Ngày 22/7, sau hai ngày xét xử và nghị án, TAND Cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm lần 3, bác đơn kêu oan của bị cáo Khưu Mậu Tuấn (50 tuổi, thợ kim hoàn), tuyên y án 12 năm tù về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Bản án có hiệu lực ngay, khép lại quá trình tố tụng kéo dài hơn 6 năm với 6 phiên tòa và hai lần hủy án.
Theo toà phúc thẩm, quá trình điều tra và xét xử Tuấn thừa nhận tối 13/1/2014 được bà Đặng Thị Nga (52 tuổi, dì Tuấn) đưa cho túi tiền, vàng và 62.000 USD mang ra bến xe gửi vào TP.HCM cho đối tác. Bà Nga có nhiều lời khai tài sản này trị giá 2,6 tỷ đồng nhưng sau hai lần điều tra lại, đối chiếu sổ sách, cơ quan tố tụng xác định tổng giá trị là hơn 2,4 tỷ.
Về hành vi phạm tội của bị cáo, HĐXX nhận định, quá trình điều tra Tuấn nhiều lần thay đổi lời khai cho rằng tối hôm đó sau khi nhận túi tiền vàng, bị cáo để lên gác baga xe máy, quai túi móc vào gương chiếu hậu bên trái rồi chạy ra bến xe. Khi đến số 88 đường Nguyễn Thị Định (phường Tấn Tài), bị cáo bị thanh niên vượt lên ép xe, giật túi tiền vàng làm xe của Tuấn ngã về phía trước bên trái, Tuấn ngã ra phía sau vào lề bên phải.
Có lúc Tuấn khai rằng, bị tác động một lực mạnh từ phía sau làm ngã xuống đường, khi tỉnh dậy thì túi tiền vàng đã mất nhưng không biết mất như thế nào.
Theo toà phúc thẩm, quá trình điều tra xét xử lại lần thứ 3, Công an tỉnh Ninh Thuận cho thực nghiệm hiện trường theo cả hai khả năng như lời Tuấn khai, xác định không có chuyện túi xách bị giật.
Bởi, chiếc túi được móc vào gương chiếu hậu, nếu bị giật thì hiện trường tai nạn phải thể hiện Tuấn bị kéo lê, cả người và xe ngã về phía trước. Trường hợp Tuấn ngã xuống đường bất tỉnh mới bị thanh niên lấy chiếc túi, HĐXX khẳng định "không thể xảy ra". Điều này căn cứ vào lời khai của các nhân chứng Trần Thị Mười (nhà tại hiện trường): khi Tuấn bị ngã, bà và con trai chạy ra đỡ dậy, không thấy trên xe có chiếc túi; không có ai lấy túi.
Những người bán ốc ở gần đó cũng khai cho rằng, nhìn thấy người thanh niên chạy xe nhanh vượt lên sau khi ông Tuấn ngã nhưng không có chiếc túi nào trên xe. Khi thấy Tuấn ngã, họ chạy đến thấy ông này không bất tỉnh, không tri hô. Lời khai này phù hợp với lời khai của Tuấn lúc ban đầu.
Tuấn khai, sau khi nhận tiền vàng từ bà Nga không có liên lạc với ai, nhưng kết quả điều tra xác định bị cáo có gọi cho anh trai 3 cuộc điện thoại.
"HĐXX đã tập hợp, đánh giá những chứng cứ thu thập được, xác định không có vụ cướp giật như lời khai của bị cáo. Khi bị ngã xe, bị cáo không bất tỉnh, không bị mất túi tiền vàng. Đây là thủ đoạn gian dối của bi cáo nhằm chiếm đoạt tài sản của bị hại", bản án phúc thẩm nêu.
Hơn nữa, quá trình điều tra, người thân của bị cáo có đến nhà bà Mười đề nghị xác định sau khi tai nạn xảy ra Tuấn bị bất tỉnh không biết ai lấy túi tiền vàng nhưng bà Mười không xác nhận...
Từ đó, HĐXX cho rằng, bản án sơ thẩm lần thứ 3 của TAND tỉnh Ninh Thuận tuyên phạt bị cáo 12 năm tù về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là có căn cứ, đúng người đúng tội.
Trước đó, luật sư đề nghị toà tuyên bị cáo không phạm tội, vì cơ quan điều tra không chứng minh được trong thời gian từ lúc nhận túi tiền vàng từ bà Nga chạy đến số 88 Nguyễn Thị Định và gặp tai nạn bị cáo đã tiêu thụ tài sản này như thế nào, đưa cho ai, giấu ở đâu?
Theo HĐXX, lời bào chữa của luật sư là không có căn cứ vì "bị cáo tiêu thụ tài sản này ở đâu, như thế nào, không phải là tình tiết xác định bị cáo không phạm tội".
Vụ án đã được TAND tỉnh Ninh Thuận xử sơ thẩm 2 lần, tuyên phạt Tuấn 12 và 14 năm tù. Bị cáo kháng cáo kêu oan. Các bản án này đều bị TAND Cấp cao hủy để điều tra lại vì cho rằng căn cứ buộc tội bị cáo chỉ dựa trên "suy đoán chứ chưa đủ căn cứ vững chắc".
Tuy nhiên, quá trình điều tra lại, các cơ quan tố tụng vẫn giữ nguyên quan điểm, tiếp tục truy tố và xét xử ông Tuấn về tội danh cũ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.