Biến đổi tên địa danh ở Việt Nam do kỵ húy tên các vua thời Lê sơ, thời Lê trung hưng
Biến đổi tên nhiều địa danh ở Việt Nam do kỵ húy tên các vua thời Lê sơ, thời Lê trung hưng
Chủ nhật, ngày 07/07/2024 05:48 AM (GMT+7)
Việc kỵ húy dẫn đến thay đổi tên địa danh thời Lê sơ không được sử sách ghi chép nhiều, nhưng được ghi rất nhiều ở thời Lê trung hưng. Có lẽ do thời đó, các chúa Trịnh cũng bắt cả nước kiêng húy tên mình, nên ban hành lệnh về kỵ húy tên vua, chúa rất chặt chẽ.
Chúng ta thường nhớ chuyện thời Nguyễn kiêng húy tên vua và hoàng tộc, cho đổi tên các địa phương. Như kiêng tên Tá Thiên Nhân Hoàng hậu Hồ Thị Hoa (vợ vua Thiệu Trị) nên cho đổi tên trấn Thanh Hoa thành Thanh Hóa, chợ Đông Hoa thành Đông Ba. Thời Lê cũng đã có việc kiêng húy như thế.
Húy là cấm, là tránh, là tên người đã khuất. Sách “Lễ ký”, thiên “Đàn cung”, viết “Nhập môn vấn húy” (vào nhà phải hỏi chữ cần tránh của chủ nhà). Trịnh Huyền thời Đông Hán chú thích: “Húy là tên của gia tiên chủ nhà”.
Từ thời nhà Chu, các triều đại phong kiến Trung Quốc đã có lệnh kỵ húy tên các vua đương thời, sau đó lệnh cấm rộng ra đến tất cả tên các tổ tiên nhà vua.
Theo sử sách nước ta thì lệnh kiêng húy sớm nhất có ở đời Trần, thời vua đầu tiên Trần Thái Tông. Năm Kiến Trung thứ 8 (1232), “Đại Việt sử ký toàn thư” cho biết, nhà vua sai: “Ban những chữ quốc húy (tên các thành viên hoàng gia) và miếu húy (tên tổ tiên nhà vua).
Vì Trần Nguyên Tổ (ông nội Trần Thái Tông) húy là Trần Lý nên sai đổi triều Lý thành triều Nguyễn, vả lại để tuyệt lòng mong nhớ của dân đối với nhà Lý”.
Lệnh này ban ra được 2 tháng thì sử chép, Thái sư Trần Thủ Độ cho giết hết toàn bộ tôn thất nhà Lý.
Thời Lê sơ, sau khi đánh đuổi quân Minh xâm lược, năm 1428, vào ngày 15 tháng 4 (âm lịch) Bình Định vương Lê Lợi lên ngôi hoàng đế ở Đông Kinh, đặt niên hiệu là Thuận Thiên, đặt quốc hiệu là Đại Việt. Chỉ năm ngày sau, nhà vua ban húy các chữ tôn miếu và húy tên vua.
“Toàn thư” chép: “Phàm những chữ húy chính, khi viết đều không được dùng, nếu âm giống mà chữ khác thì không phải húy.
Húy Tôn miếu có 5 chữ: Hiển Tổ Chiêu đức Hoàng đế (ông nội nhà vua) húy là Đinh, Hiển Tổ tỉ Gia Thục Hoàng Thái hậu (bà nội vua) húy là Quách; Tuyên Tổ Hiến Văn Hoàng đế (cha nhà vua) húy là Khoáng, Trinh Từ Ý Văn Hoàng Thái hậu (mẹ nhà vua) húy là Thương; húy của nhà vua là Lợi, húy của hoàng hậu là Trần, húy của anh vua là Học”.
Từ lệnh này mà thời Lê sơ, họ Trần phải gọi là họ Trình để tránh húy hoàng hậu của nhà vua. Các sách địa dư đời sau cho biết, tên châu Lị Nhân (còn đọc là Lợi Nhân) ở Hà Nam có từ thời Lý, đến khi Lê Thái Tổ lên ngôi, chỉ kiêng âm (không được đọc là Lợi Nhân) nhưng vẫn viết là Lị không phải đổi chữ.
Lam Kinh ở huyện Thọ Xuân (tỉnh Thanh Hóa) nơi có nhiều điện miếu, lăng tẩm quy mô lớn thờ cúng tổ tiên, nơi an nghỉ của các vua nhà Lê.
Việc kỵ húy dẫn đến thay đổi tên địa danh thời Lê sơ không được sử sách ghi chép nhiều, nhưng được ghi rất nhiều ở thời Lê trung hưng.
Có lẽ do thời đó, các chúa Trịnh cũng bắt cả nước kiêng húy tên mình, nên ban hành lệnh về kỵ húy tên vua, chúa rất chặt chẽ.
