Thiên Thanh là tập đoàn có thế mạnh trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, đã tham gia góp vốn, tái cơ cấu để cho ra đời Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB). Trước khi bị bắt, ông Phạm Công Danh là Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Thiên Thanh cũng là Chủ tịch Hội đồng quản trị VNCB (bị miễn nhiệm ngày 28.7); ông Phan Thành Mai nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh cũng là Tổng Giám đốc VNCB; ông Mai Hữu Khương, nguyên thành viên HĐQT, phụ trách tài chính của Tập đoàn Thiên Thanh (cũng là Giám đốc VNCB chi nhánh TP.HCM).
Trước đó, ngày 23.5.2013, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ban hành quyết định chấp thuận việc thay đổi tên gọi của Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Tín, với tên gọi mới là VNCB. Hiện tại, vốn điều lệ VNCB đạt 3.000 tỷ, mạng lưới đạt 112 điểm hoạt động. Ngay từ khi ra đời, VNCB đã đặc biệt thu hút sự quan tâm của dư luận bởi đứng sau ngân hàng này đều là các đại gia bất động sản nên hết thảy đều lo ngại xuất hiện vấn đề lợi ích nhóm.
Trong công văn gửi NHNN về việc xin phép thành lập VNCB, Bộ Xây dựng nêu quan điểm: Việc thành lập Ngân hàng Xây dựng sẽ góp phần hỗ trợ triển khai các chương trình xây dựng nhà ở quốc gia (như nhà ở cho người nghèo, nhà ở cho học sinh, sinh viên, người thu nhập thấp tại đô thị...), các chương trình sản xuất vật liệu xây dựng, hoạt động khác của ngành. Đây cũng là một kênh huy động vốn có hiệu quả cho thị trường bất động sản, góp phần quản lý, giúp thị trường địa ốc minh bạch bền vững và đóng góp vào sự phát triển kinh tế của đất nước, đáp ứng nhu cầu của người dân.
Tuy nhiên, theo một chuyên gia tài chính ngân hàng (đề nghị không nêu tên), chức năng cơ bản của một ngân hàng là huy động và cho vay. Nguồn vốn huy động chủ yếu đến từ dân cư còn cho vay hầu hết là doanh nghiệp. Thế nhưng, trong trường hợp này, khi bất động sản còn khó khăn và các ngân hàng đều thận trọng cho vay do nợ xấu có liên quan đến bất động sản đang chiếm xấp xỉ 70% tổng nợ xấu của toàn hệ thống, thì việc cho các doanh nghiệp trong ngành, không loại trừ chính các cổ đông vay vốn sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Ngay khi những lo ngại xung quanh sự ra đời của VNCB còn chưa rõ thì cuối tháng 3.2014, tròn 1 năm sau khi được thành lập, ngân hàng này tung ra gói tín dụng 50.000 tỷ đồng với mục đích “hỗ trợ thị trường bất động sản” thông qua việc liên kết “bốn nhà” (ngân hàng, nhà cung ứng vật liệu xây dựng, nhà thầu, chủ đầu tư). Ngay lập tức những thông tin về gói tín dụng này tốn nhiều giấy mực và thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
Thời điểm đó, trả lời báo chí về tính khả thi của gói tín dụng này, GS-TSKH Đặng Hùng Võ nhận định: “Vấn đề là ngân hàng có đủ 50.000 tỷ đó hay cũng chỉ đưa ra để dọa thôi”.
Chuyên gia Bùi Kiến Thành cũng bày tỏ lo ngại: “Điểm lạ của gói 50.000 tỷ đồng là vị trí của Tập đoàn Thiên Thanh. Không rõ vì sao Công ty Thiên Thanh lại được giữ vị trí trung gian, được cung ứng vật liệu để giải ngân tiền. Tự tạo ra một thế độc quyền cho nhà cung ứng vật liệu này như vậy là phi thị trường, cạnh tranh không lành mạnh”.
Mặc dù ngành chức năng khẳng định nhân sự của VNCB bị tạm giam không làm ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng này song số phận của nó thực sự về đâu vẫn là câu hỏi lớn? Liệu gói 50.000 tỷ của VNCB có chết yểu?
Ngay sau khi nguyên Chủ tịch, Tổng Giám đốc VNCB bị khởi tố và bắt tạm giam, NHNN đã phê chuẩn lãnh đạo mới của ngân hàng này. Theo đó, bà Vũ Bạch Yến được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng quản trị; ông Đàm Minh Đức là Tổng Giám đốc của VNCB. Bà Vũ Bạch Yến là thành viên Hội đồng quản trị của VNCB từ tháng 2.2012 và ông Đàm Minh Đức, trước đó là Phó Tổng Giám đốc, phụ trách khu vực Hà Nội.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.