“Dân kêu, tòa không thể từ chối”

A.T - Lương Kết Thứ ba, ngày 25/08/2015 06:54 AM (GMT+7)
Sáng 24.8, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đã thảo luận về Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Vấn đề có nhiều ý kiến trái chiều là quy định về trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự, cụ thể là toà không được từ chối giải quyết tranh chấp dân sự với lý do không có điều luật quy định mà phải áp dụng tập quán, tương tự pháp luật và lẽ công bằng để xử lý.
Bình luận 0

Đại biểu Trần Đình Nhã băn khoăn: “Liệu đây có phải là bước lùi vì xây dựng nhà nước pháp quyền là đảm bảo công dân sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Cơ quan nhà nước cũng phải xử lý theo pháp luật chứ không phải theo cái không phải pháp luật”. Cho rằng “cứ thả ra” thì nhiều vấn đề hệ luỵ rất khó xử lý, ông  Nhã đề nghị nên chăng thành lập một toà kiểu Toà án Hiến pháp để xử lý những vấn đề này, để sau khi xét xử những vụ việc chưa có điều luật áp dụng thì tổng hợp thành án lệ.

Đại biểu Lê Nam (đoàn Thanh Hoá) cho rằng, trong điều kiện Việt Nam mà giao toàn quyền cho thẩm phán chủ động quyết định áp dụng tương tự pháp luật, tập quán lại chưa bảo đảm khả thi vì nước ta có nhiều dân tộc và đặc điểm vùng miền cũng khác nhau...

Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) cho rằng toà án từ chối giải quyết vì chưa có điều luật là không thể chấp nhận được. “Nhân danh công lý, lẽ phải mà nói thẩm phán không biết xử kiểu gì thì không nên làm thẩm phán. Cứ nói do trình độ này kia nhưng có việc người ta làm vài trăm năm rồi không lẽ Việt Nam nay không làm được. Người dân không chấp nhận ông làm thẩm phán mà từ chối giải quyết” - ông Lịch đề nghị.

Ở góc độ toà án, Phó Chánh án TANDTC Tống Anh Hào nhấn mạnh Hiến pháp quy định toà bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân nên toà phải xử lý. “Nhà nước không xử lý, rồi người dân vẫn phải tự xử lý thì dẫn đến vấn đề trật tự xã hội. Do đó quy định toà không được từ chối giải quyết là bước tiến để toà thực hiện quyền tư pháp, đáp ứng thực tế” - ông Hào nói.

Ông Hào cho biết, luật hiện hành vẫn cho phép áp dụng tập quán, tương tự pháp luật và lẽ công bằng. Với những tập quán ở các vùng miền đã được thừa nhận và pháp luật không điều chỉnh thì có nghĩa không trái pháp luật, toà có thể trên cơ sở đó để giải quyết. Lẽ công bằng thuộc về nguyên tắc chung của cuộc sống, của xã hội, chính sách chung của Đảng, Nhà nước... thì thẩm phán cũng có thể căn cứ mà xét xử.

Trước nhiều ý kiến trái chiều, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt vấn đề: “Nhân dân đặt ra Nhà nước để giải quyết việc của dân, xưa nay vẫn thế nhưng dân kêu sao ông lại từ chối? Dân sự cốt ở hai bên, không kêu nhà nước là tốt nhất nhưng đây là trường hợp người ta không tự giải quyết được, giờ toà từ chối và nói người ta về tự giải quyết thì có được không?”

“Hiến pháp giao toà thực hiện quyền tư pháp, quyết định đúng-sai, phải- trái. Nói không có điều luật thì không nhận, cơ quan nhà nước bảo dân về để tự giải quyết với nhau thì chẳng có trách nhiệm gì cả. Việc toà có giải quyết được hay không là của toà và ta phải tính để đảm bảo cho toà làm được. Cần bàn cái này chứ không phải bàn “đuổi” dân về” - Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Hiến pháp giao toà rồi mà anh không nhận giải quyết thì anh từ chối luôn chức năng của anh đi. Không thực hành quyền tư pháp, không xét xử thì bất thành toà án... 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem