Dân kiện chính quyền: Vì sao Chủ tịch tỉnh, thành phố "ngại" ra tòa?

Lương Kết Thứ tư, ngày 22/08/2018 13:42 PM (GMT+7)
Theo báo cáo của ngành chức năng, trong ba năm (2015-2017), 100% trường hợp Chủ tịch UBND và UBND không chấp hành án nhưng cơ quan Thi hành án đều không có văn bản kiến nghị xử lý trách nhiệm những người này.
Bình luận 0

img

Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (ảnh Quochoi.vn).

Ngày 22.8, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 10, cho ý kiến về dự thảo báo cáo của Đoàn giám sát của Ủy ban về việc chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính trong giải quyết các vụ án hành chính và thi hành các bản án, quyết định hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch UBND, UBND.

Qua báo cáo của Chính phủ, các cơ quan tư pháp Trung ương và kết quả trực tiếp giám sát tại 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đoàn giám sát nhận thấy, Chủ tịch UBND, UBND nhiều địa phương chưa chấp hành nghiêm túc quy định của Luật tố tụng hành chính.

Có những địa phương, sau khi Luật tố tụng hình chính năm 2015 có hiệu lực thi hành, Chủ tịch UBND làm văn bản ủy quyền thường xuyên cho Phó chủ tịch UBND tham gia tố tụng, tuy nhiên sau đó Phó chủ tịch cũng chưa tham gia bất kỳ phiên đối thoại hoặc phiên tòa nào.

Dự thảo báo cáo giám sát cho biết, trong 3 năm, TAND TP. Hà Nội xét xử 189 vụ án nhưng chưa có vụ án nào Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội tham gia tố tụng. Trong khi đó, tại TP.HCM, năm 2017 có 260/260 vụ (chiếm 100%) không tổ chức đối thoại được do Chủ tịch UBND và đại diện UBND vắng mặt tại TAND TP.HCM.

Nói về vấn đề này, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, ngoài đánh giá cao sự thẳng thắn của đoàn giám sát cũng có “chia sẻ với các đồng chí Chủ tịch”. Người đứng đầu ngành tòa án cho rằng, nếu thế các vị Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phải ra tòa liên tục, như ở TP.Hà Nội và TP.HCM có cả nghìn vụ án hành chính, mỗi ngày xử ba vụ thì phải có ba vị là chủ tịch hoặc phó chủ tịch ra tòa.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình thông tin thêm, tổng số các quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch UBND và UBND được thụ lý, giải quyết sơ thẩm, phúc thẩm là hơn 13.400 vụ, trong đó số bản án, quyết định bị sửa, hủy là 1.096 vụ; tỷ lệ hủy, sửa là 8,17% (cao nhất trong các loại án).

Về việc chấp hành pháp luật của cơ quan Thi hành án, theo dự thảo báo cáo, hạn chế lớn nhất trong công tác thi hành án hành chính là tình trạng cơ quan Thi hành án Dân sự và Chấp hành viên ngại va chạm với chính quyền địa phương.

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, trong ba năm (2015-2017), 100% trường hợp Chủ tịch UBND và UBND không chấp hành án nhưng cơ quan Thi hành án đều không có văn bản kiến nghị xử lý trách nhiệm những người này. 100% trường hợp Chủ tịch UBND và UBND không chấp hành án nhưng cơ quan Thi hánh án Dân sự cũng không đề nghị Tổng cục Thi hành án Dân sự kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo, xử lý trách nhiệm người không chấp hành án.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh vấn đề giám sát là chủ đề nóng bỏng, được dư luận và nhân dân rất quan tâm.

"Đây là loại án người dân kiện chính quyền và người đứng đầu chính quyền, bản thân quan hệ này đã hàm chứa sự bất bình đẳng. Qua giám sát cho thấy kết quả đạt được cũng nhiều và những tồn tại hạn chế cũng không ít", bà Nga nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng, cần phải làm rõ tại sao nhiều năm nay, từ khi có án này, chúng ta có một đánh giá “thường trực” là thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên ngại va chạm, nể nang trong xét xử, kiểm sát và thi hành loại án này.

“Nguyên nhân là ở đâu, tại sao ngại va chạm, tại sao nể nang? Ở đây tính lệ thuộc của hệ thống tư pháp vào hành pháp ở chỗ nào? Tưởng là ở huyện nể nang nên khó làm, nhưng lên tỉnh cũng nể nang, vậy bản chất của nể nang lý do là gì? Có phải chăng là tính lệ thuộc giữa những chức danh tư pháp này đối với Chủ tịch UBND và UBND, và nếu lệ thuộc thì lệ thuộc ở chỗ nào?”, bà Nga nêu ra hàng loạt vấn đề.

Theo dự thảo báo, số bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án mà Chủ tịch UBND, UBND phải thi hành là 744 bản án, quyết định; đã thi hành được 694 bản án, quyết định (đạt tỷ lệ 93,28%), còn 50 bản án, quyết định chưa thi hành. Đến ngày 30.4.2018, tiếp tục có 14/50 bản án, quyết định được thi hành xong. Đến nay, theo báo cáo của Chính phủ, còn 36 bản án, quyết định chưa được Chủ tịch UBND, UBND thi hành. Thậm chí có bản án có hiệu lực từ 2011 đến nay nhưng vẫn chưa được thi hành...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem