Agribank đã cho ngư dân vay hơn 4.600 tỷ đồng đóng mới tàu cá "67"

Trương Hồng - Đoàn Hồng Thứ tư, ngày 30/08/2017 14:48 PM (GMT+7)
Tại Hội thảo “Sửa đổi Nghị định 67 - Những vấn đề cần đặt ra” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ NNPTNT, UBND TP Đà Nẵng phối hợp tổ chức ngày 29.8 tại Đà Nẵng, lãnh đạo Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) cho biết, đến nay ngân hàng đã cho ngư dân vay được 4.605 tỷ đồng để đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67 của Chính phủ.
Bình luận 0

Hơn 4.600 tỷ đồng cho ngư dân vay vốn.

Phát biểu tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Phượng - Phó Tổng giám đốc Agribank cho biết: Sau 3 năm triển khai thực hiện NĐ 67 của Chính phủ, riêng Agribank về cho vay đến 31.7.2017, tổng số vốn cam kết cho vay theo các HĐTD đã ký 4.605 tỷ đồng, dư nợ hiện tại 3.883 tỷ đồng; Số khách hàng đang vay vốn là 554 khách hàng, trong đó có 510 khách hàng vay vốn đóng mới và nâng cấp tàu.

img

Bà Nguyễn Thị Phượng - Phó Tổng giám đốc Agribank phát biểu tại hội thảo - ảnh H.P

“Các khó khăn, vướng mắc của Agribank trong triển khai chương trình TD theo NĐ 67 phần lớn đối tượng khách hàng vay vốn tại Agribank là hộ gia đình và cá nhân 470/ 510 khách hàng (chiếm 92,2%). Chỉ có 31 khách hàng vay là doanh nghiệp, 5 HTX  và 3 Tổ hợp tác.

Tình trạng thực tế là người vay lúng túng trong việc lập hồ sơ vay vốn, không biết lập phương án kinh doanh, không chứng minh được khả năng tài chính, không chứng minh được nguồn nhân lực đạt trình độ quản lý và vận hành trang thiết bị hiện đại khi chuyển đổi từ phương thức đánh bắt truyền thống sang hiện đại.

Hoặc có những trường hợp ngư dân đã được UBND tỉnh, TP phê duyệt đủ điều kiện, nhưng sau đó lại thay đổi ngành nghề khai thác, thay đổi vật liệu vỏ tàu, thay đổi kích thước tàu, thay đổi công suất máy chính, dẫn đến thay đổi dự toán, phải thực hiện lại thủ tục, quy trình phê duyệt… Ngoài ra, thực tế là ngân hàng cũng hết sức bị động hoặc tâm lý làm được thì làm, không làm được thì giao tàu lại cho ngân hàng. Ngân hàng nhận tàu, coi như ngư dân không còn nợ là rất nguy hiểm đến an toàn vốn. Những vấn đề nêu trên đây rất đáng lo ngại, là những rào cản lớn đối với các ngân hàng, vì nguyên tắc đầu tiên trong hoạt động cho vay là phải đảm bảo khả năng thu hồi vốn” - bà Phượng nhấn mạnh.

Theo bà Phượng, khó khăn của Agribank là do phần lớn người vay khai thác đánh bắt theo hình thức đơn lẻ, các chủ tàu thường bán hải sản ngay trên biển cho các tàu dịch vụ hậu cần hoặc bán tại các cảng thuộc địa phương khác, không thuộc địa bàn của chi nhánh ngân hàng đã cho vay, nên khả năng kết nối theo chuỗi giữa hoạt động khai thác - chế biến - tiêu thụ còn rất hạn chế, ngân hàng gần như không thể quản lý được dòng tiền bán hàng của ngư dân sau mỗi chuyến đi biển. Ngân hàng không đánh giá được hiệu quả sau đầu tư và so sánh với phương án thẩm định ban đầu.

img

Quan cảnh hội thảo Sửa đổi Nghị định 67 - Những vấn đề cần đặt ra” - ảnh H.P

“Đặc biệt, việc đánh bắt hải sản trên biển phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết, rủi ro cao, con tàu hình thành từ vốn vay là TSĐB duy nhất đối với ngân hàng. Trong khi đó, nguồn vốn ngân hàng đang cho vay thực chất là nguồn vốn do ngân hàng huy động từ các tổ chức, cá nhân trong nền kinh tế để cho vay lại. Nếu ngư dân đánh bắt cá vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của nước khác, hoặc thậm chí là sử dụng phương tiện tham gia hoạt động buôn lậu trên biển thì tài sản đảm bảo tiền vay có nguy cơ bị tổn thất…” - bà Phượng phân tích.

Những vấn đề nêu trên rất đáng lo ngại, là những rào cản lớn đối với các ngân hàng, vì nguyên tắc đầu tiên trong hoạt động cho vay là phải đảm bảo khả năng thu hồi vốn. “Hiện nay Agribank chờ số tiền cấp bù lãi suất lên đến gần 100 tỷ đồng tính riêng cho chương trình NĐ 67. Với mức lãi suất cho vay quy định là 7%/năm, thời hạn cho vay từ 11-16 năm,  nếu Agribank thu hồi được đầy đủ toàn bộ dư nợ gốc, đồng thời được NSNN cấp bù lãi suất kịp thời, thì Agribank cũng chỉ mới duy trì được mức cân bằng so với chi phí huy động vốn đầu vào (kỳ hạn dài) hiện tại là 6,97%/năm” - bà Phượng nói.

 Cần hướng theo mô hình nông nghiệp cao!

Trong thời gian tới, để chính sách đạt được mục tiêu như kỳ vọng, Agribank có một số đề xuất áp dụng có chọn lọc, ưu tiên mô hình nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản tương tự mô hình sản xuất Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ưu tiên các mô hình liên kết chuỗi, khuyến khích thành lập các doanh nghiệp, Hợp tác xã, Tổ hợp tác … thay vì áp dụng chính sách đại trà, không phân biệt giữa mô hình tổ chức sản xuất có tính gắn kết cao với mô hình cá nhân nhỏ lẻ, đáp ứng nhiều mục tiêu được NĐ 67 đề ra.

img

Những chiếc tàu sắt được đóng theo NĐ 67 mà các ngân hàng đã giải ngân - ảnh H.P

“Nên áp dụng các điều kiện được hưởng các chính sách TD ưu đãi tương tự như các điều kiện áp dụng chính sách hỗ trợ sau đầu tư; Chủ tàu phải là thành viên của tổ đội, HTX, nghiệp đoàn nghề cá, doanh nghiệp khai thác thủy sản; Tàu phải được lắp đặt máy thông tin liên lạc tầm xa có tích hợp thiết bị định vị vệ tinh (GPS) kết nối được với trạm bờ; Không khuyến khích đầu tư đóng mới, nâng cấp tàu cá theo mô hình tổ chức sản xuất cá nhân nhỏ lẻ do chất lượng nguồn nhân lực không đảm bảo, năng lực quản lý, vận hành khai thác, năng lực tài chính có nhiều hạn chế, không tạo được tính gắn kết giữa các tàu đánh bắt ở ngoài khơi vì mục tiêu phát triển kinh tế gắn với nhiệm vụ quốc phòng an ninh, bảo vệ chủ quyền biển đảo trong những tình huống cụ thể.                 

Ngoài ra, Agribank còn đề nghị duy trì chính sách bảo hiểm đối với con tàu tương ứng với thời gian vay vốn theo quy định tại NĐ 67 (11 năm đối với tàu vỏ gỗ hoặc tàu được nâng cấp; 16 năm đối với tàu vỏ thép hoặc vỏ vật liệu mới được đóng mới)…” - bà Phượng đề xuất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem