Đảm bảo nguồn vốn chính sách để giảm nghèo

Thứ tư, ngày 11/01/2012 10:36 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Kinh tế khó khăn càng cần đảm bảo nguồn vốn chính sách”. Đó là ý kiến của các đại biểu tại Hội nghị triển khai công tác năm 2012 do Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tổ chức tại Hà Nội ngày 9.1.
Bình luận 0

Ông Dương Quyết Thắng- Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH cho rằng, năm 2012 nền kinh tế sẽ còn nhiều khó khăn nhưng Ngân hàng CSXH phấn đấu tăng trưởng tín dụng ưu đãi toàn hệ thống hơn 10.000 tỷ đồng, tiếp tục tham gia có hiệu quả vào chính sách an sinh xã hội...

img
Bà con dân tộc Mông xã Hồ Bốn (Mù Cang Chải, Yên Bái) vay vốn
Ngân hàng CSXH nuôi bò sinh sản

Gần 2,5 triệu hộ thoát nghèo

Ông Nguyễn Đức Hải-Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH cho biết, năm 2011 tổng dư nợ các chương trình tín dụng ưu đãi của toàn hệ thống hơn 103.700 tỷ đồng, tăng 15,9% (14.269 tỷ đồng) so với năm 2010. Dư nợ các chương trình tín dụng ưu đãi do Thủ tướng Chính phủ giao đạt 93.180 tỷ đồng, tăng 12.468 tỷ đồng, hoàn thành 100% kế hoạch. Tăng trưởng tín dụng năm 2011 của ngân hàng tập trung vào 4 chương trình lớn: Cho vay đối với HS-SV có hoàn cảnh khó khăn; cho vay hộ nghèo thiếu vốn sản xuất, kinh doanh; cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở và cho vay đầu tư nước sạch - vệ sinh môi trường nông thôn.

Hết năm 2011, các chương trình tín dụng ưu đãi đã cho hơn 11,4 triệu lượt hộ nghèo vay, trong số này gần 2,5 triệu hộ thoát nghèo; thu hút 2,5 triệu lao động có việc làm; giúp hơn 2,4 triệu HS-SV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng hơn 3,1 triệu công trình nước sạch- môi trường, 83.000 căn nhà cho hộ gia đình vượt lũ vùng ĐBSCL, gần 400.000 căn nhà kiên cố cho hộ nghèo và các gia đình chính sách chưa có nhà ở; hơn 92.000 lao động được vay vốn đi XKLĐ...

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước kiêm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng CSXH Nguyễn Văn Bình mới đây cho rằng, các chương trình tín dụng từ Ngân hàng CSXH ngày càng khẳng định vai trò là một công cụ của Chính phủ để triển khai thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước đến với người nghèo, vùng nghèo, đồng bào các DTTS, góp phần bảo đảm an sinh xã hội...

Cần tăng vốn chính sách

Ông Nguyễn Hồng Thao-Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH Phú Thọ cho rằng, hiện đang có tình trạng “vênh” về số liệu giữa hộ nghèo “chỉ tiêu” và số hộ nghèo theo dư nợ. Có sự “vênh” này là do bị “cắt” bớt dần về chỉ tiêu hộ nghèo trong báo cáo từ xã lên tỉnh.

Tổng dư nợ vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH uỷ thác qua Hội ND năm là 35,139 nghìn tỷ đồng”.

Mặt khác, danh sách hộ nghèo do xã, phường xác lập vào tháng 10 và 11 năm trước, nhưng quá trình cho vay kéo dài cả năm sau. Trong thời gian đó, số hộ nghèo phát sinh do các nguyên nhân thiên tai, ốm đau... không được bổ sung vào danh sách nên khiến nhiều hộ nghèo bị thiệt thòi do không được vay vốn, nếu cho vay thì ngân hàng lại bị “oan” là cho vay sai đối tượng. Vướng mắc này cần sớm có được tháo gỡ.

Còn ông Nguyễn Thanh Lân- Giám đốc Ngân hàng CSXH Chi nhánh Lâm Đồng kiến nghị, mức vay Chương trình cho vay giải quyết việc làm; cho vay nước sạch - môi trường cần được nâng lên. Theo ông Lân, với mức vay 30 triệu đồng vốn giải quyết việc làm và 4 triệu đồng/công trình nước sạch - vệ sinh thì không đủ lực để đồng vốn phát huy hiệu quả như mong muốn...

Kinh tế năm nay được dự báo có nhiều khó khăn, nguồn vốn đảm bảo cho tăng trưởng tín dụng ưu đãi sẽ giảm từ 15,9% năm 2010 xuống 10% năm 2012 khiến không ít người băn khoăn. “Kinh tế càng khó khăn, phân hoá xã hội càng rõ, sự nghiệp giảm nghèo càng phải được coi trọng. Giảm nghèo giống như chữa bệnh, nếu dùng kháng sinh không đủ liều thì sẽ dễ gây ra nhờn thuốc”- ông Thao chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem