Giá lợn tăng nhanh trong 1 tuần
Theo phản ánh từ các chủ trang trại tại miền Bắc, giá lợn hơi ở một số địa bàn hiện đã tăng lên 40.000 đồng/kg, thậm chí có nơi đạt mức 45.000 đồng/kg vì thị trường khan hiếm lợn. Với mức tăng lên tới 10.000 đồng/kg so với trước đó chỉ 1 tuần, bà con chăn nuôi khá bất ngờ, song cũng vô cùng phấn khởi vì trước đó ảnh hưởng từ “cơn bão” dịch tả lợn châu Phi đã khiến giá lợn hơi liên tục giảm, chỉ còn 28.000 - 35.000 đồng/kg.
Thương lái chọn mua lợn hơi tại chợ đầu mối gia súc - gia cầm Hà Nam. Ảnh: Trần Quang
Ông Vũ Văn Kỳ - chủ trang trại đang nuôi 600 lợn thịt, hơn 40 con lợn nái ở xã Hải Triều, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, báo tin vui: “Cuối tuần trước, giá lợn hơi trên địa bàn đã tăng từ 30.000 – 32.000 đồng/kg lên 40.000 đồng/kg. Còn hôm 10/6, giá lợn hơi đã cán mốc 45.000 đồng/kg. Thương lái vào hỏi mua tới tấp, tiếc là nhà tôi không còn lợn to để bán”.
Còn anh Lê Văn Quyền - chủ trang trại ở huyện Lương Sơn (Hòa Bình) cũng cho biết: “Thương lái đang thu mua lợn hơi trong dân với giá dao động từ 40.000 – 41.000 đồng/kg. Còn Công ty chăn nuôi CP chi nhánh miền Bắc trong 3 ngày gần đây cũng liên tục thay đổi báo giá bán lợn hơi tại kho, mỗi ngày tăng 2 giá và hiện lợn 3 máu cái đã đạt 40.000 đồng/kg tại kho”. Với giá này, những hộ chủ động được nguồn lợn giống, thức ăn, áp dụng mô hình chăn nuôi khép kín có thể thu lãi tới 10.000 đồng/kg lợn hơi.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Xuân Dương - quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết, nhờ sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành trong việc tuyên truyền về tình hình và đặc điểm của virus dịch tả lợn châu Phi, vận động người tiêu dùng không quay lưng với thịt lợn; có phương án cấp đông dự trữ thịt lợn… nên nhu cầu sử dụng thịt lợn trong dân đã tăng lên so với thời điểm trước.
"Ước tính số lượng tủ lạnh trong dân khoảng 15 triệu cái. Nếu chúng ta tận dụng tối đa công suất của tủ lạnh để cấp đông thịt lợn, thì có thể dự trữ được hàng trăm ngàn tấn. Hiện tại, giá thịt lợn hơi của Trung Quốc cũng liên tục tăng và đạt khoảng 55.000 - 57.000 đồng/kg. Nguyên nhân do nguồn cung thịt lợn ở nước này giảm mạnh do phải tiêu hủy tới 200 triệu con lợn dính virus dịch tả lợn châu Phi, trong khi thịt lợn vẫn là thực phẩm cực kỳ quan trọng trong bữa ăn hàng ngày của người dân".
"Với đà này, giá thịt lợn hơi của Việt Nam chắc chắn sẽ chạm mốc bình quân 45.000 đồng/kg, thậm chí còn cao hơn nữa, nếu chúng ta vận động người dân tiêu dùng thịt lợn như bình thường" - ông Dương nhận định.
Nghịch lý nông dân hết lợn bán
Mặc dù giá lợn hơi đang tăng đột biến, song đáng tiếc là nhiều hộ không còn con lợn nào để bán. Ông Vũ Văn Kỳ cho biết: "Không ngờ chỉ sau vài ngày mà giá lợn hơi tăng chóng mặt như vậy, thương lái từ Hải Phòng cũng lên lùng mua mà phải về tay không vì không có lợn mà bắt. Tôi cũng tiếc lắm, bởi đã trót bán mấy chục con từ lúc giá đang 35.000 – 38.000 đồng/kg. Quanh nhà tôi, nhiều gia đình chuồng trại trống không vì chết dịch cả rồi, chỉ còn 2-3 trại quy mô vài nghìn con là còn giữ được. Dù sao giá lợn hơi tăng cũng giúp chúng tôi có thêm động lực để tiêu độc khử trùng, bảo vệ đàn trước dịch tả lợn châu Phi".
Anh Lê Văn Quyền cho biết, giá lợn hơi tại miền Bắc tăng nhanh là do nguồn lợn có trọng lượng trên 100kg/con trong dân không còn nhiều, nhất là các hộ nuôi nhỏ lẻ. Có nơi dịch tả lợn châu Phi lây lan nhanh đã làm chết tới 40 - 60% tổng đàn, dẫn tới xảy ra khan hiếm lợn bán trong một thời điểm là điều dễ hiểu. Với tình hình này, anh Quyền dự đoán có thể giá lợn hơi sẽ còn tăng trong thời gian tới.
|
Trò chuyện với chúng tôi, anh Nguyễn Thế Anh - chủ trang trại ở xã Yên Dương, huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) than thở: Nhìn giá lợn tăng cao mà gia đình tôi chỉ biết ngậm ngùi thở dài. Nhà tôi đã bán hết lứa to từ lúc giá 28.000 đồng/kg, buộc phải chịu lỗ vì lợn đến kỳ phải xuất chuồng mới có tiền trả công nợ, tiền cám. Tính ra từ Tết Nguyên đán tới nay, tôi đã chịu lỗ hơn 1 tỷ đồng.
Một chủ trang trại cho rằng, giá lợn hơi tăng nhanh lần này là do có “bàn tay” của các đại gia chăn nuôi lớn. Dịch tả lợn châu Phi lan rộng, sức tiêu thụ thịt lợn sụt giảm đã khiến các trang trại của những doanh nghiệp này bị tồn một lượng lớn lợn nặng trên 140kg, dẫn đến họ phải tìm cách đẩy lợn tồn ra thị trường.
Thông tin này chưa được kiểm chứng, nhưng theo anh Nguyễn Thế Anh, lượng lợn hơi tại địa phương đúng là giảm mạnh so với trước vì nhiều hộ gia đình bị dịch tả lợn châu Phi chết hết lợn, phải đóng trại, ngừng chăn nuôi. Bản thân gia đình anh trước đó nuôi gần 1.000 con lợn thịt, sau khi bán hết lợn to, hiện chỉ còn 300 con nhưng anh cũng không dám tái đàn, có ngày 2-3 thương lái đến hỏi mua lợn nhưng không có hàng.
Hiện dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện ở 54 tỉnh, thành phố, khiến hơn 2,2 triệu con lợn buộc phải tiêu hủy. Đơn cử như tại Thái Bình, bệnh dịch này đã lây lan tại 281/282 xã, phường, thị trấn có hộ chăn nuôi lợn của 8 huyện, thành phố; số lợn đã tiêu hủy hơn 316.900 con (chiếm đến 40% tổng đàn lợn toàn tỉnh), thậm chí có thôn, xã “sạch bóng lợn”. Tổng chi phí tiêu hủy và dự kiến hỗ trợ thiệt hại cho người chăn nuôi ở Thái Bình lên tới hơn 470 tỷ đồng.
Tương tự, tỉnh Nam Định cũng mất đến 30% tổng đàn khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại 213/229 xã, phường của 10 huyện, thành phố trong tỉnh với tổng số lợn tiêu hủy là 184.169 con.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.