Đang ở đỉnh vinh quang, vì sao Phạm Lãi, Trương Lương, Diêu Quảng Hiếu lại cáo quan quy ẩn?
Đang ở đỉnh vinh quang, vì sao Phạm Lãi, Trương Lương, Diêu Quảng Hiếu lại cáo quan quy ẩn?
San San
Thứ năm, ngày 01/06/2023 21:30 PM (GMT+7)
Một số người có thể cho rằng các bậc quân sư lỗi lạc trong quá khứ lựa chọn "công thành thân thoái" là bởi vì họ có linh cảm chính trị nhạy bén. Trên thực tế, họ đều hiểu rõ được bí mật hưng suy của một vương triều. Phạm Lãi, Trương Lương, Diêu Quảng Hiếu là những trường hợp như vậy.
Người Trung Hoa xưa cho rằng “Họa phúc tương y”, “Vật cực tất phản”, “Qua cơn bĩ cực tới hồi thái lai”. Nhưng trước sự biến động liên tục của nhân thế, mọi người đều đang góp sóng thành bão, liệu ai có thể nhìn thấy con đường đi đến tương lai? Cái gì gọi là thuận gió căng buồm, thế nào gọi là giã từ sự nghiệp ngay khi đang ở đỉnh vinh quang?
Tô Thức, một thi nhân thời nhà Tống đã viết trong bài thơ “Tặng thiện tương trình kiệt” rằng: “Hỏa sắc thượng đằng tuy hữu sổ, cấp lưu dũng thối khởi vô nhân”, ý tứ là, “Ghế nóng vinh quang tuy có số, giã từ sự nghiệp chẳng có ai”.
Đào Chu Công, từ tâm phúc của Việt Vương Câu Tiễn trở thành bậc phú hào một phương
Phạm Lãi, người nước Sở thời kỳ Xuân Thu. Ông xuất thân bần hàn nhưng thông minh tuyệt đỉnh, trên thông thiên văn dưới tường địa lý, văn thao võ lược xuất chúng. Thời điểm đó, dưới chế độ độc tài của chính quyền nước Sở, dân thường không có cơ hội để thi triển tài năng của mình. Phạm Lãi đã nhìn thấy rõ điều này, ông quyết định rời nước Sở để tạo dựng tương lai.
Trong số các công thần nước Sở cũng có người biết được tài năng của Phạm Lãi. Sở Uyển sớm kể cho Văn Chủng về tài hoa của Phạm Lãi, vừa nghe qua mà Văn Chủng đã cảm thấy như thân quen Phạm Lãi từ lâu. Lúc đó triều đình nước Sở đang đà mục nát, tầng lớp quý tộc chuyên quyền khống chế triều chính.
Cùng thời điểm đó, nước Ngô và nước Việt xảy ra giao tranh. Phạm Lãi và Văn Chủng đã cùng hẹn nhau bỏ nước Sở đến nương tựa vào nước Việt. Lúc đó Việt Vương Câu Tiễn lại đang cần người tài hoa phò tá việc chính sự.
Sau khi đại bại dưới tay của vua Ngô, Việt Vương Câu Tiễn bắt đầu trọng dụng Phạm Lãi và Văn Chủng. Dưới sự trợ giúp của hai người này, Câu Tiễn đã nếm mật nằm gai suốt 20 năm, cuối cùng cũng đã rửa được mối nhục, đánh bại Ngô vương.
Có thể nói, đối với Việt Vương Câu Tiễn mà nói, Phạm Lãi và Văn Chủng đúng là hai ân nhân của ông ta.
Tuy nhiên, Phạm Lãi lại hướng đến Việt Vương Câu Tiễn nói lời từ giã chốn quan trường. Tất nhiên lúc đó Câu Tiễn có phần lưu luyến, tuy nhiên sau một hồi hàn huyên tâm sự, Phạm Lãi đã thoái lui thành công.
Khi đã từ biệt chốn quan trường, Phạm Lãi không quên người bạn tâm giao của mình là Văn Chủng. Ông có viết một bức thư cho Văn Chủng với lời lẽ như thế này: “Chim hết rồi cung tên bỏ xó; Thỏ hết rồi chó bị phanh thây. Việt Vương là người cổ dài miệng nhọn, có thể cùng chung hoạn nạn nhưng không thể cùng hưởng phúc. Sao ông còn không rời đi chứ?”
Tuy nhiên, Văn Chủng lại nghĩ rằng bản thân đã giúp Việt Vương Câu Tiễn khôi phục đất nước, sau này Câu Tiễn sẽ báo ân cho ông cuộc sống đủ đầy, nên hưởng thụ điều ấy.
Đáng tiếc, chưa được bao lâu sau thì Văn Chủng bị Việt Vương Câu Tiễn gán cho tội mưu phản và bị chính Việt Vương bức tử.
Trong khi ấy, Phạm Lãi rời bỏ triều đình đi du thuyền cùng ý trung nhân trên Hồ Tây buôn bán. Ba lần kinh doanh đại phát, ông đều đem hết sạch tiền của ra phân phát cho bách tính. Nhưng kết cục vẫn trở thành bậc phú hào, sống một đời phú quý và hưởng thọ đến 89 tuổi.
Người đời sau có thể không nghe đến việc ông giúp Câu Tiễn đoạt lại đất nước, nhưng họ đều biết Đào Chu Công là bậc phú hào một phương. Kỳ thực, Đào Chu Công là tên giả của Phạm Lãi. Người đời sau còn tôn ông là “bậc Thánh kinh doanh”.