Trong sách “Nghiên cữu chữ húy Việt Nam qua các triều đại” của PGS. Ngô Đức Thọ, thì từ vua Lê Trang Tông, vị vua đầu tiên của thời Lê trung hưng, đã có lệnh kiêng húy này.
Vua tên là Lê Ninh, nên về sau các địa danh có chữ Ninh đều phải đổi thành chữ khác. Huyện Ninh Sơn, thời Lê sơ thuộc thừa tuyên Sơn Tây, đầu thời Lê trung hưng được đổi là huyện Yên Sơn, nay là huyện Quốc Oai, Hà Nội.
Huyện Phù Ninh đặt từ thời Trần, thời Lê Trung hưng đổi là huyện Phù Khang, nay là huyện Phong Châu, Phú Thọ. Huyện Yên Ninh, thời Trần là lộ Yên Khang, thời Lê sơ đổi là Yên Ninh, thời Lê trung hưng đổi là Yên Khang.
Thời vua Gia Long, kiêng húy chữ Khang (miếu hiệu của thân phụ vua Gia Long là Hiếu Khang hoàng đế), đổi là Yên Khánh, tên huyện được giữ đến nay ở tỉnh Ninh Bình.
Trấn Kinh Bắc có huyện Vũ Ninh, là tên châu thời Trần, đời Lê trung hưng đổi là Vũ Giang, rồi vì kiêng tên chúa Trịnh Giang đọc chệch thành Võ Giàng, sau này hợp với huyện Quế Dương thành huyện Quế Võ, Bắc Ninh ngày nay. Ở Thanh Hóa, tên huyện Tĩnh Ninh đến đầu thời Lê trung hưng cũng được đổi thành huyện Tĩnh Gia.
Sang đến vị vua thứ ba của thời Lê trung hưng là Lê Anh Tông, nhà vua vốn có tên thật là Lê Duy Bang, do đó, sau này các địa danh có tên chữ Bang đều được đổi sang chữ khác.
Châu An Bang thời Trần, đến giai đoạn niên hiệu Quang Thuận đời vua Lê Thánh Tông đổi là An Bang thừa tuyên, thời Lê trung hưng đổi là An Quảng. Sang triều Nguyễn, đời vua Minh Mạng đổi là Quảng Yên, nay là tỉnh Quảng Ninh.
Vua Lê Thế Tông tên là Lê Duy Đàm, cho nên huyện Thanh Đàm ở ngoại thành Thăng Long, thời Lê trung hưng đổi là Thanh Trì (Trì và Đàm đều nghĩa là đầm).
Còn vua Lê Kính Tông tên là Lê Duy Tân, nên sau khi vị vua này lên ngôi, đã đổi tên huyện Tân Minh thành huyện Tiên Minh, nay là huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng. Đồng thời phủ Tân Bình thời Lê sơ cũng được đổi tên là phủ Tiên Bình, nay là tỉnh Quảng Bình và một phần tỉnh Quảng Trị.
Cũng có chữ Tân là phủ Tân An thời Trần, thời Lê sơ đổi làm châu, sau thời niên hiệu Hoằng Định của vua Lê Kính Tông được đổi tên là phủ Tiên An, nay là huyện Hải Ninh tỉnh Quảng Ninh. Ở Tây Đạo thời Lê sơ có huyện Tân Phong, đến đời Lê Kính Tông đổi thành huyện Tiên Phong, nay là huyện Ba Vì, Hà Nội.
Còn phủ Tân Hưng ở thừa tuyên Sơn Nam thời Lê sơ, thời Lê Kính Tông đổi là phủ Tiên Hưng, nay là các huyện Hưng Hà, Vũ Thư, Đông Hưng, Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.
Vua Lê Chân Tông tên là Lê Duy Hựu, nên huyện Thuần Hựu ở Thanh Hóa thời Lê sơ sau phải đổi tên thành huyện Thuần Lộc. Thời vua Gia Long, kiêng húy chữ Thuần, đổi là huyện Phong Lộc, đến năm Minh Mạng thứ 2 (1821) đổi là Hậu Lộc cho đến nay.
Dù năm Quang Thiệu thứ 2 (1517), đời Lê Chiêu Tông có ban hành lệ về việc kiêng âm húy: “Phàm khi làm văn và viết, in sách vở đều không cấm, tiếng đọc thì đều phải tránh”, nhưng việc kiêng húy trong việc đặt tên vẫn được siết chặt suốt thời Lê trung hưng, nhất là tên húy các chúa Trịnh (đã bàn trong mục Bàn phím tri thức trước đây) và nối dài sang thời nhà Nguyễn và để lại những tên địa phương như ngày nay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.