Từ 8-17/11, tại Apricot Gallery (50-52 Mạc Thị Bưởi, quận 1, TP.HCM) diễn ra triển lãm tranh "Giao mùa" của 3 họa sĩ Nguyễn Văn Đức, Lê Trần Hậu Anh và Nguyễn Nhật Dũng.
35 bức tranh pha trộn bút pháp ấn tượng, hiện thực và một chút huyền ảo, nhưng mỗi người lại có một quan niệm riêng về tranh phong cảnh. Ghép ba quan niệm riêng này vào một triển lãm chung, tưởng chừng chông chênh nhưng thật bất ngờ là họ khá hài hòa vì có ba điểm chung tuyệt vời.
Tranh của Nguyễn Văn Đức
Họa sĩ Nguyễn Văn Đức.
Đầu tiên, 3 họa sĩ cùng vẽ sự chuyển mùa, chớm mùa, giao mùa, nghĩa là khoảng giữa của hai mùa. Đây là khoảng thời gian khá tinh tế, như “giao thừa”, nơi mùa cũ chưa đi hết và mùa mới chưa đến rõ ràng.
Nếu bến thuyền của Nguyễn Nhật Dũng là cuộc chuyển giữa hè sang thu; bến nước và nhà bè của Lê Trần Hậu Anh giữa xuân sang hè và hè sang thu; thì Tây Bắc của Nguyễn Văn Đức chuyển cả bốn mùa trong năm, tùy mỗi bức.
Tranh Nguyễn Nhật Dũng.
Thứ hai, họ cùng phủ lên hiện thực một lớp mờ ảo, hoặc như sương như khói, nên phong cảnh giàu chất thơ, gợi niềm hoài nhớ và hồi tưởng về quê nhà. Không hẹn mà gặp, phong cảnh của họ như mang tính đại diện cho quê nhà của cả miền núi, miền biển và miền sông nước. Nó mang phong vị của cả Bắc, Trung, Nam, mà miền nào cũng đẹp và buồn, cũng tĩnh tại và luyến nhớ.
Thứ ba, khi vẽ phong cảnh, cả ba họa sĩ thường cho “người đi vắng”, như muốn đẩy hiện tại lùi vào dĩ vãng một chút, nhằm tạo cảm giác “dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo”, “trên không khói sóng cho buồn lòng ai”. Thế nhưng cảnh vật của họ không là chuyện của quá khứ mà là hiện tại, là Việt Nam hôm nay. Qua không khí của ngôi nhà, cây cối, vườn tược, bến nước, cảng biển, nhà bè…ta luôn nhận ra sự sống vẫn đang tiếp diễn.
Tranh của Lê Trần Hậu Anh.
Giữa một đại đô thị nhộn nhịp, tất bật như Sài Gòn, thật thú vị khi đến với triển lãm "Giao mùa", nơi mà người ta như được trở về với quê nhà, được đắm chìm vào cảm giác bình yên, tạm quên đi những lo toan, căng thẳng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.