Nắm "trong tay" công cụ, dân phải xếp hàng dài chờ đổ xăng: Vấn đề nằm ở khâu quản lý của Bộ Công Thương

An Linh Thứ năm, ngày 10/11/2022 16:45 PM (GMT+7)
Không thiếu nguồn cung nhưng người dân vẫn phải xếp hàng dài chờ đổ xăng suốt thời gian dài, theo ĐBQH là do khâu quản lý và điều hành xăng dầu yếu kém của Bộ Công thương.
Bình luận 0

Bộ Tài chính 3 lần điều chỉnh chi phí xăng dầu

Theo quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP: Các khoản chi phí định mức hiện nay được tổng hợp rà soát theo 2 phần: Chi phí tạo nguồn phát sinh trong khâu nhập mua xăng dầu về đến cảng biển đầu mối (chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng, premium trong nước, chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về cảng). Chi phí phát sinh trong khâu lưu thông xăng dầu phát sinh từ kho xăng dầu đầu mối tới các kho trung gian và tới tận cửa hàng xăng dầu cuối cùng (chi phí kinh doanh định mức).

Người dân phải toát mồ hôi mới đổ được xăng: Công cụ giải quyết nằm "trong tay" Bộ Công Thương? - Ảnh 1.

Người dân tại nhiều đô thị lớn, các địa phương đang phải vật vã đổ xăng. (Ảnh Khải Phạm)

Thực tế, thời gian qua, Bộ Tài chính đã rà soát, điều chỉnh các khoản chi phí định mức trong giá cơ sở xăng dầu. Trong đó, đối với các khoản chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, premium trong nước, chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về đến cảng được tổng hợp rà soát điều chỉnh 2 lần/năm. Khoản chi phí kinh doanh định mức được tổng hợp rà soát điều chỉnh định kỳ 1 lần/năm.

Năm 2022 các khoản chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam (điều chỉnh 3 lần), premium trong nước (điều chỉnh 2 lần), chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về đến cảng (điều chỉnh 2 lần) và chi phí kinh doanh định mức (thông báo điều chỉnh 1 lần)… Các đợt điều chỉnh này đã được rà soát tổng hợp theo đúng thực tế phát sinh và công bố điều chỉnh theo đúng quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Thông tư số 104/2021/TT-BTC.

Khi nguồn cung xăng dầu trên thế giới biến động mạnh từ ảnh hưởng của chiến sự tại Ukraine, làm tăng phát sinh đột biến chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, Bộ Tài chính đã điều chỉnh vào ngày 8/11/2022 cho phù hợp với thực tế phát sinh trong trường hợp bất thường theo đúng quy định.

Như vậy, trong năm 2022, tính đến nay Bộ Tài chính có đến 3 lần điều chỉnh chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam trong năm 2022 (lần 1 vào 10/1/2022; lần 2 vào 10/7/2022 và mới đây nhất là 8/11/2022).

Thứ hai, khoản chi phí định mức này được tính bình quân theo sản lượng nhập khẩu của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Thứ ba, kết quả tính toán của Bộ Tài chính phải đảm bảo nguyên tắc tính đúng, tính đủ theo đúng số liệu báo cáo của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, kết quả khảo sát chọn mẫu các hồ sơ chứng từ hợp lý, hợp lệ.

Đối với chi phí kinh doanh xăng dầu phát sinh trong khâu lưu thông xăng dầu trong nước, theo quy định hiện hành, trước ngày 31/3 hàng năm, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm gửi báo cáo kiểm toán chuyên đề về chi phí kinh doanh xăng dầu gửi về Bộ Tài chính, Bộ Công Thương. Trên cơ sở báo cáo kiểm toán chuyên đề về kinh doanh xăng dầu Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Công thương thực hiện tổng hợp rà soát đánh giá và thông báo điều chỉnh từ ngày 1/7 hàng năm.

Theo Bộ Tài chính, trên cơ sở tổng hợp báo cáo của 28 thương nhân đầu mối cho thấy khoản chi phí kinh doanh phát sinh trong khâu lưu thông xăng dầu này chưa có biến động bất thường; như vậy, khoản chi phí này chưa tác động ảnh hưởng đến hoạt động của đơn vị.

Người dân phải toát mồ hôi mới đổ được xăng: Công cụ giải quyết nằm "trong tay" Bộ Công Thương? - Ảnh 2.

Bán lẻ xăng dầu đang là vấn đề lớn, Bộ Công Thương chưa tìm ra giải pháp tháo gỡ. (Ảnh Khải Phạm)

Chủ yếu mắc ở nguồn cung!?

Theo TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), hiện nay, "câu chuyện" xăng dầu chủ yếu mắc ở nguồn cung. Cung xăng dầu không đáp ứng nhu cầu lại có nhiều nguyên nhân, cần cơ quan quản lý phải kịp thời vào gỡ vướng. 

Thực tế, trên diễn đàn Quốc hội, một số đại biểu Quốc hội đã đề nghị Bộ Công Thương sớm vào cuộc, tìm gốc rễ nguyên nhân để từ đó có giải pháp phù hợp.

Câu chuyện chiết khấu trong hoạt động kinh doanh xăng dầu hiện nay cũng "là cả vấn đề". Hiện nhà nước không quy định chiết khấu vì yếu tố này phụ thuộc vào cung cầu thị trường, diễn biến giá thế giới và sản lượng tồn kho của các thương nhân đầu mối cũng như phương thức bán hàng của hai bên. 

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực của Ủy ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội cho rằng: Với xăng dầu hiện nay rõ ràng nguồn nhập khẩu, nguồn cung đầu vào không thiếu mà "tắc nghẽn", nguyên nhân chính là do khâu quản lý. 

"Có rất nhiều biện pháp, công cụ quản lý hiện nay đều nằm trong tay Bộ Công Thương, vấn đề là Bộ lựa chọn công cụ nào, giải pháp ra sao để tính toán, cho cả trước mắt và lâu dài", ông Lâm cho hay.

Cũng theo ông Lâm, về biện pháp hành chính, Bộ Công Thương đang có đầy đủ công cụ pháp lý, cơ sở pháp lý, lực lượng để kiểm tra, kiểm soát cả chuỗi cung ứng xăng dầu từ bán buôn đến bán lẻ, vì tất cả các đầu mối nhập khẩu đều phải được cấp phép của Bộ Công Thương, tất cả các cửa hàng kinh doanh bán lẻ đều phải có giấy phép bán lẻ của Bộ Công thương cấp phép thì mới được hoạt động. 

"Bộ Công Thương cần phải rà soát, kiểm tra nguyên nhân "tắc nghẽn" xăng dầu hiện đang diễn ra là gì để có biện pháp xử lý hiệu quả. Trước mắt có thể là vẫn bằng biện pháp hành chính, về lâu dài thì phải là giải pháp kinh tế", ông Lâm nêu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem