Đảm bảo không xảy ra sốt gạo

Thứ tư, ngày 11/08/2010 06:20 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đó là thông tin được đưa ra trong phiên họp của Tổ điều hành xuất khẩu gạo diễn ra hôm qua 10-8, tại Hà Nội.
Bình luận 0
img
Theo lãnh đạo VFA, lượng gạo dự trữ còn rất lớn, người dân không nên lo thiếu gạo, sốt giá.

Có thể xuất khẩu trên 7 triệu tấn gạo

Phát biểu với báo chí sau cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cho biết, theo đánh giá của Tổ điều hành xuất khẩu gạo, chúng ta có đủ lượng gạo cho xuất khẩu và vẫn đảm bảo an ninh lương thực. Dự báo dựa trên tính toán những diễn biến phức tạp của hạn hán, lụt lội ở các nước Nga, châu Phi, Trung Đông… để có kế hoạch điều tiết xuất khẩu gạo theo hướng đảm bảo tối đa lợi nhuận cho người nông dân, cho xuất khẩu và ngành nông nghiệp.

Theo ông Trương Thanh Phong - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết: Từ nửa cuối tháng 7 đến nay, biến động giá gạo là rất nhanh, đầu tháng 7 giá lúa xuống thấp, nhưng cuối tháng 7 và đầu tháng 8 giá lúa tăng nhanh. Tuy nhiên, không có chuyện thiếu gạo dẫn đến sốt giá gạo như năm 2008.

Trong khi đó, tình hình xuất khẩu gạo vẫn tiếp tục duy trì được các thị trường tập trung. Tuy nhiên, có thể thị trường truyền thống thay đổi nên cần tìm kiếm thị trường mới. Gần đây, chúng ta đã tiếp cận được với thị trường Bangladesh, đây là một thị trường tiềm năng cho xuất khẩu gạo Việt Nam.

Đến thời điểm này, theo số liệu của VFA, Việt Nam đã xuất khẩu được hơn 4 triệu tấn trong tổng số 6 triệu tấn gạo đã đăng ký, giảm 2,5% so với năm 2009 nhưng tăng hơn 3,6%, giá trị, đạt hơn 2 tỷ USD. Cộng với lượng tồn kho của 2009 chuyển sang khoảng 1,4 triệu tấn thì tổng sản lượng có thể thừa ra cho xuất khẩu khoảng 7,2 triệu tấn. Bộ Công Thương đã hướng dẫn và VFA đang điều hành ở mức 6 triệu tấn và xem xét điều hành cụ thể, linh hoạt để tiêu thụ hết lượng lúa gạo với giá hiệu quả.

Ông Nguyễn Trí Ngọc - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) nhấn mạnh: Ngoài lượng gạo như dự trữ trong kho, từ nay đến cuối năm, tháng nào chúng ta cũng có khoảng 300.000- 500.000 ha cho thu hoạch. Điều này sẽ giúp bổ sung lượng gạo hàng hóa trên thị trường và lượng dự trữ cho nhu cầu xuất khẩu.

Trung Quốc không mua tới 600.000 tấn gạo

Giá gạo tăng ở TP.HCM là do tâm lý

Với sản lượng lương thực năm 2010 ước đạt 39 triệu tấn, trong khi nhu cầu tiêu thụ trong nước không tăng, có thể khẳng định, chúng ta không thiếu gạo. Việc giá tăng tại TP. Hồ Chí Minh là do các thương nhân, thương lái "làm giá" đưa giá gạo lên từ tin đồn trên thị trường.

Ông Trương Thanh Phong  - Chủ tịch VFA

Trả lời câu hỏi của NTNN về lượng gạo Trung Quốc mua thời gian vừa qua có ảnh hưởng đến giá gạo trong nước, Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên cho biết: Nhu cầu mua gạo Việt Nam từ Trung Quốc là có thực. Tuy nhiên, do có thời điểm, các thương lái trong nước tập trung mua gạo xuất đi Trung Quốc theo đường tiểu ngạch quá dày gây tác động đến việc thu mua. Hiện nay, Bộ Công Thương chưa có số liệu chính thức về xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc. Xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc không có sự tăng đột biến như báo chí nêu.

Theo ông Biên, việc báo chí vừa qua nêu "Trung Quốc ào ào mua gạo Việt Nam" hay "Vét gạo Việt Nam"… là không có cơ sở. Những tin đồn đã góp phần làm cho thị trường đẩy giá gạo lên. Việc đẩy giá lên tác động tới người nông dân, thị tường và xuất khẩu...

Nhận định về vấn đề này, Chủ tịch VFA Trương Thanh Phong nhấn mạnh, đã có dự báo báo thị trường Trung Quốc ngay từ đầu năm. Do 5 tỉnh phía Nam nước này bị hạn, có tỉnh có tới 300 ngày không mưa, hết hạn, nhiều tỉnh lũ lụt nặng làm mất mùa.

Trên thực tế, Trung Quốc không thiếu gạo nhưng do khoảng cách vận chuyển từ phía Bắc tới phía Nam tốn kém nên việc họ nhập khẩu gạo của ta là đương nhiên. Tuy nhiên, thông tin Trung Quốc mua 600.000 tấn gạo trong tháng 7 như các báo nêu là không đúng. 600.000 tấn là con số từ tháng 4 đến tháng 7 chứ không phải chỉ trong 1 tháng.

Ông Phong nhấn mạnh: "Trong tuần lễ vừa qua, giá lúa gạo ở ĐBSCL tăng nhanh, hiện giá lúa có phẩm chất thấp mua tại nhà dân 4.100 đồng, còn phẩm chất tốt hơn 4.800đ, còn lúa thơm khoảng 5.200 đến 5.500 đồng/kg, chênh lệnh 500-600 đồng/kg.

Hiện cửa hàng gạo của các doanh nghiệp lớn ở TP.HCM có lượng gạo bình ổn giá thấp hơn thị trường 10%. Các doanh nghiệp đều có điểm bán gạo bình ổn giá. Tại các tỉnh từ Đà Nẵng trở vào, Tổng công ty Lương thực miền Nam đã có cửa hàng bán bình ổn giá. Hiệp hội đã chỉ đạo kể cả khó mua hàng cũng bán nếu bà con có nhu cầu".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem