Hàng triệu người Anh hôm nay đi bỏ phiếu để quyết định có rời khỏi EU hay không. Những tranh cãi tập trung vào vấn đề nhập cư và an ninh kinh tế. Cả hai phía đã hạ giọng sau khi ngưng chiến dịch vận động 3 ngày tiếp theo vụ ám sát một nhà lập pháp chống lại việc Anh rời khỏi EU, một biến cố mà những cuộc thăm dò cho thấy đã gây sốc đối với nhiều cử tri trước đây chưa quyết định nay nói rằng họ sẽ bỏ phiếu để Anh vẫn còn ở EU.
Với Anh- nền kinh tế lớn thứ hai trong EU, đây là thời điểm bấp bênh nhất. Có nhiều cảnh báo là việc rời khỏi khối gồm 28 thành viên sẽ làm cho đồng pound của Anh mất 15% giá trị và khiến cho Thủ tướng phải từ chức vì nhiệm vụ được giao phó của ông tùy thuộc vào việc người Anh có nghe theo ông và bỏ phiếu ở lại EU hay không.
“Nếu chúng ta chọn rời khỏi EU, chúng ta có thể rời khỏi khối này. Nhưng chúng ta cần phải biết rõ là nếu chúng ta ra đi, thì mọi sự chấm dứt. Chúng ta bước ra khỏi cửa".
Áp phích kêu gọi cử tri bỏ phiếu rời khỏi EU.
Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk cho biết EU)chắc chắc sẽ vượt qua được cuộc khủng hoảng Brexit, song cái giá phải trả sẽ rất đắt. Ông Tusk cho hay hoạt động chuẩn bị cho kịch bản đang được triển khai, song không tiết lộ thêm bất kỳ chi tiết nào về những gì mà EU đang chuẩn bị. Liên quan tới những cuộc thăm dò ý kiến được tiến hành gần đây ở Anh, ông Tusk cho rằng không dễ dàng để tỏ ra lạc quan với việc cử tri Anh sẽ bỏ phiếu ở lại EU. Theo ông Tusk, bên cạnh tác động kinh tế, những hệ lụy về chính trị và địa chính trị tới nay vẫn chưa thể lường hết vào một thời điểm mà EU cần hơn hết sự đoàn kết.
Nước Pháp đã tỏ ý muốn là phải có một tín hiệu mạnh để đưa EU ra khỏi bầu không khí u ám cả về mặt kinh tế lẫn chính trị hiện nay. Trên tờ Le Monde gần đây, bộ trưởng KinhTế Emmanuel Macron đã hứa rằng nước Pháp sẽ đưa ra sáng kiến để tránh lây lan «triệu chứng » Brexit và khởi động ngay một dự án mới mang tính tích cực cho châu Âu.
Nhưng Đức thì không lạc quan như vậy. Trên tờ nhật báo Spiegel, bộ trưởng Tài Chính Wolgang Schauble cho rằng trong trường hợp Brexit, không thể nào kêu gọi châu Âu hội nhập hơn nữa. Ông nói : "Đây sẽ là một điều ngu xuẩn, nhiều người sẽ trách các lãnh đạo chính trị đã không hiểu được tâm trạng của người dân các nước, đang ngày càng hoài nghi về châu Âu hợp nhất. Chủ tịch Uỷ Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker cũng nghĩ rằng thúc đẩy hội nhập hơn nữa sẽ càng làm rối loạn thêm".
Cho dù kết quả cuộc trưng cầu dân ý về Brexit ở nước Anh ngày 23.6 như thế nào, các nước trong EU chưa đồng nhất về chiến lược sau đó nhằm thúc đẩy trở lại công cuộc xây dựng châu Âu hợp nhất, trong khi hai trụ cột Đức và Pháp thì vẫn chưa đạt đến một thỏa thuận nào.
Trong khi đó, các nước bên ngoài như Trung Quốc, Nga và nhiều nước châu Á cũng đứng ngồi không yên chờ đợi kết quả bỏ phiếu.
Với Trung Quốc, theo phân tích của trang mạng The National Interest, thông điệp của Trung Quốc đối với London quá rõ ràng : Bắc Kinh không muốn để kịch bản Brexit xảy ra vì trong trường hợp London rời bỏi EU, Trung Quốc sẽ bị thiệt hại cả về mặt kinh tế lẫn chính trị.
EU hiện là đối tác thương mại quan trọng nhất của Trung Quốc, tổng trị giá trao đổi mậu dịch hai chiều lên tới 520 tỷ vào năm ngoái. Việc Anh Quốc ra khỏi EU sẽ làm rúng động đại gia đình châu Âu này, qua đó tác động lây đến quyền lợi của Bắc Kinh.
Còn đối với Nga, một cuộc động đất kinh tế tại Châu Âu sẽ gây tác hại vừa trực tiếp vừa gián tiếp cho Nga. Khi Anh ra đi, hai bạn hàng chính còn lại của Nga trong EU là Hà Lan và đảo Chypre. Brexit có thể gây ra một cuộc chiến tranh thương mại giữa Anh và EU với hệ quả là làm tiêu tan tiền đầu tư của Nga ở ba đối tác quan trọng này.Vào đầu năm 2014, đầu tư của Nga đổ vào Anh 9 tỉ USD, thiên đường thuế Virgo 60 tỉ, đảo Chypre 20 tỉ và Hà Lan 19 tỉ USD. Moscow không quên đã phải cứu đảo Chypre 2,5 tỉ USD trong cuộc khủng hoảng tài chính 2010 để bảo vệ tài sản của chính mình không bị khánh tận.
Đó là thiệt hại về kinh tế, chưa kể đến những tác hại khôn lường về chính trị.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.