Tôi có người dì làm ở Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Long An. Sở này tuyển người nên thông báo tuyển dụng rộng rãi trên mặt báo. Có hai sinh viên học cùng đại học vừa tốt nghiệp nộp hồ sơ cho sở. Gọi điện thoại hẹn ngày phỏng vấn, các ứng viên “xin” phỏng vấn vào ngày nghỉ “vì tụi con đang đi làm thêm”. Yêu cầu này được chấp nhận. Đến ngày phỏng vấn, các ứng viên đều khá lanh lợi, hoạt bát, “đủ chuẩn” làm việc. Đến lượt các em “phỏng vấn” lại người phụ trách tuyển dụng về chế độ đãi ngộ, mức lương. Sau khi được cung cấp thông tin, cả hai ngần ngừ một chút, rồi nói thật: “Cô ơi, cho con xin lại hồ sơ. Con ra ngoài đi làm mới đủ sống chứ làm nhà nước hổng đủ sống”.
Ở An Giang, Chủ tịch tỉnh Vương Bình Thạnh chỉ đạo, cán bộ ở các Sở, ngành nếu thi rớt công chức thì phải nghỉ việc. Nhưng, hàng loạt cán bộ thi rớt đã “không thể nghỉ”, vì nếu nghỉ thì kiếm người khác lấp vào để có người làm việc cũng là chuyện khó với địa phương. Cho đến giờ, dàn cán bộ “không đủ chuẩn” ở An Giang vẫn phải làm việc bình thường. Trong khi đó, nhân tài không biết ở nơi nảo nơi nao.
Cũng chuyện thi rớt, có địa phương phải sửa điểm “cho đậu” mà vẫn thiếu người. Chuyện đình đám nhất về chuyện “chê” làm nhà nước có lẽ là ở Bến Tre. Còn nhớ, năm 2011, tỉnh Bến Tre có nhu cầu tuyển 307 công chức, nhưng chỉ có 162 người ở khối cơ quan hành chính đăng ký dự tuyển. Như vậy, mục đích thi tuyển công chức nhằm tuyển chọn những người tài làm công chức đã không thực hiện được ngay từ đầu. Sau khi giám khảo chấm thi xong, thống kê lại số người có điểm dưới trung bình quá nhiều. Hội đồng thi tuyển công chức tỉnh đã họp bàn và thống nhất nâng điểm cho 43 thí sinh có điểm thi chuyên ngành dưới 50 lên tròn 50 điểm để đủ điều kiện trúng tuyển, cho có người làm việc.
Bệnh viện đa khoa Cần Thơ, nơi rộ lên câu chuyện bác sĩ xin nghỉ việc.
Ở Cần Thơ, câu chuyện các bác sĩ nằng nặc xin ra khỏi bệnh viện công, đến mức lãnh đạo bệnh viện phải tổ chức họp bàn, vận động kiểu “năn nỉ” để bác sĩ không bỏ đi có lẽ sẽ làm nhiều người ở khu vực miền Trung, miền Bắc hết sức ngạc nhiên. Dư luận từng xôn xao với chuyện “chạy công chức một trăm triệu đồng” ở Hà Nội - mà thực tế là còn cao hơn. Cho nên, chuyện “chê công chức”, đi làm tư nhân có vẻ như rất xa lạ ở một số vùng miền và rất bình thường ở khu vực miền Tây.
Bác sĩ Lê Quang Võ - Giám đốc BV Đa khoa TP.Cần Thơ cho biết, chỉ từ đầu năm đến nay BV chính thức có tất cả 15 bác sĩ có nguyện vọng và nộp đơn xin nghỉ việc với lý do sức khỏe và hoàn cảnh gia đình. BV đã vận động được 7 bác sĩ xin rút đơn, tiếp tục ở lại BV phục vụ; còn 5 trường hợp xin nghỉ đang giải quyết. Trước đó đã giải quyết chế độ cho 3 trường hợp.
Tại Long An, chuyện bác sĩ “con cưng” vì tay nghề cao nhất quyết xin nghỉ biên chế, ra ngoài làm cho bệnh viện tư cũng từng dẫn đến kiện tụng vì bệnh viện quyết giữ người, trong khi bác sĩ quyết ra đi. Dĩ nhiên, không thể giữ lại người giỏi nếu điều kiện sống của họ không được bảo đảm.
Ở ĐBSCL, nhiều cơ quan nhà nước ràng buộc “công chức” bằng các hợp đồng đào tạo, nếu đi học bằng ngân sách mà muốn dứt áo ra đi thì phải đền tiền. Thế nhưng, chuyện đền tiền để khỏi làm công chức - thậm chí kiện nhau ra tòa, không phải là chuyện hiếm.
Tại Đồng Tháp, ông Lê Minh Hoan - Bí thư Tỉnh ủy nói thẳng, cán bộ giỏi, kể cả do tỉnh đào tạo bằng ngân sách, nếu có nguyện vọng xin ra làm cho tư nhân trên địa bàn tỉnh thì tỉnh luôn ủng hộ. “Làm tư nhân họ cũng đóng góp cho quê hương. Còn với cơ chế như ta hiện nay, nhân tài dễ thui chột, giữ lại sẽ lãng phí” - ông Hoan nói.
Người miền Tây “chê” công chức vì thực tế một điều, dân miền Tây không có thói quen “phong bì” cho cán bộ. Lương chan chát ba cọc ba đồng của nhà nước thì không đủ sống. Thiếu người tài, dĩ nhiên bộ máy nhà nước vận hành sẽ yếu kém. Ở những nơi khác, người ta đua nhau “vào biên chế” bằng mọi giá, do đó người tài cũng sẽ quay lưng với cái mác công chức. Dĩ nhiên, bộ máy vận hành bằng những người thiếu tài, có chân biên chế nhờ “chạy” thì cũng không thể mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.