Bạo lực kép
Khi biết con gái là người đồng tính, cha mẹ Trần Thị M (Đồng Nai) đã đánh con gái nhừ tử rồi nhốt trong phòng, chỉ để cho cô một… cái bô. Mỗi tối, người bố lại lôi con gái ra dạy dỗ về “nhi nữ thường tình”, về “bổn phận đàn bà”… rồi lại hỏi M đã “chừa thói đồng tính chưa?”. Nếu M khóc lóc van xin cho cô được sống thật với tình yêu của mình thì ông bố lại đánh đập thậm tệ. Vừa đánh, ông vừa chửi mắng, nói sẽ đánh bao giờ cô “hết dám đồng tính” mới thôi.
Một đám cưới đồng tính nữ đã được tổ chức công khai. Ảnh: IT
Ông Lương Quốc Huy (Viện Nghiên cứu kinh tế, xã hội, môi trường trong phát triển - ISEE) - chuyên làm việc với người đồng tính cũng đau đáu những câu chuyện về nỗi cùng cực, cô độc của các bạn đồng tính khi bị gia đình hắt hủi, bạn bè diễu cợt, xã hội kỳ thị.
Ông Huy chia sẻ, từng có một bạn ĐTN tên là Vân (Hà Nội) yêu một bạn nữ ở TP.HCM. Sau khi cha mẹ phát hiện, họ đã tìm mọi cách chia cắt, bắt giam con gái, cấm đoán, đánh đập. Nhiều lần Vân đã tìm cách bỏ nhà ra đi, thậm chí trốn cả vào Nhà tạm lánh của Hội Phụ nữ. Nhưng dù cô trốn đi đâu gia đình vẫn tìm được.
“Rồi có lần, cô ấy điện thoại cho tôi từ Singarpore. Cô ấy cho biết, gia đình đã đưa cô ra nước ngoài, rồi không biết có phải vì âm mưu nào đó, cô bị cưỡng bức” - ông Huy đau xót.
"Hiện nay ĐTN ít dám bộc lộ giới tính của mình hơn đồng tính nam bởi họ gặp nhiều rào cản hơn từ gia đình, cộng đồng vì những định kiến dành cho phụ nữ. Nếu không có chính sách dành riêng cho họ thì còn lâu người ĐTN mới có thể thoát ra khỏi “vỏ ốc”.
Ông Lê Văn Sơn – Trưởng nhóm nghiên cứu Dự án thúc đẩy quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới tại Việt Nam
|
Ông Nguyễn Quang Bình - Viện trưởng ISEE thừa nhận, nhiều bạn đồng tính, chuyển giới đã phải lớn lên trong sự kỳ thị của bạn bè, sự cấm đoán, đánh đập của gia đình. Nhiều cha mẹ đã dùng mọi hình thức bạo lực để hy vọng con từ bỏ đồng tính. Có ông bố đánh đập con, có người lại bắt con đi chữa bệnh, uống thuốc chữa “tâm thần”, lại có người cho con đi thầy cúng, thầy mo để “bắt ma”… Đối với ĐTN, cha mẹ thường có “chiêu” ép con hẹn hò, lấy chồng để từ bỏ ham hố “bệnh hoạn”. Thậm chí, có ông bố đã thiết kế để con gái bị cưỡng bức, vì nghĩ rằng vì con chưa biết “mùi đời” nên mới lạc lối, khiến con gái tự tử.
Gần 50% bị ép lấy chồng
Không vượt qua nổi đòn roi của cha, nước mắt của mẹ, chị Nguyễn Thu N - một ĐTN ở Hà Nội đã phải lau nước mắt “chọn đại” một người đàn ông để kết hôn. Nhưng chỉ sau đám cưới, chồng cô nhanh chóng nhận ra sự thờ ơ, miễn cưỡng của vợ. Anh ta ghen tuông, đánh đập tra vấn vợ để tìm cho được “thằng nào” trong đầu vợ. Đánh chán, anh ta lại ép N phục vụ tình dục khiến N đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần. Đáng sợ, ban ngày anh ta lại đóng giả một người chồng dịu dàng, chăm sóc vợ.
“Cho dù bố mẹ tôi gào thét, từ mặt, tôi vẫn quyết tâm ly hôn, bỏ nhà vào Nam sinh sống. Điều khó khăn nhất trong cuộc đời tôi không phải bị chồng đánh đập, cưỡng bức, cha mẹ từ bỏ mà chính là phải giả vờ yêu thương một ai đó” - N nghẹn ngào.
Nghiên cứu năm 2012 trên 2.000 ĐTN của ISEE cho thấy, 54% ĐTN bị gia đình phản đối yêu nữ; 46,6% bị ép lấy chồng; 22% bị mắng mỏ, xúc phạm; 19% bị theo dõi, quản lý; 11,5% bị nhờ thầy lang, bác sĩ “chữa bệnh”; 8,2% bị nhờ thày cúng “đuổi con ma nam” đi; 10,3% bị đánh; 11% bị từ mặt, đuổi đi…
Tình trạng này đối với những người chuyển giới từ nữ sang nam (lộ về mặt hình thức) còn nặng nề hơn rất nhiều với 64% bị phản đối, 55,6% bị ép lấy chồng; 18% bị nhờ thầy lang, bác sĩ; 14,5% bị từ mặt, đuổi đi…
Nghiên cứu vừa được Trung tâm Nghiên cứu khoa học giới, phụ nữ, gia đình và vị thành niên (CSAGA) thực hiện trên 387 ĐTN và gia đình, bạn bè họ cho thấy, định kiến với ĐTN vẫn rất nặng nề. Chỉ có 15,5% người được hỏi hiểu đúng về đồng tính; 15,6% người cho rằng họ sẽ ngăn cấm và phản đối khi biết con gái là người đồng tính; 4,2% tìm cách chữa trị cho con, 8,3% đánh đập về thể xác, 8,3% bắt lập gia đình hoặc chửi bới, đay nghiến… Trong số gần 120 ĐTN được hỏi thì 15,7% cho biết gia đình họ đay nghiến, nhiếc móc, chửi bới; 14,3% cấm tiếp xúc; 4% đánh đập…
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.