Trương Lương từ chối khi được Lưu Bang ban thưởng, chỉ một lòng cáo quan
Vào cuối thời Chiến Quốc, nhà Tần thống nhất sáu nước, sáu vị vua và tầng lớp quý tộc bỗng chốc đã trở thành dân thường. Trong chiến tranh loạn lạc cuối thời Tần, có một quý tộc trẻ tuổi người nước Hàn tên là Trương Lương cũng dẫn đầu một nhóm người tham gia khởi nghĩa, nhưng sau đó lại quy phục Lưu Bang.
Vì Trương Lương luôn dâng lên mưu kế kỳ diệu nên đã được Lưu Bang coi như quân sư tâm phúc.
Tại đại tiệc Hồng Môn, sự bình tĩnh và điềm nhiên của Trương Lương đã cứu được Lưu Bang thoát khỏi con đường chết.
Cuối cùng, Lưu Bang đánh bại Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ, lập nên nhà Hán. Khi luận công ban thưởng, Lưu Bang nói với Trương Lương: “Ngồi trong trướng bày mưu nghĩ kế quyết định chiến thắng ở ngoài vạn dặm. Ta không bằng Tử Phòng”. Lưu Bang đã thưởng tặng cho Trương Lương 30.000 hộ dân của nước Tề làm ấp.
Thế nhưng, Trương Lương kiên quyết khước từ. Ông nói với Lưu Bang rằng nguyện vọng của ông khi quy phục Lưu Bang là vì muốn diệt nước Tần, rửa mối nhục cho nước Hàn. Hiện tại tâm nguyện đã thành, hơn nữa còn được Hoàng đế quý mến phong thưởng tước hầu và ban cho vạn hộ dân. Là một kẻ bề tôi, đạt được điều này coi như đã thành công viên mãn. Từ nay về sau ông muốn được làm điều bản thân yêu thích, chu du tứ hải.
Trương Lương chỉ xin Lưu Bang ban cho mảnh đất nơi hai người gặp mặt để làm kỷ niệm và nhận tước vị Lưu hầu.
Cũng nhờ công thành thân thoái như vậy mà Trương Lương đã thoát khỏi âm mưu thanh lý anh hùng của Lưu Bang và sống cuộc đời an nhiên.
Hòa thượng đuổi theo Yến vương tặng mũ trắng
Sử cũ kể rằng, trong tang lễ của Mã Hoàng hậu – Hoàng hậu chính thức của Chu Nguyên Chương, có rất nhiều hòa thượng được mời đến để tụng kinh siêu độ.
Trong đó có một nhà sư tên là Đạo Diễn. Ông và Yến vương Chu Lệ nói chuyện với nhau rất tâm đầu ý hợp. Ngay trước khi chia tay, hòa thượng Đạo Diễn nói với Yến vương rằng: “Nếu ngài để ta đi theo phụ giúp, ta sẽ tặng ngài đỉnh đầu mũ trắng”.
Những lời này, người khác nghe có phần khó hiểu, thế nhưng Yến vương Chu Lệ nghe được lại tim đập thình thịch. Bởi vì ông biết được chữ vương (王) đội chữ bạch (白) chính là chữ hoàng (皇). Đây chẳng phải ý muốn giúp bản thân ông trở thành hoàng đế sao.
Lúc đó thái tử Chu Tiêu vừa qua đời không lâu. Con trai của Chu Tiêu là Chu Duẫn được Chu Nguyên Chương phong là Thái tôn, chính là người sẽ kế thừa ngôi vị hoàng đế. Vị hòa thượng này khẩu khí không nhỏ, muốn đưa Yến vương mũ trắng chẳng phải là đi tìm đường chết sao?
Hoàng thái tôn Chu Duẫn lên ngôi lấy tên hiệu là Kiến Văn đế. Rất nhanh sau đó Kiến Văn đế đã thực hiện chính sách loại bỏ tước vị chư hầu. Bị đẩy vào tình thế bất đắc dĩ, Chu Lệ buộc phải phản kháng, vì bản thân mà mở ra con đường sống.
Lúc này, hòa thượng Đạo Diễn đã bày mưu nghĩ kế giúp Chu Lệ. Ông đề nghị Chu Lệ tuyển chọn một ít kỵ binh tinh nhuệ đi đường vòng thật nhanh tiến đến Nam Kinh. Cuối cùng chỉ trong một trận chiến đã chiếm được Nam Kinh, đăng cơ đế vị thành lập vương triều Vĩnh Lạc.
Sau khi Chu Lệ xưng đế, hòa thượng Đạo Diễn được phong làm Tư thiện Đại phu Thái tử Thiếu sư. Chu Lệ ban cho Đạo Diễn phủ đệ và cung nữ, thỉnh cầu ông hoàn tục, lấy tên là Diêu Quảng Hiếu và không đi tu nữa.
Tuy nhiên, Hòa thượng Đạo Diễn kiên quyết không nhận. Ngoại trừ lúc Hoàng đế triệu kiến hỏi việc triều chính thì ông mới mặc triều phục, những ngày bình thường thì luôn mặc y phục tăng nhân, sống trong chùa, thắp đèn đọc kinh, dốc lòng tu luyện.
Cuối cùng, hòa thượng Đạo Diễn đã trải qua những năm tháng bình an đến khi qua đời, hưởng thọ 83 tuổi.
Một số người có thể cho rằng các bậc quân sư lỗi lạc trong quá khứ lựa chọn ‘công thành thân thoái’ là bởi vì họ có linh cảm chính trị nhạy bén. Trên thực tế, họ đều hiểu rõ được bí mật hưng suy của một vương triều.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.