Đám đông đừng tiếp tục "cưng chiều" Huyền My nữa!

Thứ sáu, ngày 27/10/2017 09:57 AM (GMT+7)
Cách mà đám đông đang thương thay, đang "che chắn" cho Huyền My chỉ khiến cô thêm áp lực. Nhà thiết kế Sỹ Hoàng, Hoa hậu Đền Hùng Giáng My đã bị "ném đá" dữ dội khi đưa ra những nhận xét thẳng thắn, chỉ rõ hạn chế của đại diện "chủ nhà".
Bình luận 0

Vin vào lý do sức khỏe của Huyền My không được tốt nên chưa thể hiện xuất sắc tại cuộc thi Hoa hậu Hòa bình quốc tế, đổ lỗi cho ba vị giám khảo "chủ nhà" với nghi vấn "xử ép" thí sinh, tiếp tục khen hết lời về nhan sắc tài năng trí tuệ của thí sinh nhà... là đa số thái độ đang được bày tỏ một cách công khai, sôi nổi, bức xúc khi Huyền My chỉ dừng lại ở Top 10 một cuộc thi nhan sắc quốc tế.

Vương miện cuộc thi Hoa hậu Hòa bình quốc tế 2017 được trao cho người đẹp đến từ Peru với sứ mệnh như một đại sứ hòa bình, có sắc đẹp mang đến cảm hứng thân thiện và trí tuệ.

Ngoài hình thể chuẩn, Tân Hoa hậu còn thành thạo tiếng Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Italy. Cô từng chia sẻ sau khi đăng quang Hoa hậu Hòa bình tại nước nhà: "Tôi là kẻ mơ mộng. Tôi mơ với tới những vì sao và nếu tôi với trượt, ít nhất cũng túm được đầy tay những đám mây".

Riêng nội dung hùng biện của người đẹp tại cuộc thi Hoa hậu Hòa bình quốc tế vừa qua vô cùng ngắn gọn, xúc tích với thông điệp: "Nếu trở thành Hoa hậu Hòa bình thế giới, tôi sẽ sử dụng tiếng nói của mình để truyền đi thông điệp về hòa bình".

Vậy chiến thắng thuyết phục của người đẹp Peru có gì để chúng ta phải tiếc cho Huyền My, phải đặt ra nghi vấn cô bị "xử ép", ban giám khảo làm việc thiếu công bằng? Kiểu thương nhau, "cưng chiều" như thế biết đâu sẽ kéo dài sự tổn thương cho chính người trong cuộc?

img

Huyền My khóc rất nhiều sau đêm Chung kết Hoa hậu

So với các thí sinh khác, Huyền My có quá nhiều lợi thế tại "sân nhà". Đầu tiên là lợi thế tinh thần. Cô được sự cổ vũ, bình chọn của đông đảo khán giả trong nước, được gia đình đồng hành chăm sóc, có ê-kíp chuyên nghiệp xây dựng hình ảnh, xử lý sự cố kịp thời...

Nhưng suốt quá trình dự thi, Huyền My đã có những phần thể hiện không hề xuất sắc. Cô vấp vào những lỗi đáng tiếc như chọn trang phục, tác phong đi đứng sinh hoạt, thường xuyên cáo ốm...

Nghịch lý ở chỗ, chính những lời khen hơi quá khích của đông đảo fan dường như đã đẩy Huyền My lên một vị trí cao của sự kỳ vọng. Đó cũng chính là áp lực vô hình mà cô gái trẻ này phải đối diện. Lâu nay, chúng ta đã quá quen với chuyện người đẹp nước nhà đi thi hoa hậu thế giới mà lắp bắp không nổi một câu tiếng Anh chào hỏi nên khi nghe một ứng viên nói khá trơn tru thì "tâng" lên mây xanh.

Trong khi đó, thành thạo tiếng Anh, chủ động giao tiếp... gần như trở thành yêu cầu tối thiểu tại những cuộc thi quốc tế. Chưa kể, đại diện đến từ những quốc gia khác còn thành thạo đến vài ngoại ngữ. Nếu liên hệ ở chính nước nhà, thì những Hoa hậu như Diệu Hoa, Bùi Bích Phương... tại thời điểm đăng quang cách đây đến vài thập kỷ đã thành thạo vài ngoại ngữ.

"Ở nhà nhất mẹ nhì con" là tâm lý chung của nhiều người. Tâm lý ấy cũng thường xuyên xuất hiện khi sự kỳ vọng nào đó không đạt kết quả như mong muốn. Cụ thể ở đây là việc Huyền My chỉ dừng chân ở Top 10. Xét cho cùng, chẳng có gì phải ồn ào, hơn thua đến thế.

Một cuộc thi luôn có những tiêu chí riêng. Người đẹp đăng quang ở Hoa hậu Thế giới chưa chắc đi thi Hoa hậu Hoàn vũ đã đoạt thành tích cao. Chuyện Huyền My trượt khỏi Top 5, không hẳn vì cô không đẹp, không tài mà vì ban giám khảo đã chấm điểm cho những tiêu chí khác, mà Huyền My không có hoặc chưa đạt.

img

Hoa hậu Peru (giữa) được các người đẹp chúc mừng

Theo dõi các cuộc thi sắc đẹp uy tín bậc nhất hành tinh, có thể nhận thấy một điểm chung rằng những người đẹp đăng quang chủ yếu thuộc hai đối tượng: Một, bản thân họ coi cuộc thi như trải nghiệm đẹp, đăng quang hay không họ vẫn trở về đời thường với nghề nghiệp y tá, giáo viên, giảng viên, dịch thuật... Không ai coi thi Hoa hậu để "đổi đời", để tranh thủ quãng thanh xuân đi chạy sô tậu nhà, mua xế hộp. Tâm thế họ đi thi rất nhẹ nhàng, cởi mở, các hoạt động giao lưu, thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật được thể hiện đầy cảm xúc và xuất sắc.

Hai, bản thân người đẹp được đào tạo trong "lò" hoa hậu chuyên nghiệp, họ có mục tiêu rõ ràng về ngôi vị, nghiêm khắc khắt khe với bản thân mình để hoàn thiện vẻ đẹp ấy. Chính bởi được đào tạo chuyên nghiệp nên những đại diện này khi đặt chân đến cuộc thi gần như đã là một vẻ đẹp hoàn hảo, bản lĩnh như những chiến binh, khó có chuyện họ bị bắt lỗi, soi ra nhược điểm trong những cuộc thi quốc tế.

Còn ở "sân nhà" của chúng ta, chủ yếu vẫn là "có sao dùng vậy". Chúng ta không có "lò" đào tạo Hoa hậu chuyên nghiệp, đại diện đi thi hoa hậu quốc tế chủ yếu là những người đẹp đăng quang một cuộc thi quy mô trong nước sau đó được cử đi thi. Vài năm gần đây, "công nghệ" chạy đua với sự chuyên nghiệp mới bắt đầu nhen nhóm.

Bản thân những người đẹp đoạt thành tích cao trong nước đã chú tâm rèn giũa vốn ngoại ngữ, kỹ năng, đầu quân cho một số công ty về sắc đẹp, có ê-kíp xây dựng hình ảnh... để lên đường dự thi quốc tế. Đó là một tín hiệu đáng mừng. Huyền My là một ứng viên như thế. Sự nỗ lực của cô với thành tích Top 10 Hoa hậu Hòa bình quốc tế lẽ ra nên được đón nhận như một tin vui thay vì đổ lỗi chỉ bởi sự kỳ vọng lớn hơn cả sự công bằng khách quan.

Cách mà đám đông đang thương thay, đang "che chắn" cho Huyền My chỉ khiến cô thêm áp lực. Nhà thiết kế Sỹ Hoàng, Hoa hậu Đền Hùng Giáng My đã bị "ném đá" dữ dội khi đưa ra những nhận xét thẳng thắn, chỉ rõ hạn chế của đại diện "chủ nhà". Ở vai trò giám khảo, ngoài việc "cầm cân nảy mực", bám sát tiêu chí cuộc thi, chấm điểm công bằng và phát ngôn trung thực... họ còn có thể làm gì hơn?

Những lời khen có cánh, vỗ vễ, an ủi với Huyền My lúc này có thể cần thiết trong một chừng mực nào đó nhưng hoàn toàn không phải nhiệm vụ của một ban giám khảo vừa chấm thi xong. Huyền My đại diện Việt Nam dự thi nhan sắc, nếu cô đoạt thành tích cao, có thể trở thành biểu tượng cho một vẻ đẹp mới, góp vào thành tích chung của nhan sắc Việt tại đấu trường quốc tế. Nhưng đầu tiên, Huyền My đi thi vẫn từ chính khát vọng, nhu cầu của bản thân mình. Thành tích hay thất bại sau cuộc thi đều thuộc sở hữu của bản thân cô.

Vương miện chỉ có một, nhan sắc lại cả "rừng" nhưng thông điệp của các cuộc thi Hoa hậu trên toàn hành tinh vẫn là tinh thần nhân ái, trí tuệ không ngừng được mở mang và nhan sắc rạng ngời không ngừng được hoàn thiện. Đó mới là vẻ đẹp mà những cuộc thi công bằng, giám khảo tinh tường sẽ nhận ra ngay.

T. Nam (Gia đình & Xã hội)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem