Dân Sài Gòn ùn ùn đi chợ Tết… trên mạng, mua không thiếu thứ gì

Hồng Phúc Thứ tư, ngày 19/01/2022 13:00 PM (GMT+7)
Đặc sản, bánh mứt, quần áo, đồ gia dụng, đồ tân trang nhà cửa dịp Tết không thiếu thứ gì trên chợ mạng. Nhu cầu ngồi nhà sắm Tết qua mạng sôi động không kém gì ở siêu thị.
Bình luận 0

Không chỉ chợ truyền thống, siêu thị đang vào mùa cao điểm mua sắm Tết mà chợ mạng cũng nhộn nhịp cảnh mua bán, chốt đơn.

Chợ Tết trên mạng không thiếu gì

Những ngày qua, chị Phạm Ngọc Nga (quận Bình Tân, TP.HCM) liên tục "chốt đơn" sắm đặc sản trên mạng để ăn Tết. Chị đã đặt trước được vài kg chả lụa, chả bò Đà Nẵng và hẹn giao trước Tết 3-4 ngày. 

Chị Nga đặt 2kg hạt điều Bình Phước, 2kg mắc ca Đắk Lắk. Tôm khô cũng đang trên đường theo xe từ Kiên Giang về TP.HCM.

"Những đặc sản này toàn của bạn bè thân quen từ hồi đại học. Bạn bè rao bán trên mạng nên tôi mua luôn. Những thứ này mua tại siêu thị cũng được nhưng giá đắt hơn một chút. Tết nhất, ăn đặc sản chính hãng được vận chuyển về thành phố tôi thấy cũng ngon hơn", chị Nga cười nói.

Chợ Tết trên mạng không thiếu thứ gì, chị em ùn ùn chốt đơn - Ảnh 1.

Sắm Tết trên mạng, không thiếu thứ gì. Ảnh: Hồng Phúc.

Không chỉ đặc sản, bánh mứt, ghi nhận cho thấy thay vì đi mua sắm trực tiếp tại chợ và siêu thị thì Tết năm nay, nhiều bà nội chuyển sang mua đồ gia dụng, xà phòng, chất tẩy rửa trên các sàn thương mại điện tử để vệ sinh, tân trang nhà cửa đón Tết.

Mua hàng qua mạng gần như đã khá quen thuộc với người dân TP.HCM sau một năm từ chống dịch đến chuyển sang thích ứng an toàn, sống chung với Covid-19.

Các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki... đang tích cực chạy đua cho cao điểm mua sắm Tết. 

Thời điểm này, giao diện trên các sàn đều ưu tiên các mặt hàng thực phẩm, bánh mứt, quần áo để người dân mua sắm Tết.

Đại diện Lazada cho biết: "Không ngoài dự đoán, nhu cầu mua sắm trên thương mại điện tử tiếp tục tăng cao". Số lượng khách hàng và đơn hàng bán ra của sàn thời gian qua cũng tăng mạnh.

Ghi nhận của các sàn cho hay những ngành đang hút khách nhất giai đoạn Tết là các sản phẩm chăm sóc sức khỏe vừa để dùng trong gia đình vừa làm quà tặng. 

Ngoài ra, nhu cầu tân trang nhà cửa khiến ngành hàng nhà cửa và đời sống, cụ thể là các thiết bị hỗ trợ dọn dẹp và làm sạch nhà và các sản phẩm nội thất, vật dụng nhà bếp tăng mạnh. Nhóm hàng bách hóa cũng tăng trưởng tốt sau giai đoạn dịch bệnh.

Chợ truyền thống cũng lên mạng bán Tết

Tiểu thương nhiều chợ truyền thống như Bà Chiểu, Tân Định, Bến Thành… cũng đang song song bán hàng trực tiếp tại quầy và bán hàng qua điện thoại, Zalo, Facebook, thậm chí chủ động kết nối với các ứng dụng cung cấp dịch vụ đi chợ hộ để bán được nhiều hàng Tết.

Sắm Tết trên mạng, không thiếu thứ gì - Ảnh 1.

Tiểu thương chợ ngoài bán trực tiếp còn chủ động bán qua điện thoại để thêm khách. Ảnh: Hồng Phúc.

Chị Hồng Vân - tiểu thương ngành hàng bánh kẹo tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), cho biết từ đầu tháng Chạp, sức mua hàng Tết đã có dấu hiệu nhích dần. Do lo ngại dịch bệnh, nhiều bạn hàng, gia đình cũng đặt bánh kẹo qua điện thoại, Zalo.

"Đơn được chốt qua điện thoại, tôi đóng hàng rồi gửi đi. Khách trong thành phố thì giao qua xe công nghệ, bạn hàng ở tỉnh tôi gửi nhà xe. Tôi buôn bán lâu năm, chất lượng bạn hàng đều rõ nên không lo ngại chất lượng, rao kiểu này nhưng bán kiểu khác", chị Vân nói.

Nắm bắt nhu cầu sắm Tết đa dạng của người dân, trong đó có nhu cầu đặt hàng tại nhà, nhiều hệ thống siêu thị như Co.opmart, Big C, Go!, Emart, Aeon… đều tiếp tục tăng cường nhận đơn hàng qua mạng.

Ông Nguyễn Anh Đức - Tổng giám đốc Saigon Co.op, cho biết các kênh bán hàng của doanh nghiệp vẫn đang được tung ra để phục vụ cho nhu cầu mua sắm Tết của người dân.

"Người dân có thể đặt hàng ở bất cứ địa điểm nào trên toàn quốc và chúng tôi sẽ đưa hàng hóa đúng như chất lượng cam kết", ông Đức nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem