Nữ đầu bếp và những xuất cơm tình nghĩa ấm lòng giữa tâm dịch Covid-19
Danh hiệu “người tốt, việc tốt” 2022: Nữ đầu bếp và những suất cơm tình nghĩa ấm lòng giữa tâm dịch Covid-19
Kim Duyên
Thứ tư, ngày 09/03/2022 15:32 PM (GMT+7)
Thầy cô, học sinh Trường Tiểu học Hoàng Liệt luôn dành một tình cảm đặc biệt và cảm phục trước nữ đầu bếp Nguyễn Thị Thanh Trà, người đã không ngại khó khăn vất vả, hàng ngày đưa những suất cơm đến tận tay các chiến sĩ tuyến đầu chống dịch Covid-19.
Ngày 2/3/2022, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh ban hành Quyết định số 772/QĐ-UBND về việc tặng danh hiệu "Người tốt, việc tốt" năm 2022 cho 12 cá nhân.
Bà Nguyễn Thị Thanh Trà (49 tuổi) - nhân viên bếp ăn bán trú Trường Tiểu học Hoàng Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) là một trong 12 công dân xuất sắc, vinh dự được nhận bằng khen "Người tốt, việc tốt" năm 2022 của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội.
"Hậu phương" vững chắc cho hàng nghìn học sinh
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên chúng tôi lỡ hẹn gặp trực tiếp với nữ đầu bếp Nguyễn Thị Thanh Trà. Trong gia đình có thành viên là F0 nên bà Trà phải ở nhà theo dõi sức khỏe.
Tuy nhiên, cuộc điện thoại kéo dài gần 1 giờ đồng hồ giúp tôi hiểu hơn về bà, một con người gần gũi, giọng nói ấm áp. Bà Trà chia sẻ rằng, bản thân bà rất bất ngờ khi nhận được danh hiệu gương người tốt, viêc tốt.
"Chưa bao giờ tôi nghĩ mình lại được vinh dự như vậy. Không chỉ tôi, mà trong lúc đại dịch đến mọi người dân xung quanh tôi, rồi trên tivi, … thấy rất nhiều người tốt, họ đều tham gia phòng chống dịch và giúp đỡ nhau qua cơn hoạn nạn. Tôi chỉ nghĩ là mình sẽ cảm thấy vui khi làm những công việc giúp ích được cho người khác", bà Trà bộc bạch.
Với vai trò là nhân viên bếp ăn của một cơ sở giáo dục, bà Trà luôn thực hiện nghiêm ngặt quy trình chế biến, đảm bảo số lượng, chất lượng khẩu phần ăn theo quy định, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Mỗi lần giao ca, bà Trà luôn ở lại cùng với nhà bếp vệ sinh sạch sẽ, gọn gàng toàn bộ khu vực bếp mình phụ trách, thu gom và xử lý rác thải theo quy định, giữ gìn vệ sinh chung. Trước khi kết thúc ca làm việc, bà luôn kiểm tra kĩ lưỡng, tắt điện, chốt gas rồi mới yên tâm ra về.
"Những món ăn chúng tôi nấu dành cho các em học sinh luôn đảm bảo sạch sẽ, ngon, đầy đủ dinh dưỡng và cũng chưa từng xảy ra sự cố đáng tiếc nào", bà Trà nói.
Tại bếp ăn trường Tiểu học Hoàng Liệt, gas là nhiên liệu chính để sử dụng nấu chín thức ăn, vì vậy nhà bếp là nơi dễ xảy ra cháy nổ nhất. Cũng bởi vậy, để đảm bảo an toàn phòng, chống cháy nổ bà Trà thường xuyên kiểm tra kĩ trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy tại khu vực bếp ăn của nhà trường từ lúc bắt đầu vào làm việc đến lúc ra về.
"Các con học sinh đến trường là để được học tập, và nhiệm vụ chính của giáo dục là giúp học sinh hiểu biết, có được kiến thức và trưởng thành hơn. Chính vì vậy, việc đảm bảo sức khỏe, an toàn cho các em cũng là nhiệm vụ của chúng tôi", bà Trà phấn khởi nói.
Nhắc đến nữ đầu bếp của trường, bà Bích Hạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Liệt tự hào chia sẻ rằng: "Cô Trà luôn chủ động và có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc. Chúng tôi cũng rất tự hào vì việc làm nhỏ của nhân viên trong trường nhưng mang giá trị, có ảnh hưởng đến xã hội và được các cấp chính quyền ghi nhận, động viên. Tôi mong rằng những tấm gương "Người tốt, việc tốt" như cô Trà sẽ được lan toả rộng hơn, nhiều người cùng thực hiện hơn".
