Đặng Ngọc Hưng: “Bản chất của người nông dân ở làng quê luôn thật thà"

Việt Phương Thứ sáu, ngày 07/05/2021 06:00 AM (GMT+7)
“Sự thay đổi tiêu cực ở làng quê Việt Nam hiện đại không cấp tốc vội vàng mà chậm chạp, từ từ khiến những người sống trong làng dần quen đến mức không hoặc khó có thể nhận ra” - tác giả Đặng Ngọc Hưng chia sẻ qua truyện ngắn “Ông Tiến Vlog và cây đa Làng Lường”.
Bình luận 0

Sinh năm 1972, tác giả Đặng Ngọc Hưng bén duyên với nghiệp văn chương khi đã bước sang tuổi 37. Ban đầu chỉ viết vì sở thích nên thường chú tâm vào thể loại tiểu thuyết lịch sử. Hai cuốn tiểu thuyết được xuất bản và cuốn “Hùng Binh” đã đoạt giải B, giải thưởng sách Quốc gia năm 2019 và giải Tư cuộc thi Tiểu thuyết lần thứ 5 của Hội Nhà văn Việt Nam (2016 - 2020) đã khiến anh có động lực để suy nghĩ về nghiệp viết một cách nghiêm túc hơn.

Tác giả Đặng Ngọc Hưng đã gửi gắm nhiều trăn trở của mình vào truyện ngắn “Ông Tiến Vlog và cây đa Làng Lường”, lột tả một bức tranh hiện thực sống động về làng quê Việt Nam thời hội nhập. Đây là một trong loạt 12 truyện ngắn của tác giả Đặng Ngọc Hưng gửi về cuộc thi viết truyện ngắn “Làng Việt thời hội nhập”.

Cơ duyên nào khiến anh biết tới cuộc thi “Làng Việt thời hội nhập”, để từ đó gửi nhiều truyện ngắn tham gia cuộc thi?

- Tôi chỉ là người viết nghiệp dư, bén duyên với nghiệp văn chương bằng thể loại tiểu thuyết lịch sử. Sau khi ra mắt 2 cuốn sách thuộc thể loại này (“Bạch Đằng dậy sóng” – NXB Văn Học năm 2011 và “Hùng Binh” - NXB Trẻ năm 2018) thì có một số người đã gọi tôi là nhà văn. Song tôi luôn nghĩ rằng, mình không thể là nhà văn nếu như không viết gì đó về những vấn đề đương đại.

Cuộc thi “Làng Việt thời hội nhập” chính là gợi ý cho tôi chủ đề sẽ bắt đầu viết. Tuy không phải là nông dân, không sống ở nông thôn nhưng tôi có quê nội, quê ngoại và ngay cạnh nơi tôi sinh sống cũng là vùng nông thôn ven đô nên ít nhiều tôi cũng có hiểu biết về lĩnh vực này.

Vậy nên tôi quyết định thử sức bằng truyện ngắn “Ngoảnh đi ngoảnh lại”. Đây là tác phẩm dự thi đầu tiên nhưng cũng chính là truyện ngắn đầu tay của tôi.

Đặng Ngọc Hưng: “Bản chất của người nông dân ở làng quê luôn thật thà" - Ảnh 1.

Tác giả Đặng Ngọc Hưng. Ảnh: NVCC

Trong các truyện ngắn tham dự cuộc thi của anh, chủ đề nổi bật và xuyên suốt trong các tác phẩm luôn khắc họa cụ thể người nông dân một cách mộc mạc nhưng rất hiện đại, vì sao anh lại lựa chọn cách thể hiện như vậy?

- Một phần lý do xuất phát từ chính tên gọi của cuộc thi - “Làng Việt thời hội nhập” và người nông dân ở đó không thể không hiện đại được. Bên cạnh đó, một lý do quan trọng khác đó chính là bản chất của người nông dân luôn thật thà, mộc mạc... Thế nên, cho dù hiện đại đến đâu thì họ vẫn luôn giữ cái mộc mạc đó, không thể viết khác được.

Anh muốn gửi gắm điều gì tới độc giả truyện ngắn “Ông Tiến Vlog và cây đa Làng Lường”?

- Không phải làng Việt nào cũng thuận tiện đường giao thông hoặc có một ngành nghề truyền thống để có thể phát triển và thực hiện việc “Ly nông bất ly hương”. Ở những ngôi làng thuần nông đó, người nông dân quanh năm phải sống với việc chăn nuôi và trồng trọt. Cả hai việc này đều rất vất vả, thu nhập đã thấp lại bấp bênh.

Và cho dù sự thay đổi trong tư tưởng của người nông dân là do chủ động hay bị động thì đều có tác động rất lớn khiến các ngôi làng Việt cũng phải đổi thay. Nhưng có những đổi thay làm chúng ta cảm thấy bồi hồi luyến tiếc, và day dứt... như ở nông thôn nhưng ruộng đồng để hoang hóa, trẻ con không hề biết đến việc đồng áng, nạn ô nhiễm môi trường tàn phá ở các làng quê...

Sự thay đổi tiêu cực đó không cấp tốc vội vàng mà cứ chậm chạp, từ từ khiến những người sống trong làng dần quen đến mức không hoặc khó có thể nhận ra. Nhưng những người đi xa trở về thì dễ dàng nhận thấy và không khỏi luyến tiếc, xót xa...

Vài năm gần đây đề tài nông thôn trong văn học nghệ thuật bị co hẹp lại trong đó thể loại truyện ngắn, đề tài nông thôn thời kỳ hội nhập càng thiếu vắng. Có ý kiến cho rằng, viết về đề tài này rất khó, theo anh điều này có chính xác?

- Với kinh nghiệm của cá nhân, một người đã viết tiểu thuyết lịch sử thì tôi cho là việc viết về đề tài nông dân, nông thôn hoàn toàn không khó. Bởi tất cả các yếu tố để hình thành nên một tác phẩm như chủ đề, tư liệu, kiến thức, thời gian… thì mảng đề tài này đều sẵn có.

Về nguyên nhân ít người viết về mảng đề tài này, tôi cho đó chính là tác phẩm viết ra khó đến được với độc giả. Các nhà văn luôn viết với mục đích cao nhất là tác phẩm phải có người đọc. Nếu bằng cách nào đó mà tác phẩm của các nhà văn đến được với nhiều người đọc thì sẽ có nhiều người viết.

Tôi nghĩ, cuộc thi lần này ngoài những mục đích mà Ban Tổ chức đã nêu thì cũng làm tốt việc giới thiệu tác phẩm và kết nối giữa nhà văn với bạn đọc.

Cảm ơn những chia sẻ của tác giả Đặng Ngọc Hưng!

Cuộc thi viết truyện ngắn "Làng Việt thời hội nhập" do Báo Nông thôn Ngày nay/Báo điện tử Dân Việt phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam, Ban Văn học – Nghệ thuật VOV6, Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp tổ chức, nhà tài trợ Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (THACO) – nhà tài trợ kim cương.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem