Áp giá sàn xuất khẩu gạo, cần các đánh giá kỹ lưỡng

Nguyễn Việt Anh - Tổng Giám đốc ORICO Thứ sáu, ngày 07/06/2024 11:22 AM (GMT+7)
Liên quan đến đề xuất áp giá sàn xuất khẩu gạo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), ông Nguyễn Việt Anh - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lương Thực Phương Đông (ORICO) đã có bài viết gửi đến Báo Dân Việt.
Bình luận 0

Trước khi nói về ý kiến áp giá sàn xuất khẩu gạo, tôi nghĩ nên cần làm rõ một số vấn đề sau, mà người trong ngành gạo thấy sẽ thấy sự hợp lý của nó hơn, vì một số vấn đề cơ bản ta cho là nên thế này thế kia, thì người khác cũng nghĩ ra có phải không? Tuy nhiên, khi thực hiện thì ngược lại một số quy luật, nên mới khó tồn tại, quan trọng nhất là quy luật cung cầu, và việc bán lúa hay xuất khẩu gạo đều phải chịu sự chi phối của quy luật này.

Áp giá sàn xuất khẩu gạo, cần các đánh giá kỹ lưỡng- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Việt Anh - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lương Thực Phương Đông (ORICO). Ảnh: Huỳnh Xây

Hơn nữa, kinh doanh là việc của doanh nghiệp (DN) phải tính toán mỗi ngày, đôi khi phải trả giá bằng con số cụ thể nếu để xảy ra thua lỗ, lên đến trăm tỷ, nghìn tỷ với DN gạo nên các quyết định của họ không thể cảm tính, thiếu sự tính toán hay kinh nghiệm được. Bởi nó đi kèm đó là sự tồn tại, công ăn việc làm của hàng trăm con người, là đầu ra giúp tiêu thụ lúa hàng hóa trong dân, nếu gãy một mắc xích nào thì lúa hàng hóa sẽ ứ đọng, giá giảm và chất lượng giảm theo thời gian khá nhanh với mặt hàng này.

Tôi cho rằng cần nhìn nhận từ nhiều mặt chứ không đánh giá phiến diện, đi quá xa khi chưa tìm hiểu sâu về đặc thù của ngành gạo:

- Ở nền kinh tế thị trường tự do cạnh tranh, tất cả đều hướng tới sản phẩm có giá thành thấp nhất, và người tiêu dùng sẽ hưởng lợi từ việc này (trừ các mặt hàng độc quyền). Còn doanh nghiệp sinh ra là để kiếm lợi nhuận, họ phải tự chịu trách nhiệm về lãi lỗ khi bán hàng, đi đấu thầu và hơn ai hết, người bán không bao giờ muốn bán thấp, tuy nhiên gạo và nông sản vốn là hàng theo mùa vụ và giao hàng trong tương lai, người mua biết rõ tính chất này và toàn bộ chờ giá giảm để mua vào, không ai đi mua món hàng mà ngày mai hay tuần sau giá sẽ thấp hơn, vì vậy người bán cũng không có nhiều sự lựa chọn mà phải dự báo rất nhiều và chấp nhận sai số, lời ăn lỗ chịu, nếu chờ mọi thứ rõ ràng hết thì không có hợp đồng, kiếm tiền không thể dễ được.

- Người bán luôn mong giá cao, người mua luôn tìm giá thấp, chưa kể nếu là DN tư nhân thì họ còn bị cạnh tranh đầu bán hàng bên kia, lúc đó vai trò lại đổi vai họ thành người bán trong chuỗi.

- Đợt thắng thầu này chỉ là 150.000 tấn cho 4 doanh nghiệp, giao hàng trong vài tháng, suy ra không là gì so với lượng cung của lúa hè thu, vốn là chúng ta phải giao hàng trung bình ít nhất 0.5-1 triệu tấn gạo/tháng. Đặt trường hợp 4 doanh nghiệp này thua thầu, không bán được hàng thì giá gạo trong nước sẽ như thế nào? Và tại sao có 4 doanh nghiệp thắng thầu với giá gần như nhau, không lẽ cả 4 doanh nghiệp này đều "sai lầm" khi hạ giá bán, mà chúng ta chỉ trích nhiều chỉ ở một doanh nghiệp?

- Hơn nữa, chúng ta hay nói "thắng thầu" tức là thành quả mới thắng, sao họ không được một lời khen, động viên vì bán được hàng, góp phần cho đầu ra của hạt gạo, trong khi kết quả lãi lỗ lại phải tự chịu, thay vì bị chỉ trích quá đà, họ chưa làm gì sai mà.

- Chưa dừng lại ở đó, luật chơi là do người mua (người trả tiền cho món hàng) thiết lập, là "Thượng đế" nên có quyền. Nếu để ý hơn chút ta sẽ thấy quyền lực của họ thế nào. Về nguyên tắc nếu thầu kín thì khi mở thầu, ai giá thấp nhất là trúng, nhưng đặc thù thầu này là chỉ 3 công ty giá thấp nhất lại vào tiếp vòng đàm phán, mà giá mua sẽ do người mua đưa ra, ai không theo nỗi thì rời cuộc chơi. Thầu là nhắm đến giá thấp nhất cho người mua và các công ty phải đủ năng lực, ký quỹ khi tham gia.

- Nếu vì lý do ồn ào nào đó, khách có quyền mời hay không cho các lần thầu sắp tới thì sao? vì đâu chỉ có ta bán gạo. Và đây là thầu kín với nhiều công ty và nước tham gia, ta nói dễ khi đã có kết quả rồi, thử đặt vào vị trí doanh nghiệp trước khi kết quả được công bố, thì họ phải cân não và tính toán khó như thế nào? Chưa kể là các bên còn nhầm lẫn giá bán khi so về điều kiện giao hàng FOB hay CFR, ngược lại doanh nghiệp là họ phải am hiểu ngoại thương, ngoại ngữ, hàng hải và ngành hàng, thì mới trụ lại, có lãi được ở thương trường. Nếu dễ thì không có tình trạng năm nào cũng có DN gạo khó khăn, rút khỏi thị trường, điều này cũng đúng với mọi ngành nghề kinh doanh - thương trường là chiến trường.

- Chất lượng vụ gạo hè thu thường rất xấu đầu vụ do thời tiết, nên giá giảm theo quy luật hàng năm, chứ không phải do các công ty bán thấp rồi ép giá trong nước mà giá giảm gần đây, tôi nghĩ giá vẫn khó tăng trong ngắn hạn.

- Như đã giải thích nhiều lần, giá cả là do hoàn toàn do cung cầu, không có công ty nào đủ sức và vốn để chi phối hay ép giá thị trường, không bán cũng không ai ép được, Ví dụ công ty A bán được giá cao không có nghĩa là mua cao cho nông dân, ngược lại bán thấp không có nghĩa là ép giá nông dân được, mà phải mua theo thị trường, nếu giá lên thì doanh nghiệp đó phải mua lỗ để giao và rất nhiều lần như vậy, giá xuống thì họ có lãi và nó xứng đáng với các tính toán của họ.

- Vụ thu hoạch của gạo của Việt và Thái hoàn toàn khác nhau, giá chắc chắn lên cao khi hết vụ, và giảm sâu chính vụ, tại sao chúng ta lại so sánh đơn giản giá Việt và Thái, giá Việt có những lúc cao hơn 60-80USD/tấn và thấp hơn là bình thường như trên. Ngay cả thị trường thì ta có 3 nước mà gạo Việt chiếm đến hơn 70% so gạo Thái, con số này thật sự không dễ gì đạt được.

- Như đa số các doanh nghiệp lớn đã có ý kiến, giá gạo thay đổi vài lần trong ngày, mỗi thị trường có giá khác nhau, đây là biến số trong tương lai: mùa vụ, thời tiết, tỷ giá ngoại tệ, cước tàu biển, giá dầu… Ngoài ra, giá mua bán là thỏa thuận giữa người mua người bán cho món hàng giao dịch, các doanh nghiệp toàn quyền định giá sản phẩm của mình và cân đối theo tồn kho, dự báo mà quyết. Không có cơ quan nào đủ sức và kịp thời định nghĩa giá sao là cao, sao là thấp, và nếu so giá gạo năm nay so cùng thời điểm năm rồi, thì vẫn cao hơn nhiều là ví dụ.

- Các ý kiến "tranh mua, tranh bán", "bán trước, mua sau" theo tôi là không phù hợp ngành hàng này. Doanh nghiệp không thể đủ vốn, sức chứa để mua đủ vào kho 100.000 tấn gạo rồi mới đi dự thầu, nếu thua thầu thì DN sẽ làm gì với tồn kho đó? Ngược lại nếu thắng thầu rồi thì phải tranh thủ mua để kịp giao hàng là quá bình thường, vì các hợp đồng đều có điều kiện giao hàng, thậm chí phạt theo ngày nếu giao chậm, chưa kề tàu biển cũng phạt theo ngày nếu chờ hàng.

Qua các thông tin trên, chúng ta thấy các bên đều có mong muốn tốt đẹp cho sự phát triển chung của ngành gạo và thu nhập của nông dân. Tuy nhiên, cần phải định lượng bằng con số cụ thể, sẽ thấy là có nhiều việc quá tầm xử lý của chúng ta, nếu giải được thì chúng ta đã không phải tốn nhiều giấy mực, hội thảo cho ngành cho gần 4 thập kỷ xuất khẩu gạo rồi.

Trở lại việc áp giá sàn xuất khẩu gạo, cũng giống nhiều DN gạo đã nêu, tôi nghĩ là đi ngược xu hướng quản trị kiến tạo, đổi mới, giảm thủ tục hành chính và không phù hợp cho nền kinh tế kinh tế thị trường, việc mà chúng ta mong được nhiều nước công nhận lâu nay. Việc áp giá sàn xuất khẩu gạo khó thực hiện được thời Nghị định 109 trước đây, mà chúng ta đã phải bãi bỏ nó, vì cơ chế giám sát rất khó, phát sinh nhiều điểm trừ, quay lại cơ chế xin/cho và quan trọng là lộ giá bán- lộ bí mật kinh doanh của DN, là việc tối kỵ.

Xin trích dẫn một ý khá hay của đồng nghiệp thay cho lời kết:

"Đứng về vĩ mô thì mọi người nói đến Chính phủ chuyển từ kiểm soát sang kiến tạo phát triển. Đây là xu thế chung, ở cấp độ ngành, bỏ chế tài áp giá sàn và đăng ký hợp đồng xuất khẩu (giá bán) là đổi mới của Nhà nước, đóng vai trò hỗ trợ phát triển cho cộng đồng doanh nghiệp... nếu nay quay lại thời kỳ cũ thì đi ngược lại xu thế".

Ghi chú: Công ty chúng tôi không tham gia thầu Bulog, chỉ mong chuyển tải tin khách quan đến cộng đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem