Triển lãm "Tranh Tết Kỷ Hợi 2019" - từ thú chơi cá nhân thành cuộc chơi của giới họa sĩ

Minh Hằng Thứ tư, ngày 16/01/2019 16:52 PM (GMT+7)
Triển lãm “Tranh Tết Kỷ Hợi 2019” bắt đầu từ 15.1 đến 23.1.2019 tại Đông A Gallery (115 Nguyễn Thái Học, Hà Nội), trưng bày 60 bức tranh của 33 họa sĩ vẽ về con giáp của năm nay.
Bình luận 0

Sáng 15.1, tọa đàm khai mạc triển lãm “Tranh Tết Kỷ Hợi 2019” diễn ra với sự góp mặt của các vị khách mời như nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, họa sĩ Phạm An Hải và nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên.

img

Các khách mời tham gia khai mạc triển lãm “Tranh Tết Kỷ Hợi 2019”

Nguồn gốc thú chơi tranh con giáp

Thú chơi tranh từ lâu đã trở thành một truyền thống đón Tết Âm lịch của người Việt Nam. Cứ mỗi dịp Tết đến, người Việt xưa lại mua tranh về để trang trí hay tặng cho nhau như một lời chúc tụng cho năm mới. Chơi tranh là một hoạt động, sinh hoạt rất văn hóa của cha ông ta nhưng rồi cũng dần mai một.

img

Một tác phẩm tham gia triển lãm.

Con giáp là biểu tượng có từ lâu đời đã đi vào các dòng tranh dân gian Việt như tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng... Sau năm 1954, có một vài họa sĩ hàng năm vẽ các bưu thiếp chỉ đơn giản là để gửi cho nhau chúc Tết. Bên cạnh đó, các trang báo Tết văn nghệ thường dành một trang để đăng tranh con giáp do họa sĩ vẽ. Từ đó dẫn đến việc các họa sĩ vẽ tranh con giáp hàng năm và loại tranh này dần trở thành một thú chơi mang màu sắc văn hóa. Một số họa sĩ chuyên vẽ tranh con giáp ngày Tết phải kể đến họa sĩ Bùi Xuân Phái, Nguyễn Bích, Sỹ Ngọc...

img

Triển lãm trưng bày 6o bức tranh của 33 họa sĩ.

Cuộc chơi của giới họa sĩ mỗi dịp Tết

Hiện nay, số các họa sĩ vẽ tranh con giáp ngày càng đông đảo hơn. Các tranh không đơn giản chỉ để ngắm mà sâu sắc hơn là mang một đề tài, ý nghĩa, sự sáng tạo trong phong cách thể hiện, chất liệu rất riêng, đậm dấu ấn cá nhân của tác giả. Tính thời đại, hiện thực được thể hiện khá rõ trong các bức tranh.

img

Các tranh triển lãm được bán với giá từ 2 triệu đồng đến cao nhất là 70 triệu.

Triển lãm “Tranh Tết Kỷ Hợi 2019” trưng bày 60 bức tranh của 33 họa sĩ, như Thành Chương, Doãn Hoàng Kiên, Khổng Đỗ Duy, Bùi Phan Trung Dũng... Các bức tranh đều có giá bán từ 2 triệu đồng đến cao nhất là 70 triệu đồng.

img

Hai tác phẩm của họa sĩ Thành Chương có giá cao nhất triển lãm.

Họa sĩ Thành Chương có 2 tác phẩm "Lợn mán" và "Tự họa năm Hợi" có mức giá cao nhất trong triển lãm lần này. Ông chia sẻ về ý tưởng bức tranh của mình: “Bức tranh vàng là về con lợn mán mang tinh thần của vùng thiểu số. Tạo hình của nó gợi như một cái nhà sàn, miếng tam giác ở trên là nghệ thuật dân tộc, miếng vuông cắt góc gợi cái bánh chưng. Có người nói với tôi con lợn như là cái phong thư gửi gắm rất nhiều ý tứ cho một năm mới. Con lợn được cách điệu để mang tinh thần không còn là con vật thuần túy mà là con người, có những trăn trở, suy tư nhưng vẫn mỉm cười hy vọng cho một tương lai tốt đẹp”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem