Hà Nội giãn cách xã hội: "Vợ sắp sinh con, tôi muốn đón mẹ từ Thái Bình lên Hà Nội có được không?"
Hà Nội giãn cách xã hội: "Vợ sắp sinh con, tôi muốn đón mẹ từ Thái Bình lên Hà Nội có được không?"
Sông Bùi
Thứ hai, ngày 26/07/2021 11:47 AM (GMT+7)
Đó là nội dung câu hỏi anh Hoàng Minh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) gửi đến Báo Dân Việt khi Hà Nội thực hiện giãn cách toàn thành phố theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trong vòng 15 ngày, kể từ 6h ngày 24/7.
Những ngày gần đây, kể từ 6h00 ngày 24/7, Hà Nội thực hiện giãn cách toàn thành phố theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều bạn đọc gửi đến Báo điện tử Dân Việt câu hỏi liên quan đến việc người dân "có được phép ra/vào Hà Nội trong thời gian giãn cách hay không"?
Bạn đọc Hoàng Minh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) hỏi: Hiện vợ của anh chuẩn bị sinh, rất cần người chăm sóc, hiện gia đình chỉ có 2 vợ chồng nên anh muốn đón mẹ ở quê (Thái Bình) lên "trông nhà, trông cửa" nhưng anh không biết có được đón mẹ lên Hà Nội hay không?
Về việc này, trao đổi với PV Dân Việt, nhân viên trực đường dây nóng về phòng chống dịch bệnh (088 955 6655 và 088 955 7755) của TP.Hà Nội cho biết, theo Chỉ thị 16, các trường hợp được vào TP.Hà Nội phải có các lý do công vụ, cấp cứu, vận chuyển hàng hóa, phòng chống dịch, phục vụ sản xuất, tình huống khẩn cấp.
"Mọi trường hợp khác phải thực sự cấp bách mới được vào TP. Trường hợp của anh (anh Hoàng Minh-PV) là không vào được Hà Nội", nhân viên trực đường dây nóng cho hay.
Liên quan đến câu hỏi, nếu người dân có hộ khẩu, thường trú và sinh sống, làm việc tại Hà Nội, trước thời gian giãn cách (trước 6h ngày 24/7) họ đã ra khỏi thành phố. Vậy, hiện tại có thể trở về thành phố hay không?.
Câu hỏi này nhân viên đường dây nóng của TP.Hà Nội cho biết, người không có những lý do theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ như các trường hợp được vào thành phố phải có các lý do công vụ, phòng chống dịch, phục vụ sản xuất, tình huống khẩn cấp... thì không được vào thành phố dù có hộ khẩu Hà Nội.
Đối với trường hợp người dân muốn vào Hà Nội để khám bệnh theo lịch hẹn trước có được vào thành phố hay không?, nhân viên đường dây nóng cho hay, theo quy định của Chỉ thị 16 có 3 lý do đã nêu. Trong trường hợp trên, nhân viên, lực lượng tại điểm kiểm soát sẽ cân nhắc và xin ý kiến chỉ đạo để giải quyết.
Tương tự với câu hỏi: Hiện tại, người dân đang sinh sống tại Hà Nội, muốn rời thành phố trở về địa phương khác thì có được ra khỏi Hà Nội không?.
Nhân viên trực đường dây nóng trả lời: Hiện tại người dân sinh sống ở Hà Nội chỉ ra khỏi nhà trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, khám chữa bệnh, tiêm chủng và các trường hợp khẩn cấp khác; đi công tác công vụ, làm việc tại cơ quan, công sở, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu được phép hoạt động.
Như vậy, trường hợp trên không nằm trong trường hợp thực sự cần thiết nên không được ra khỏi nhà, đồng nghĩa với việc không được ra khỏi thành phố.
Bên cạnh đó, người trực số điện thoại đường dây nóng thông tin, theo Chỉ thị 17 của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, TP không kiểm soát chiều người ra khỏi TP. "Tuy nhiên, những trường hợp này phải liên hệ với các địa phương nơi họ muốn đến, xem họ có tiếp nhận người về từ Hà Nội hay không, có những yêu cầu gì, như giấy xét nghiệm âm tính hay không để chuẩn bị….", người này nói.
Chủ tịch Hà Nội: Những trường hợp không thuộc diện ưu tiên không được vào thành phố
Chiều 25/7, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh trực tiếp thị sát, đánh giá thực trạng hoạt động và chỉ đạo biện pháp phân luồng từ xa, tránh ùn tắc giao thông trên các tuyến đường cửa ngõ vào Thủ đô.
Tại đây, ông Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, Thành phố sẽ thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bí thư Thành ủy; duy trì kiểm soát chặt chẽ, đề cao kỷ cương, kỷ luật tại tất cả các chốt trên địa bàn.
Tất cả người và phương tiện không thuộc diện ưu tiên theo quy định không được vào thành phố. UBND thành phố cũng sẽ chỉ đạo các lực lượng tăng cường kiểm tra, kiểm soát và yêu cầu mọi người dân thực hiện đúng yêu cầu không ra khỏi nhà khi không có việc thật sự cần thiết như: Mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, khám chữa bệnh, tiêm chủng và các trường hợp khẩn cấp khác; đi công tác công vụ, làm việc tại cơ quan, công sở, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu được phép hoạt động. Ngoài các trường hợp trên, hiện tại, thành phố chưa điều chỉnh bất cứ quy định nào.
Hà Nội công bố đường dây nóng tiếp nhận phản ánh về phòng chống Covid-19.
Ngày 22/7, thực hiện các Công điện, Chỉ thị của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đã ban hành, để chủ động kiểm soát nguy cơ cao lây nhiễm và bùng phát dịch bệnh trong cộng đồng, nâng cao ý thức người dân trong việc tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh, từ ngày 22/7/2021, Sở Thông tin và Truyền thông triển khai tiếp nhận phản ánh của người dân thông qua các kênh sau:
1. Hòm thư phản ánh nguy cơ Covid-19. Địa chỉ: https://antoancovid.vn/phananhHN
2. Tài khoản Zalo "Sở Thông tin và Truyền thông TP Hà Nội" chuyên mục "Phản ánh Covid".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.