Ngày 29.8 tới đây, Bộ NNPTNT, UBND TP.Đà Nẵng phối hợp với Báo NTNN/Dân Việt tổ chức Hội thảo “Sửa đổi Nghị định 67 - những vấn đề cần đặt ra”. Trên cơ sở nội dung này, Báo NTNN/Dân Việt đã có những trao đổi với ông Nguyễn Đình Khánh Vân- Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân TP.Đà Nẵng.
Cần ngân hàng xích lại gần với ngư dân
Trong nội dung bài viết này, chúng tôi không đề cập tới những cái được, kết quả đã có mà tập trung chỉ ra những hạn chế, tồn tại và đóng góp các giải pháp, kiến nghị để xây dựng dự thảo Nghị định 67 mới.
Ông Nguyễn Đình Khánh Vân (bên phải) thăm tàu cá ngư dân sắp hạ thủy. Ảnh: Đình Thiên
Theo ông Nguyễn Đình Khánh Vân, chính sách tín dụng cho vay đóng tàu theo Nghị định 67 đã tạo động lực cho ngư dân tham gia đầu tư đóng mới tàu cá có công suất lớn, hiện đại, làm thay đổi nhận thức trong việc phát triển kinh tế biển. Tuy nhiên, dù ngân sách nhà nước đã ưu tiên bố trí để triển khai thực hiện các mục tiêu của Nghị định 67, nhưng không đủ đáp ứng nhu cầu, nguồn lực lớn về vốn tín dụng của ngư dân.
“Hiện các ngân hàng thương mại lo lắng không thu hồi được vốn, đặc biệt là đối với tàu vỏ thép, nên các ngân hàng chỉ xem xét để cho vay với số lượng hạn chế, thời gian, quy trình, thủ tục quá dài. Bên cạnh đó, trong điều kiện vay có ghi là các đối tượng đang hoạt động nghề cá có hiệu quả và có khả năng tài chính, nhưng lại không giải thích cụ thể thế nào là tàu cá có hoạt động hiệu quả nên gây khó khăn cho ngân hàng trong khâu thẩm định” - ông Vân nói.
"Phải thay đổi nhiều, tục phát huy và điều chỉnh những vấn đề còn tồn tại, vướng mắc thì Nghị định 67 mới đạt được hiệu quả, mới thực sự đi vào cuộc sống, góp phần hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo nhất là trong tình hình thế giới phức tạp hiện nay”
Ông Nguyễn Đình Khánh Vân
|
Để giúp ngư dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay và chủ động hơn trong việc lập hồ sơ vay vốn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân TP.Đà Nẵng cho rằng, các ngân hàng cần tổ chức nhiều hơn nữa các buổi tiếp xúc giữa đại diện ngân hàng với ngư dân để tháo gỡ những khó khăn trong thủ tục, hồ sơ cho khách hàng, đồng thời phổ biến rõ hơn về chính sách tín dụng ưu đãi và những điều riêng biệt của ngân hàng đến với ngư dân.
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Đình Khánh Vân, nhiều khoản vay của chủ tàu có nguy cơ bị chuyển sang nợ xấu và ngư dân sẽ không được hưởng hỗ trợ lãi suất của Nhà nước.
Có điều này là do, trong phương án trả nợ của một số chủ tàu, ngoài nguồn thu nhập từ khai thác hải sản còn được cơ cấu trả nợ từ nguồn hoàn thuế giá trị gia tăng và nguồn từ chính sách hỗ trợ nhiên liệu cho ngư dân tham gia khai thác, nuôi trồng hải sản tại các vùng biển xa của Nhà nước. Nhưng hiện nay, một số chủ tàu đã đến hạn trả nợ song việc thực hiện trả nợ như đã thống nhất trong hồ sơ tín dụng gặp khó khăn, nên các ngân hàng thương mại gặp khó khăn trong thu nợ.
Chính sách bảo hiểm chưa phù hợp
Ngoài chính sách tín dụng, các chính sách liên quan như mua bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm thuyền viên, bảo hiểm ngư lưới cụ… cũng còn nhiều bất cập, hạn chế, thậm chí có chính sách chỉ có lợi cho doanh nghiệp, ngư dân đối tượng chính lại chịu phần thiệt.
Mỗi con tàu có mặt trên biển là góp phần gìn giữ, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Ảnh: Đình Thiên
Theo ông Nguyễn Đình Khánh Vân, Điều 5, Nghị định 67 của Chính phủ quy định, Nhà nước sẽ hỗ trợ 90% kinh phí mua bảo hiểm thân tàu đối với tàu có công suất máy chính từ 400CV trở lên và 70% kinh phí mua bảo hiểm thân tàu có công suất máy từ 90 CV đến dưới 400 CV. Vì vậy rất ít chủ tàu cá tham gia mua bảo hiểm thân tàu, trang thiết bị, như lưới cụ đối với tàu có công suất từ 90CV đến dưới 400CV. Hiện nay, trong tổng số 355 tàu cá tham gia mua bảo hiểm thân tàu, trang thiết bị và ngư lưới cụ của năm 2015 và năm 2016 chỉ có 16 tàu cá có công suất từ 90CV đến dưới 400CV tham gia mua bảo hiểm.
Ngư dân thường dành phần lớn thời gian trên biển, tuy nhiên thủthanh toán, đền bù bảo hiểm cho ngư dân bị rủi ro gặp tai nạn rất rườm rà, nhiêu khê làm cho người được thanh toán bảo hiểm phải đi nhiều lần, mất thời gian, công sức ảnh hưởng đến việc khai thác hải sản.
Bên cạnh đó, theo ông Vân hiện nay công tác tiếp cận và liên lạc với chủ tàu vẫn còn khó khăn bởi chủ tàu đi biển dài ngày. Do đó, việc làm thủ tục, mua bảo hiểm tai nạn cho thuyền viên, bảo hiểm thân tàu, ngư lưới cụ trang thiết bị còn nhiều trở ngại, chưa kịp thời.
Đặc biệt, theo ông Vân: “Các điều khoản trong hợp đồng mua bán bảo hiểm chưa được quy định thống nhất và đa số đều có lợi cho Công ty Bảo hiểm, còn chủ tàu phải chịu phần thiệt hơn”.
Mạnh dạn thay đổi, loại bỏ hạn chế, tồn tại
Thời gian vừa qua, việc thực hiện Nghị định 67 có nhiều sai phạm đáng tiếc. Trong đó việc hàng loạt tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67 đã buộc phải nằm bờ do máy tàu kém chất lượng, thép đóng tàu không đúng tiêu chuẩn...
Để tránh sai phạm đáng tiếc xảy ra như trong thời gian vừa qua, ông Nguyễn Đình Khánh Vân cho rằng, mấu chốt của việc này là phải ban hành quy định về tư vấn thiết kế và giám sát đóng mới hoặc nâng cấp tàu cá phù hợp với thực tiễn.
Bên cạnh đó, ông Vân cho rằng, chính sách bảo hiểm hiện nay đang thể hiện sự độc quyền, không có sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp nên ngư dân vẫn chưa thực sự được hưởng lợi. Cần phải mở rộng thêm các doanh nghiệp bảo hiểm để tạo sự cạnh tranh sản phẩm,ngư dân có thêm sự lựa chọn.
Ngoài ra, trong hợp đồng bảo biểm, cần phải mở rộng vùng biển tàu thuyền ngư dân được trả quyền lợi bảo hiểm (nếu xảy ra tai nạn), để khuyến khích ngư dân đánh bắt xa bờ và tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Các công ty bảo hiểm nên thường xuyên tổ chức đối thoại với ngư dân để hướng dẫn, phổ biến về chính sách hỗ trợ, mua bảo hiểm và tháo gỡ những vướng mắc trong chi trả, bồi thường đối với ngư dân; đồng thời chi trả bồi thường kịp thời cho ngư dân khi gặp rủi ro trên biển” - ông Vân nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.