Cảm thấy hạnh phúc sau mỗi lần làm việc thiện nguyện
Thời gian đầu Thành phố Hà Nội thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội, kiểm soát dịch bệnh ở mức cao nhất, đường phố im lìm vắng bóng người qua lại, các cửa hàng quán xá đóng cửa, khung cảnh nhộn nhịp vốn có của Thủ đô được thay thế bởi những hình ảnh của các chốt chặn, khu kiểm soát dịch bệnh, khu phong tỏa…
Tại khu nhà bà Trà sinh sống (thôn 4 - Vạn Phúc - Thanh Trì - Hà Nội) bị phong tỏa do có ca F0 (từ ngày 29/8/2021 đến ngày 12/9/2021). Tuy nhiên nhận thấy các chiến sĩ công an, dân quân tự vệ, nơi tuyến đầu chống dịch gặp vô vàn khó khăn, vất vả nên bà đã nảy sinh ra ý tưởng nấu cơm gửi tặng các chiến sĩ.
Thế rồi, mỗi ngày bà Trà chuẩn bị khoảng 20 suất cơm mang tặng các chiến sĩ làm nhiệm vụ trực chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 tại huyện Thanh Trì.
"Tại thời điểm bị phong toả, việc mua lương thực, thực phẩm rất khó nhưng tôi vẫn luôn cố gắng mua đủ những lương thực, thực phẩm chất lượng, để bảo những suất cơm đầy đủ dinh dưỡng khi đưa tay các chiến sĩ trực chốt", bà Trà tâm sự.
Bà Trà kể, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, việc đảm giãn cách theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế để hạn chế lây lan dịch bệnh rất quan trọng. Cũng bởi vậy, bản thân bà cũng rất lo ngại bị nhiễm bệnh Covid-19, lây lan cho gia đình.
"Có lẽ đây chính là khó khăn lớn nhất của tôi khi đưa những suất cơm tận tay chuẩn bị đến các chiến sĩ trực chốt dịch. Nhưng với tinh thần trách nhiệm, cảm thông với những khó khăn của các chiến sĩ, tôi vẫn quyết tâm thực hiện việc tự mình đưa những suất cơm đến tận tay các chiến sĩ", bà Trà kể.
Gia đình là chất xúc tác lớn giúp tôi làm thiện nguyện
Sự ủng hộ từ gia đình chính là chất xúc tác lớn nhất để bà Trà thực hiện mong muốn hỗ trợ, chung tay cùng cả nước đẩy lùi dịch Covid-19. "Thực sự, tôi chưa bao giờ nghĩ mình làm vì mục đích cá nhân. Sau khi đưa ý kiến và đề xuất của mình, nhận được sự ủng hộ gia đình tôi bắt tay vào thực hiện luôn. Tôi vui và hạnh phúc hơn vì trong quá trình nấu những suất cơm được chồng và các con hỗ trợ rất nhiều", bà Trà tâm sự.
Có thể, đâu đó có người còn cho rằng: "Những danh hiệu "Người tốt, việc tốt" chỉ là trên danh nghĩa, lấy đó để làm màu, để đánh bóng tên tuổi"; nhưng với bà Trà, đó là niềm động viên, khích lệ tinh thần để bà hướng tới làm nhiều việc tốt, việc thiện nguyện hơn. Bà quan niệm rằng, tinh thần tương thân tương ái vẫn luôn hiện hữu trong mỗi người.
Việc làm thiết thực, ý nghĩa và đầy tính nhân văn của bà thể hiện tinh thần trách nhiệm, tương thân tương ái và cũng chính là góp phần nhỏ bé cùng nhân dân trả lời cho câu hỏi: "Vì sao Việt Nam chiến thắng dịch Covid-19!?".
Dịch Covid-19 thật đáng sợ, nhưng nó sẽ đáng sợ hơn khi chúng ta đơn độc một mình, không có sự chung tay, sẻ chia của cộng đồng. Sự động viên từ "hậu phương" với những suất cơm đậm vị yêu thương sẽ tiếp thêm động lực để lực lượng tuyến đầu vững tâm thực hiện nhiệm vụ, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập, lây lan trong trong cộng đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.