từ 10 – 14 tiêu chí (chiếm 35%), 8 xã đạt từ 5 – 9 tiêu chí (chiếm 16,6%) và không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem