Nhà máy “đắp chiếu”
Nằm bên Quốc lộ 7A thuộc xã Chi Khê, huyện Con Cuông, Nhà máy Sản xuất bột giấy Tân Hồng bề ngoài trông rất hoành tráng với những dãy nhà xưởng bề thế, nhưng đến gần mới thấy vẻ hoang tàn, đìu hiu, không một bóng người, cỏ mọc đầy lối đi. Về thực trạng này, ông Lang Anh Hưng - Trưởng phòng Nông nghiệp Con Cuông cho biết: Nhà máy Sản xuất tinh bột giấy Tân Hồng được xây dựng năm 2007, là chi nhánh của Công ty CP Xuất nhập khẩu Tân Hồng. Rừng nguyên liệu của nhà máy được phát triển trên diện tích hơn 47.000ha với tổng vốn đầu tư 596 tỷ đồng. Hiện nhà máy đã ngừng hoạt động, không có khả năng chi trả lương cho cán bộ công nhân viên, thậm chí nợ lương công nhân tới 6 -7 tháng.
|
Nhà máy đóng cửa, gỗ keo để ngổn ngang ở xã Mẫu Đức, Con Cuông không ai thu mua. |
Ông Hưng cho hay: Trước khi xây dựng, Nhà máy Sản xuất tinh bột giấy Tân Hồng có cam kết và hợp đồng bao tiêu cây nguyên liệu trên 900ha, cụ thể là đầu tư giống và phân bón cho diện tích trên. Bên cạnh đó, nhà máy còn hứa sẽ thu mua hết các diện tích cây nguyên liệu của các chương trình, dự án. Nhà máy xây dựng xong bỗng dưng đóng cửa, hiện trên 900ha keo cam kết với người dân vẫn chưa thu mua, chưa kể trên 4.000ha keo lai từ các chương trình dự án khác được nhà máy hứa sẽ tiêu thụ nay đã quá lứa. Hiện UBND huyện Con Cuông đã rà soát lại diện tích đất để đề nghị UBND tỉnh thu hồi.
Dân lao đao
Chị Ngân Văn Hà ở bản Chòm Muộng, xã Mẫu Đức than thở: Gia đình trồng được trên 5ha cây keo, những tưởng Nhà máy Sản xuất tinh bột giấy Tân Hồng sẽ thu mua, ai ngờ cây vừa đến tuổi thu hoạch thì nhà máy lại đóng cửa. Tư thương các nơi cũng đến hỏi mua keo nhưng lại ép giá quá rẻ nên gia đình chưa bán. Ông Ngân Văn Dương - Phó Chủ tịch UBND xã Mẫu Đức cho biết: Nhà máy Sản xuất tinh bột giấy Tân Hồng hợp đồng với xã trồng và bao tiêu trên 250ha keo lai, nhà máy mới chỉ hỗ trợ tiền giống, còn lại dân tự bỏ tiền mua phân bón, chưa kể công sức, đầu tư khoảng 8-10 triệu đồng/ha.
Thời điểm này trên 250ha keo đã đến tuổi thu hoạch nhưng nhà máy không hoạt động nữa nên người dân không biết bán cho ai. Trước đây, nhà máy vận động, người dân trồng keo ồ ạt, không quy hoạch, đầu tư đường vận chuyển nguyên liệu nên khi nhà máy đóng cửa, các tư thương vào thu mua thường ép giá do đường khó khăn.
Ông Dương cho biết thêm: Dịp Tết Nguyên đán, nhiều hộ do túng thiếu đã bán tống bán tháo cây với giá bèo bọt, bình quân chỉ đạt 10-12 triệu đồng/ha, tính ra còn thua lỗ. Ông Lương Văn Do ở bản Tổng Tờ, xã Đôn Phục cho hay: Gia đình tôi trồng 2ha keo, hy vọng Nhà máy Sản xuất tinh bột giấy Tân Hồng sẽ thu mua để kiếm thêm thu nhập, nhưng cuối cùng nhà máy đóng cửa, tư thương ép giá phải bán 10 triệu đồng/ha, nếu không bán để cây quá lứa chỉ chặt về làm củi đun.
Ông Vi Văn Đức - Phó Chủ tịch UBND xã Đôn Phục kể thêm: Trước khi xây dựng Nhà máy Sản xuất tinh bột giấy Tân Hồng thì xã, huyện vận động bà con trồng cây nguyên liệu và hứa sẽ bao tiêu sản phẩm. Người dân háo hức trồng keo với niềm hy vọng sẽ được đổi đời. Giờ nhà máy ngừng hoạt động, để lại trên 300ha keo đã đến tuổi thu hoạch chẳng biết bán cho ai trong khi tư thương trả giá rẻ hơn… củi.
Tiến Dũng - Sông Dinh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.