Dân nhập cư đến Bình Dương đi cạo mủ cao su tiểu điền, người chính gốc Bình Dương lại bỏ đi làm ở đâu?

Trần Khánh Thứ tư, ngày 20/04/2022 13:41 PM (GMT+7)
Công nghiệp hóa, đô thị hóa mạnh mẽ khiến sự dịch chuyển lao động cao su tiểu điền ở Bình Dương sôi động hơn các nơi khác. Thực tế này đã và đang diễn ra, kéo theo nguy cơ thiếu hụt lao động cao su tiểu điền trong tương lai.
Bình luận 0

Đó là nhận định của TS. Hoàng Thị Thu Huyền, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ tại hội thảo khoa học "Tiếp nối truyền thống, tỉnh Bình Dương chặng đường 1/4 thế kỷ: Thành tựu và triển vọng" tổ chức ngày 20/4.

Dịch chuyển lao động cao su tiểu điền

Bình Dương là tỉnh có diện tích cao su lớn thứ 2 vùng Đông Nam Bộ. Đến cuối năm 2021, diện tích cao su của tỉnh là 133.278ha. Trong đó cao su tiểu điền chiếm khoảng 83.600 ha (chiếm 62,3%).

Dù chiếm hơn một nửa diện tích nhưng cao su tiểu điền có tiềm lực yếu hơn. Cao su tiểu điền cũng đối mặt với nhiều thách thức hơn, nhất là sự dịch chuyển lao động.

Bình Dương là tỉnh có diện tích cao su lớn thứ 2 vùng Đông Nam Bộ, với 133.278ha. Ảnh: Trần Khánh

Bình Dương là tỉnh có diện tích cao su lớn thứ 2 vùng Đông Nam Bộ, với 133.278ha. Ảnh: Trần Khánh

Theo TS. Hoàng Thị Thu Huyền, lao động cao su tiểu điền đến và đi, gia nhập và rời bỏ đã tạo ra sự thiếu ổn định. Nhất là với lao động cạo mủ, một khâu trong sản xuất cao su thiên nhiên hiện chưa được cơ giới hóa.

Trong khi đó, công nghiệp hóa, đô thị hóa mạnh mẽ đã làm cho sự dịch chuyển lao động cao su tiểu điền của Bình Dương mạnh mẽ hơn ở các địa phương khác.

Dẫn lại dữ liệu khảo sát năm 2019 về cơ cấu lao động làm thuê tại các trang trại cao su tiểu điền, TS. Huyền cho biết, lao động ở Bình Dương chỉ hơn 34,1%. Phần còn lại là lao động ngoài tỉnh, chiếm 65,9% (khoảng 2/3).

Phân tích cho thấy, Bình Dương không hẳn là thiếu lực lượng lao động. Đúng hơn là lao động tại chỗ bị thu hút vào các lĩnh vực ngành nghề công nghiệp, dịch vụ phát triển.  

Trong khi lao động nông thôn ở những vùng miền khác lại di cư, tìm kiếm các cơ hội việc làm ở Bình Dương.

Nguyên nhân, do sức hút của Bình Dương không chỉ ở các khu công nghiệp mà ở cả khu vực nghề nghiệp gắn với cây công nghiệp. Cây cao su là điển hình.

"So với thuê lao động địa phương, việc sử dụng lao động di cư có thể gây ra rủi ro cao hơn đối với hộ cao su tiểu điền. Tuy nhiên thực tế này vẫn đã và đang diễn ra", TS. Huyền nói.

Cơ cấu lao động cao su tiểu điền Bình Dương phân theo vùng di cư đến. Ảnh: Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ

Cơ cấu lao động cao su tiểu điền Bình Dương phân theo vùng di cư đến. Ảnh: Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ

Một đặc điểm khác đáng lưu ý là nguồn cung nhân lực trẻ cho khu vực cao su tiểu điền khá hạn chế. Độ tuổi được ưu tiên tuyển dụng ở các ngành công nghiệp, dịch vụ là 18-30 tuổi thì ở khu vực cao su tiểu điền là từ 25-50 tuổi.

Do đa số lao động trẻ hiện nay (cả người địa phương lẫn người nhập cư) đều có xu hướng tìm kiếm việc làm phi nông nghiệp ở các khu công nghiệp và đô thị.

Rời bỏ công việc nặng nhọc

Theo nghiên cứu của Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, sự dịch chuyển lao động trong ngành cao su diễn ra theo 2 hình thức: Từ cao su quốc doanh sang cao su tiểu điền, và giữa khu vực cao su tiểu điền với các ngành nghề khác.

Lý do của sự dịch chuyển liên quan nhiều đến thu nhập, tìm kiếm công ăn việc làm, chăm sóc gia đình, sức khỏe và sự nặng nhọc của công việc cạo mủ.

Trường hợp chị Nguyễn Thị Châu (39 tuổi) sống ở xã Định Thành (huyện Dầu Tiếng) là một ví dụ. Chị Châu làm công nhân nông trường Cao su Long Hòa từ năm 2002.

Đến năm 2018, chị xin thôi việc ở nông trường và chuyển qua làm cho trang trại cao su tiểu điền, ở gần nhà.

Chị phụ trách cạo mủ 2ha cao su. Thời gian làm việc của chị từ 2 giờ đêm đến 4 giờ hoặc 6 giờ sáng hôm sau. 

Thợ cạo mủ ở trang trại cao su tiểu điền Bình Dương. Ảnh: Trần Khánh

Thợ cạo mủ ở trang trại cao su tiểu điền Bình Dương. Ảnh: Trần Khánh

Chị được trả lương ngày, bình quân là 120.000 đồng/ngày. Chị Châu chỉ lãnh cạo mủ. Còn phần trút mủ, chị không thực hiện do sức khỏe không đảm bảo.

Vì thế, thu nhập của chị từ cạo mủ chỉ khoảng 2,4 triệu đồng/tháng. Còn nếu đủ sức khỏe, chị có thể làm nhiều hơn và mức thu nhập có thể lên 7 triệu đồng/tháng.

Thu nhập từ cạo mủ không đủ trang trải, ban ngày, chị làm nghề uốn tóc tại nhà để có thêm thu nhập.

Chị Châu kể, do làm việc ban đêm, chị cảm thấy bị giảm thị lực. Việc thức khuya cũng làm chị bị giảm trí nhớ.

So với công việc ở nông trường, cạo mủ cao su tiểu điền không bị đánh giá kỹ thuật (liên quan trực tiếp đến tiền công).

Làm việc cho bên nông trường được đóng bảo hiểm xã hội, có trang bị bảo hộ lao động đầy đủ nhưng giờ giấc khắt khe.

Theo TS. Huyền, trường hợp của chị Châu cho thấy cao su tiểu điền đã tạo việc làm cho lao động nông thôn. Cao su tiểu điền đã tạo thêm cơ hội lựa chọn và tận dụng được tay nghề của các lao động từng làm việc ở các nông trường.

Ở khía cạnh khác, cao su tiểu điền cũng tạo ra sự dịch chuyển dòng lao động từ nông trường sang trang trại.

Nhưng vấn đề cần quan tâm là trong tương lai, dịch chuyển lao động ở khu vực cao su tiểu điền sẽ như thế nào khi giá cao su không ổn định, một số nông trường giải thể, nhiều trang trại cao su tư nhân gặp khó khăn.

Theo kết quả khảo sát, có 12,3% lao động không muốn tiếp tục làm công ở cao su tiểu điền; 20,9% lao động còn do dự; và 66,8% lao động vẫn tiếp tục ở lại.  

Hộ trồng cao su tiểu điền ở Bình Dương. Ảnh: Trần Khánh

Hộ trồng cao su tiểu điền ở Bình Dương. Ảnh: Trần Khánh

TS. Huyền cho rằng, tuy chưa phải là vấn đề nghiêm trọng nhưng áp lực thiếu hụt lao động trong ngành cao su tiểu điền, nhất là lao động trẻ sẽ là vấn đề lớn trong tương lai.  

Còn theo TS. Trần Thị Thúy Hoa, Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam, cao su tiểu điền có diện tích 479.000ha, chiếm 51% tổng diện tích cao su cả nước. Cao su tiểu điền cung cấp trên 732.000 tấn mủ quy khô mỗi năm, chiếm gần 62% tổng lượng mủ cả nước.

TS. Hoa cho rằng, cao su tiểu điền vẫn đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung cao su của Việt Nam. Tuy nhiên khu vực này vẫn phát triển tự phát. Quy mô cao su tiểu điền thường nhỏ, không đủ để đem lại những lợi ích thiết thực cho số đông các hộ tiểu điền.

Hiện tại, cây cao su, đặc biệt là cao su tiểu điền vẫn là cây công nghiệp chiếm diện tích lớn, có vai trò quan trọng đối với kinh tế của Bình Dương.

TS. Huyền cho rằng các quy định pháp luật về lao động như hợp đồng lao động, bảo hiểm, chi trả thu nhập không được thực hiện đầy đủ ở khu vực cao su tiểu điền.

An sinh xã hội đối với lao động cao su tiểu điền còn thiếu hụt và ít được quan tâm như ở khu vực các doanh nghiệp. Đó là những vấn đề mà tỉnh Bình Dương cần lưu ý hơn.

Bên cạnh việc nâng cao năng suất cạo mủ, khâu đào tạo nghề cao su là cần thiết. Vì hiện nay, lao động ở cao su tiểu điền hầu hết là độ tuổi trung niên. Đa số lao động trẻ không muốn học và không muốn làm nghề cạo mủ.

Với khả năng diện tích cao su tiểu điền bị thu hẹp, lao động chuyển dịch ra khỏi khu vực này vẫn có xu hướng tăng.

"Chính quyền địa phương cần hướng chính sách đến việc tạo công ăn việc làm cho lao động dôi dư như đào tạo chuyển đổi nghề, hỗ trợ chuyển đổi khu vực làm việc", TS. Huyền đề nghị.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem