Đang nuôi vịt có lãi hàng trăm triệu đồng/năm, nhiều nông dân ở Hưng Yên còn muốn bán tín chỉ carbon cho thế giới

Đăng Hải Chủ nhật, ngày 15/09/2024 08:44 AM (GMT+7)
Dù đang chăn nuôi vịt thương phẩm có lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhưng nhiều nông dân ở xã An Vĩ, huyện Khoái Châu (Hưng Yên) vẫn muốn liên kết để chăn nuôi an toàn sinh học, giảm khí nhà kính và hướng đến ước mơ bán được tín chỉ carbon cho thế giới.
Bình luận 0
Đang nuôi vịt có lãi hàng trăm triệu đồng/năm, nhiều nông dân ở Hưng Yên còn muốn bán tín chỉ carbon cho thế giới- Ảnh 1.

Hội nghị "Tập huấn kỹ thuật và bàn giao , con giống, vật tư xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong nuôi vịt thương phẩm theo hướng an toàn sinh học năm 2024" diễn ra vào sáng 9/9 tại Khoái Châu (Hưng Yên). Ảnh: Đăng Hải

Kiến thức bổ ích, nông dân dễ tiếp thu

Từ sáng sớm 9/9, nhiều nông dân ở xã An Vĩ, huyện Khoái Châu (Hưng Yên) đã tất bật đến hội trường của UBND xã để tham dự hội nghị "Tập huấn kỹ thuật và bàn giao, con giống, vật tư xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong nuôi vịt thương phẩm theo hướng an toàn sinh học năm 2024".

Chia sẻ với PV Báo điện tử Dân Việt, ông Trần Công Hậu (59 tuổi) ở thôn Chung, xã An Vĩ cho biết, khi biết được tham dự hội nghị và tham gia mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong nuôi vịt thương phẩm theo hướng an toàn sinh học, vợ chồng ông rất phấn khởi và hào hứng.

Hàng chục năm chăn nuôi lợn, sau khi bị dịch tả lợn châu Phi tấn công gây thiệt hại nặng lên đến hàng tỷ đồng, gia đình ông Hậu lại chuyển sang chăn nuôi vịt thương phẩm. Trung bình mỗi năm, vợ chồng ông nuôi khoảng 5.000 đến 6.000 vịt. Tuy vậy, việc chăn nuôi của gia đình ông khá bấp bênh vì dễ bị dịch bệnh tấn công.

"Do thiếu kiến thức chăn nuôi nên chúng tôi vừa làm vừa học và chủ yếu nuôi vịt theo cách truyền thống nên gặp rất nhiều rủi ro. Đến nay, được tham dự mô hình chăn nuôi kiểu mới, chúng tôi và bà con ở địa phương rất vui mừng", ông Hậu bày tỏ.

Đang nuôi vịt có lãi hàng trăm triệu đồng/năm, nhiều nông dân ở Hưng Yên còn muốn bán tín chỉ carbon cho thế giới- Ảnh 2.

Khi tham gia mô hình "Ứng dụng chế phẩm sinh học trong nuôi vịt thương phẩm theo hướng an toàn sinh học năm 2024, các hộ dân ở xã An Vĩ còn được nhận thức ăn chăn nuôi. Ảnh: Đăng Hải

Cùng tham dự hội nghị với nông dân ở hội trường xã An Vĩ, chúng tôi cảm nhận thấy phần thuyết trình tập huấn, đào tạo kỹ thuật chăn nuôi của bà Hồ Thị Hòa, giảng viên Trường Cao đẳng NNPTNT Bắc Bộ rất sát với thực tế chăn nuôi.

Trong quá trình tập huấn, giảng viên Hồ Thị Hòa luôn kết hợp xen kẽ các kiến thức trong bài giảng kèm theo các ví dụ thực tế, hỏi đáp trực tiếp, tổ chức trò chơi đoán hình về kinh nghiệm chăn nuôi rất thú vị, hấp dẫn.

Trong đó, có nhiều kiến thức mới được giảng viên đưa ra tại hội nghị khiến các đại biểu khá bất ngờ. Theo bà Hòa, chăn nuôi, trồng trọt giảm phát thải khí nhà kính sẽ giúp người dân sản xuất bền vững hơn, đây cũng là xu thế sản xuất hiện nay tại các nước trên thế giới.

Bà Hòa dẫn chứng thêm, trong chăn nuôi vịt, người nuôi có thể giảm khí nhà kính được ở nhiều khâu. Đơn cử như khi cho vịt ăn, bà con chỉ cần xay chuối và trộn với chế phẩm sinh học, ủ trong thùng để lên men có thể cho vật nuôi ăn trong nhiều tháng. Giải pháp này sẽ giúp cho vịt giảm tiết mùi hôi và cho chất lượng thịt thơm ngon, khi nấu thịt vịt không có váng, khách hàng sẽ rất thích và ưa chuộng giúp bà con dễ tiêu thụ sản phẩm hơn.

Tiếp đó là khâu xử lý chất thải, chất độn trong chuồng, người nuôi vịt chỉ trộn sử dụng đệm lót sinh học từ rơm, mùn cưa, trấu và pha chế phẩm sinh học tưới lên đệm lót theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật không chỉ giúp chúng ta giảm được mùi hôi trong chuồng trại mà còn hạn chế được các mầm bệnh sinh ra và tấn công vật nuôi.

"Bà con chỉ cần làm một lần đệm lót sinh học có thể dùng được trong ba tháng giúp người nuôi giảm được nhân công dọn chuồng hàng ngày. Hơn nữa, sau khi sử dụng, người dân có thể thu phân để chăm bón cho cây trồng rất hiệu quả", bà Hòa khẳng định.

Đối với các chuồng sàn trên ao, giảng viên Hồ Thị Hòa cho rằng, người dân vẫn có thể dùng chế phẩm sinh học để té xuống ao định kỳ hàng tuần giúp phân hủy hết phân thải của vật nuôi lại vừa giúp cải tạo được môi trường ao nuôi cá đảm bảm hơn.

Tự tin liên kết hợp tác chăn nuôi bền vững

Chia sẻ thêm với chúng tôi, ông Trần Công Hậu cho hay: Nhiều kiến thức, thông tin mà giảng viên chia sẻ tại hội nghị đều rất mới với chúng tôi. Tuy nhiên, qua cách đặt vấn đề, giảng giải cụ thể, chi tiết và chơi trò chơi chúng tôi đều nhận thấy rất dễ hiểu, dễ thực hiện.

Khi tham gia mô hình "Ứng dụng chế phẩm sinh học trong nuôi vịt thương phẩm theo hướng an toàn sinh học năm 2024", 6 hộ dân ở xã An Vĩ được tập huấn, đào tạo kỹ thuật. Mỗi hộ còn được được nhận 258 con vịt giống (từ Trung tâm giống Thụy Phương), 16 bao cám giai đoạn 1, 70 bao cám giai đoạn 2; 4kg chế phẩm sinh học.

"Điều bà con chúng tôi vui nhất là khi tham gia hội nghị, mọi người nhận được con giống, cám, chế phẩm chất lượng cao giúp bà con yên tâm chăn nuôi hơn", ông Hậu bộc bạch.

Đang nuôi vịt có lãi hàng trăm triệu đồng/năm, nhiều nông dân ở Hưng Yên còn muốn bán tín chỉ carbon cho thế giới- Ảnh 3.

Ông Trần Công Thuận ở thôn Thượng (phải), xã An Vĩ thả con giống vừa được hỗ trợ. Ảnh: ĐH

Cũng theo ông Hậu, sau khi tham gia hội nghị, các hộ còn được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn kết nối nhóm trên mạng xã hội (zalo) để cùng nhau thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và xin hướng dẫn kỹ thuật khi cần.

"Sau khi tham dự hội nghị, chúng tôi sẽ cùng nhau liên kết hợp tác và tiến tới thành lập HTX để chăn nuôi quy mô lớn hơn theo hướng tuần hoàn để tránh rủi ro, bấp bênh từ vật tư đầu vào đến thị trường đầu ra", ông Hậu nói và tiết lộ: Chúng tôi đang chăn nuôi có lãi nhưng bà con vẫn muốn mở rộng quy mô chăn nuôi an toàn sinh học giảm phát thải khí nhà kính hướng đến có thể bán được tín chỉ carbon cho thế giới.

Cùng tham gia mô hình với ông Hậu, ông Trần Công Thuận (sinh năm 1980) ở thôn Thượng, xã An Vĩ tỏ ra rất hào hứng khi được tiếp nhận các thông tin kỹ thuật chăn nuôi mới cùng con giống, cám, chế phẩm.

Ông Thuận cho biết, gia đình ông mỗi năm chăn nuôi khoảng 5 lứa vịt, mỗi lứa 1.000 con. Tuy nhiên, do phụ thuộc vào con giống, cám, thuốc từ các đại lý nên dễ gặp rủi ro.

"Hơn 10 năm nuôi vịt nhưng đến giờ chúng tôi vẫn rất bấp bênh, nhiều lần bị dịch bệnh chết nhiều bị thua lỗ nặng. Khi được chọn tham gia mô hình "Ứng dụng chế phẩm sinh học trong nuôi vịt thương phẩm theo hướng an toàn sinh học năm 2024", tôi vừa bất ngờ, vừa vui vì không chỉ học hỏi được nhiều kiến thức chăn nuôi mới mà còn được nhận vịt giống, cám, chế phẩm chất lượng", ông Thuận cho biết thêm.

Đang nuôi vịt có lãi hàng trăm triệu đồng/năm, nhiều nông dân ở Hưng Yên còn muốn bán tín chỉ carbon cho thế giới- Ảnh 4.

Ông Trần Công Thuận (sinh năm 1980) ở thôn Thượng, xã An Vĩ chăm sóc đàn vịt thương phẩm tại trại của gia đình. Ảnh: ĐH.

Bà Trần Thị Hồng Thắm - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã An Vĩ, huyện Khoái Châu cho biết, sau khi bão số 3 đổ bộ đã khiến cho cơ sở hạ tầng và sản xuất, chăn nuôi của địa phương bị thiệt hại rất nặng nề, cuộc sống, sản xuất, sinh hoạt của người dân bị đảo lộn, gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn.

"Chính vì thế, việc Văn phòng Phát triển Bền vững của Trung ương Hội Nông Dân Việt Nam và Hội Nông dân tỉnh, huyện chọn An Vĩ để thực hiện mô hình "Ứng dụng chế phẩm sinh học trong nuôi vịt thương phẩm theo hướng an toàn sinh học năm 2024" như một món quà rất quý giá và thiết thực không chỉ giúp động viên tinh thần cho bà con mà còn giúp bà con có thêm sinh kế để khôi phục lại sản xuất, chăn nuôi và hướng đến chăn nuôi quy mô lớn theo hướng an toàn sinh học ngày càng hiệu quả và bền vững hơn", bà Thắm khẳng định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem