Ngày 25/7 tại TP.HCM đã diễn ra Hội thảo quốc tế về “Xây dựng công trình nhân tạo trên Biển Đông và tác động đối với hòa bình, an ninh, kinh tế, thương mại của khu vực”. Tham gia hội thảo là hơn 30 chuyên gia về luật biển.
“Thái Bình Dương là biển của tương lai”
Trong phần khai mạc, Giáo sư – Tiến sĩ Mai Hồng Quỳ (Hiệu trưởng trường Đại học Luật TP.HCM) nhấn mạnh đến việc Trung Quốc đang có những hành động trái ngược hoàn toàn với các quy định trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), từ đó đe dọa nghiêm trọng đến tình hình an ninh, an toàn của khu vực biển này.
Công trình Trung Quốc xây dựng trái phép tại Gạc Ma.
“Địa Trung Hải là biển của quá khứ, Đại Tây Dương là biển của hiện tại, Thái Bình Dương là biển của tương lai” – Giáo sư Quỳ đã mượn câu nói của của cựu Ngoại trưởng Mỹ John Hay để nhắc về tầm quan trọng của Biển Đông.
“Chính vì vậy, duy trì môi trường ổn định, hợp tác và phát triển ở Châu Á – Thái Bình Dương nói chung, khu vực Biển Đông nói riêng là nhân tố quan trọng để đảm bảo hòa bình, an ninh, tự do hàng hải, tự do hàng không, đó cũng chính là bổn phận, trách nhiệm và tâm nguyện của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới” – Giáo sư Quỳ nói.
Cũng theo vị Hiệu trưởng thì tuy quan điểm chính trị và phản ứng của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới đối với hành vi xây dựng đảo của Trung Quốc tại Biển Đông có khác nhau, nhưng tác động của hành vi này đối với hoa bình và an ninh của môi trường biển sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp.
Khung cảnh buổi Hội thảo.
Hành động của Trung Quốc làm tăng nguy cơ xung đột
Trong buổi sáng đã có 5 bài tham luận được trình bày. Mở đầu Tiến sĩ Ngô Hữu Phước (Trưởng bộ môn Công pháp quốc tế - ĐH Luật TP.HCM) đã tập trung vào phân tích những dấu hiệu nhận biết và phân định đâu là đảo nhân tạo và các quy định của UNCLOS liên quan đến việc xây dựng đảo nhân tạo.
Từ những cơ sở pháp lý nói trên, TS Phước nhận định, việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo trên các bãi đá của quần đảo Trường Sa đã làm cho tiến trình giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia ngày càng rơi vào bế tắc, nguy hiểm và không loại trừ khả năng xảy ra xung đột quân sự.
Trong khi đó Tiến sĩ Alena I. Ponkina (Giảng viên Đại học luật Kutafin - Moscow- Nga) cho rằng quy chế pháp lý dành cho các đảo nhân tạo cần phải được thể hiện rõ ràng và rộng hơn, bởi ngày càng xuất hiện nhiều vấn đề tranh chấp liên quan đến các hòn đảo này.
Bà cũng cảnh báo việc xây dựng các đảo trên biển còn có thể được tiến hành với mục đích tạo ra những quốc gia chủ quyền mới và cho rằng đó là sự đe dọa nghiêm trọng với tự do hàng hải, đánh bắt cá và gây ra xung đột.
Về phần mình, Tiến sĩ Trần Thăng Long (Phó trưởng bộ môn Anh văn pháp lý – ĐH Luật TP.HCM) nhận định việc cải tạo và bồi đắp các thực thể địa lý trên Biển Đông của Trung Quốc là hai hoạt động liên quan mật thiết nhưng lại có những sự khác biệt.
Theo Tiến sĩ Long, nếu việc xây dựng các hòn đảo nhân tạo có mục đích thay đổi quy chế pháp lý nhằm hợp thức hóa đường lưỡi bò, thì việc xây dựng và lắp đặt các công trình là nhằm củng cố sự hiện diện lâu dài nhằm ý đồ khống chế và độc chiếm Biển Đông.
Giáo sư – Tiến sĩ Erick Frankx.Đề cập đến chế độ pháp lý của nhưng hòn đảo nhân tạo, Giáo sư – Tiến sĩ Erick Frankx (Thành viên Tài trọng tài thường trực La Haye, Hà Lan) cho rằng nó đã được giải quyết một phần trong hội nghị đầu tiên của Liên Hợp Quốc về Luật biển “UNCLOS I” và rõ rằng hơn trong UNCLOS III (năm 1982).
Từ đó ông đi đến kết luận rằng các quốc gia ven biển hiện nay có khả năng thiết lập một “vùng an toàn hợp lý” tối đa 500m xung quanh các đảo nhân tạo. Nhưng ông nhấn mạnh rằng thẩm quyền của các quốc gia trong vùng an toàn không phải là sự tùy nghi mà còn vì lợi ích bảo vệ đối với bản thân các đảo và hoạt động hàng hải.
Còn trong tham luận của mình, Giáo sư – Tiến sĩ Jay Batongbacal (Philippines) cũng cho rằng hoạt động cải tạo đảo của Trung Quốc đã tác động to lớn đến môi trường biển và tạo ra thách thức trực tiếp đối với việc giải quyết công bằng và khách quan các tranh chấp trên Biển Đông.
Sau đó ông đưa ra “viễn cảnh” của việc áp dụng các biện pháp bảo đảm nhằm tạm thời chống lại những hành vi đơn phương của Trung Quốc trên Biển Đông.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.