Đánh giặc Covid ở "pháo đài" An Thượng

Sông Bùi Thứ năm, ngày 29/07/2021 08:21 AM (GMT+7)
Khi dịch Covid-19 về làng, An Thượng là "mặt trận" được đánh dấu đỏ tím trên bản đồ Covid-19 của huyện Hoài Đức (Hà Nội), song chính quyền địa phương đã có những kế sách đánh giặc dịch rất bài bản, tạo được sự đồng thuận cao của nhân dân và đưa xã trở thành một "pháo đài" chống dịch.
Bình luận 0

"Mặt trận" bị đánh dấu đỏ tím trên bản đồ Covid-19

Những ngày giữa tháng 7/2021, tình hình dịch Covid-19 trên cả nước diễn biến vô cùng phức tạp, đặc biệt là tại TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam với chủng Delta lây nhiễm rất nhanh, khó lường. Tại Hà Nội, về cơ bản TP đang kiểm soát tốt tình hình dịch Covid-19, song nguy cơ bùng phát dịch trở lại đang hiện hữu, khi trong những ngày qua TP liên tiếp phải ghi nhận thêm một số ca dương tính SARS-CoV-2 mới.

An Thượng, Hoài Đức – một xã ven đô Hà Nội vốn yên bình, từ khi Việt Nam ghi nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên vào đầu năm 2020 chưa từng có F1, F2… liên quan, bỗng trở nên là một điểm "nóng" và trở thành nỗi lo lắng của người dân khi hay tin: "Covid-19 đã tới làng". Đó là bệnh nhân C.T.T (SN 1992, trú tại xóm Ngò, thôn An Hạ, xã An Thượng) cho kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 vào ngày 19/7, với gần 20 F1.

"Pháo đài" chống dịch An Thượng - Ảnh 1.

Khi Covid-19 đã về tới làng, An Thượng được đánh dấu một màu đỏ tím trên bản đồ Covid-19 của huyện Hoài Đức, Hà Nội. (Ảnh: Bản đồ Covid-19 huyện Hoài Đức).

"Covid-19 về tới xóm mình rồi à bạn? Liệu xã mình có bị phong tỏa không? Tôi tính nhờ bạn mang quần áo ra công ty, chứ giờ về nhà mà bị phong tỏa thì gay", anh Nguyễn Ngọc Tùng (SN 1992, trú tại thôn An Hạ, xã An Thượng; hiện đang làm tại quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội) gọi điện cho một người bạn đang ở nhà khi biết tin nơi mình cư trú có ca nhiễm Covid-19.

Tại nhà chị Nguyễn Hồng Ngọc (SN 1997, ở thôn An Hạ, xã An Thượng), chuông điện thoại liên tục reo lên. Đó là những lời hỏi thăm, động viên, và cả sự lo lắng của người thân, bạn bè chị Ngọc khi hay tin thôn An Hạ ghi nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên.

Chị Ngọc và anh Tùng có lẽ là mẫu số chung tâm lý người dân xã An Thượng khi ấy. Tới tối 19/7, lực lượng chức năng bắt đầu tiến hành cách ly khu ngõ bệnh nhân C.T.T sinh sống, đồng thời đưa cách F1 liên quan đi cách lý tập trung.

Chiều 20/7, Trạm Y tế xã An Thượng phát đi thông báo, con trai của bệnh nhân C.T.T là H.V.Q cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Những ngày sau đó, liên tiếp các ca F1 liên quan tới bệnh nhân C.T.T cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Tới ngày 25/7, số ca mắc Covid-19 liên quan tới chùm này là 7 bệnh nhân, chính thức đánh dấu An Thượng màu đỏ tím trên bản đồ Covid-19 của huyện Hoài Đức.

"Pháo đài" chống dịch An Thượng - Ảnh 2.

Lực lượng y tế xuyên đêm truy vết, xét nghiệm cho toàn bộ hơn 1.700 người dân xóm Ngò, thôn An Hạ và các trường hợp liên quan để kịp thời tách F0 ra khỏi cộng đồng. (Ảnh: NDCC)

Khoanh vùng, dàn trận đánh "giặc" Covid-19

Xã An Thượng gồm 5 thôn là An Hạ, Ngự Câu, Đào Nguyên, Thanh Quang và Lại Dụ. Theo thống kê của Mặt trận tổ quốc (MTTQ) xã An Thượng có tổng số dân hơn 17.200 người.

Trước những diễn biến phức tạp của Covid-19, dàn trận đánh giặc dịch như thế nào để có thể hoàn thành "mục tiêu kép", vừa phát triển kinh tế, vừa phòng, chống dịch là một quyết định không hề dễ đối với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch huyện Hoài Đức và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch xã An Thượng.

Nếu quyết định phong tỏa toàn xã, sẽ ngay lập tức chặn đứng được chuỗi lây nhiễm, sẽ rất nhàn cho cán bộ, nhưng như vậy là cứng nhắc, máy móc, sẽ ảnh hưởng tới đời sống nhân dân toàn xã, tới "mục tiêu kép" Đảng và Nhà nước đặt ra.

Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, ngày 22/7, Chủ tịch UBND xã An Thượng Trần Văn Khánh đã ký quyết định phong tỏa tạm thời thôn Ngự Câu, Đào Nguyên và xóm Ngò, thuộc thôn An Hạ. Ngày 23/7, tiếp tục quyết định phong tỏa tạm thời toàn bộ thôn An Hạ. Tổng dân số trong vùng phong tỏa hơn 3.500 hộ với gần 14.000 người.

"Pháo đài" chống dịch An Thượng - Ảnh 3.

Lực lượng binh chủng hóa học được huy động đến hỗ trợ công tác phòng chống dịch tại xã An Thượng (Hoài Đức, Hà Nội). (Ảnh: NDCC)

"Pháo đài" chống dịch An Thượng - Ảnh 4.

Lực lượng quân đội tiến hành phun khử khuẩn trên địa bàn xã An Thượng, huyện Hoài Đức. (Ảnh: NDCC)

Ngay trong chiều 22/7, toàn bộ lối ra-vào 3 thôn được phong tỏa, với 15 chốt phòng, chống dịch được thiết lập, dưới sự kiểm soát nghiêm ngặt của hàng trăm cán bộ Công an, dân quân tự vệ…

Song song với đó, lực lượng Y tế của Trung tâm Y tế huyện Hoài Đức và Trạm Y tế xã An Thượng đã xuyên đêm tiến hành truy vết, lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ hơn 1.700 người dân xóm Ngò, thôn An Hạ và các trường hợp có liên quan nhằm kịp thời tách F0 ra khỏi cộng đồng. Cũng trong ngày 27/7, chính quyền bắt đầu tiến hành tiêm vắc xin phòng, chống Covid-19 cho người dân trên địa bàn.

Về công tác khử khuẩn, chiều 25/7, Viện Hóa học Môi trường quân sự đã cho 2 xe đặc chủng cùng 13 cán bộ, nhân viên tổ chức phun khử khuẩn toàn địa bàn xã An Thượng.

Bà Chu Thị Thúy, Phó bí thư Đảng ủy xã An Thượng cho biết, tổng quãng đường 2 xe đặc chủng phun khoảng 6km, 13 khối dung dịch khử khuẩn. Ngoài ra, Viện Hóa học Môi trường quân sự còn cấp cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch xã 3 thùng 80l chất khử khuẩn để tự phun vào các ngõ nhỏ.

"Pháo đài" chống dịch An Thượng - Ảnh 5.

Chính quyền địa phương huy động các nguồn lực hỗ trợ, đảm bảo lương thực, thực phẩm cho người dân trong thời gian cách ly. (Ảnh: NDCC).

Vận chuyển lương thực tới tận cửa nhà dân

Những ngày đầu phong tỏa, lương thực tích trữ bảo đảm và người dân vẫn có thể nhờ người quen ngoài vùng phong tỏa tiến hành mua giúp, song tới đêm 23/7, UBND TP.Hà Nội ban hành Chỉ thị số 17/CT-UBND, chính thức triển khai thực hiện giãn cách xã hội toàn TP theo Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ trong vòng 15 ngày, từ 6h ngày 24/7/2021.

Từ đây, cùng một câu hỏi được hàng loạt người dân trong vùng phong tỏa đặt ra: Tới đây sẽ nhờ ai giúp mua lương thực, thực phẩm thiết yếu?

Không để bị động, không để "nước tới chân mới nhảy", đúng như tinh thần chỉ đạo của Thường vụ Thành ủy, của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng và của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch huyện Hoài Đức. "Tất cả đều đã nằm trong tính toán của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch xã An Thượng", ông Nguyễn Quang Lâm, Chủ tịch UBMTTT xã An Thượng cho hay.

"Pháo đài" chống dịch An Thượng - Ảnh 6.

Tổ Covid cộng đồng chia lương thực, thực phẩm thành các phần trước khi chuyển tới người dân. (Ảnh: NDCC).

Cụ thể, tại các cuộc họp trước đó và tới ngày 25/7, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch xã An Thượng đã có Thông báo số 01-TB/BCĐ, giao Trưởng thôn An Hạ, Đào Nguyên và Ngự Câu chỉ đạo các tổ Covid cộng đồng tổng hợp nhu cầu mua lương thực, thực phẩm thiết yếu theo khu vực phụ trách và nộp lại tại các điểm chốt phong tỏa để Ban Chỉ đạo tổng hợp, giải quyết.

Đối với các gia đình thuộc diện chính sách, neo đơn, hoặc đặc biệt khác… yêu cầu báo cáo về Ban chỉ đạo để có biện pháp hỗ trợ kịp thời.

Ngoài ra, nhằm góp thêm nguồn lực, tăng cường các biện pháp phòng, chữa bệnh đảm bảo an sinh xã hội, an toàn đời sống và sức khỏe nhân dân, từ ngày 24/7 đến nay, Đảng ủy, Chính quyền và UBMTTQ xã An Thượng đã gửi lời kêu gọi các tầng lớp nhân dân, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp… phát huy truyền thống tương thân tương ái, với tình cảm sâu sắc và trách nhiệm của mình hãy chung sức, đồng lòng, tích cực tham gia ủng hộ phòng, chống dịch Covid -19 trên tinh thần "Ai có tiền góp tiền, ai có hiện vật góp hiện vật, ai có ý tưởng góp ý tưởng".

"Pháo đài" chống dịch An Thượng - Ảnh 7.

Trên tinh thần “Ai có tiền góp tiền, ai có hiện vật góp hiện vật, ai có ý tưởng góp ý tưởng”, nhân dân xã An Thượng đồng lòng quyết tâm phòng dịch Covid-19 trên địa bàn.

Kết quả, tính đến 18 giờ ngày 27/8, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch xã An Thượng đã nhận được hơn 96 triệu đồng từ các nhà hảo tâm, 15 thùng khẩu trang, 300 bộ đồ bảo hộ, 630 thùng mì tôm, 9,6 tấn gạo, gần 13 tấn củ quả, hơn 7 tấn rau, 900 suất quà trị giá 160 triệu đồng… cùng nhiều hàng hóa thiết yếu khác.

Ông Nguyễn Quang Lâm cho biết, để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, thay vì để người dân tập trung tới các địa điểm để nhận lương thực hỗ trợ, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch xã An Thượng đã chỉ đạo các tổ Covid cộng đồng chia thành từng phần quà, hằng ngày sử dụng xe ba gác, xe máy… mang tới tận cửa trao cho từng hộ dân.

Có thể nói, đúng như tinh thần chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng; lãnh đạo Đảng ủy, Chính quyền, UBMTTQ xã An Thượng, huyện Hoài Đức đã thực sự là những "tổng chỉ huy", là "nhạc trưởng" duy trì sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để chiến thắng giặc dịch, không để bị động, "nước đến chân mới nhảy".

Tuy nhiên, để “Chống dịch như chống giặc” thì sự vào cuộc, tham gia tích cực, chủ động của mỗi người dân, từng khu dân cư, từng hộ gia đình như ở xã An Thượng là vô cùng cần thiết, đóng vai trò quan trọng, tiên quyết để đẩy lùi dịch Covid-19.

Đặc biệt, điều quan trọng nhất là mỗi doanh nghiệp, mỗi người dân, mỗi khu dân cư phải là một “pháo đài” phòng, chống dịch. Phải tuyên truyền đến từng người dân hiểu được phương pháp phòng, chống cho cá nhân, gia đình, cộng đồng một cách tốt nhất. 

Khó khăn gấp đôi thì phải cố gắng gấp ba là phương châm hành động, là quyết tâm của chúng ta. Đồng thời các cấp, ngành cần chuẩn bị khẩn trương các điều kiện chống dịch, phản ứng nhanh và có hiệu quả, hành động kịp thời, bình tĩnh, đúng đắn, không để dịch bệnh lây lan, thiếu kiểm soát.

Sở Chỉ huy Phòng chống dịch xã An Thượng trân trọng gửi lời cảm ơn tới những tấm lòng vàng, sự hỗ trợ, đồng hành, chia sẻ của chính những gia đình trong vùng phong tỏa; sự chung tay góp sức của các cá nhân, tổ chức trên khắp các vùng miền cả nước.

Sở Chỉ huy Phòng chống dịch xã An Thượng mong rằng, trong thời gian tới nhân dân xã An Thượng sẽ nhận được sự chia sẻ, giúp đỡ nhiều hơn nữa từ những tấm lòng vàng, các mạnh thường quân.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem