Thực tế cho thấy, nhiều lễ hội không còn giản dị và đầy ý nghĩa thành kính, mà đang "chao đảo" với quá nhiều mục đích, nhu cầu. Nhiều người coi dịp lễ hội là cơ hội kiếm tiền, những người khác lấy không gian lễ hội làm nơi "xả hơi", giải trí bằng những thú vui xa lạ với mỹ tục truyền thống. Lại có những lễ hội mà sự vụng về, ngớ ngẩn và không hiểu biết thấu đáo dần áp đảo những phong tục, nghi lễ văn hoá đẹp đẽ.
|
Thui bò để phục vụ du khách ở chợ Viềng (Nam Định). |
Nét đẹp bị thoái hoá
Lễ hội đền Huyền Trân diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Huyền Trân, núi Ngũ Phong, phường An Tây, TP.Huế là một ví dụ. Là lễ hội lớn, được tổ chức bài bản nhưng Lễ hội đền Huyền Trân thu hút rất ít tầng lớp trí thức và những người am hiểu về văn hóa.
Ngoài lý do lễ hội nhếch nhác, nạn ăn theo, một nguyên nhân chính của hiện trạng trên là do lễ hội khó chinh phục được tinh thần của những người có hiểu biết. Theo ông Nguyễn Hữu Thông - Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại Huế thì ở đây không có liên quan gì giữa vùng đất này và đối tượng thờ cúng.
TP.HCM có nhiều chùa nổi tiếng đẹp và linh thiêng, trở thành điểm thu hút đông khách thập phương đến viếng và cầu phúc, cầu an. Tuy nhiên, hoạt động "lễ" có truyền thống tốt đẹp này bị phai mờ bởi sự thái quá của nhiều người và những dịch vụ ăn theo bát nháo...
Tại chính điện chùa Bà ở quận 7, nhiều người chỉ kịp đốt nén nhang, cắm vào bát hương là vội bỏ chạy ra khỏi điện thờ vì không thể chịu nổi khói hương. Khói nhiều đến mức đứng cách nhau một mét đã không trông rõ người. Cảnh thắp nén nhang kính lễ trở thành cuộc đua của những người viếng chùa.
Vật chất lên ngôi?
Đến chợ Viềng, Nam Định, cả không gian như được ướp trong mùi thịt bò, thịt bê sống. Người dân đất Viềng bày lên bàn những cái đùi bê còn nóng hôi hổi, và có khi để nguyên cả "chú" bò thui to tướng, sẵn sàng xả ra từng miếng bán cho du khách. (Văn Bình)
Lối sống thực dụng, vụ lợi theo chân người đi lễ lạt, hội hè và làm cả trăm thứ dịch vụ tại đền chùa, làm nảy sinh nhiều thói tật mới. Cứ gần Tết và vào mùa hội là đâu đâu cũng thấy cảnh đổi tiền lẻ tấp nập. Ở các không gian tâm linh, nếu không đút tiền vào các hòm công đức vốn đã được đặt ở quá nhiều vị trí, người đi chùa gài, rải những tờ 500 đồng, 1.000 đồng… khắp nơi, từ tay tượng Phật đến ao nước…
Hiện tượng "hối lộ" thần phật này còn làm tốn công sức của nhiều người khác. Bởi cứ đến cuối ngày, nhà chùa, nhà đền lại phải huy động "lực lượng" thu gom tiền lẻ rồi… ngồi đếm với số lượng rất nhiều nhưng tổng giá trị không lớn mà lại mất nhiều thời gian.
Hay như trong việc tổ chức lễ hội ở nhiều cơ sở, một "bài toán tế nhị" vẫn chưa giải quyết, được gọi mỹ miều là "xã hội hoá". Đó là tổ chức và điều hành lễ hội cần kinh phí, nhưng để thêm nguồn kinh phí thì phải cho lưu hành rất nhiều dịch vụ như ăn uống, quà lưu niệm, vui chơi giải trí…
Chính sự tràn lan và ồn ào của các dịch vụ này lại làm cho lễ hội thêm lộn xộn. Hội Lim (Bắc Ninh) là một trong những ví dụ tiêu biểu cho thực trạng này. Mấy năm trước, cổng dẫn lên đồi Lim được doanh nghiệp đầu tư xây dựng bề thế, nhưng thực sự gây cảm giác khô cứng. Vì kiên cố nên chiếc cổng này có lẽ còn ở đây qua rất nhiều mùa hội nữa, làm giảm đi vẻ mềm mại của không gian nơi đây.
Mong muốn giải quyết những tiêu cực lễ hội này, nhiều hội nghị, hội thảo, tổng kết của các ban, ngành liên quan đã diễn ra lâu nay, nhưng những chuyển biến xem ra còn chậm chạp.
Ông Nguyễn Hữu Thông - Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa nghệ thuật VN tại Huế:
"Bây giờ hình thức lễ hội nặng phần quảng bá chứ không xuất phát từ ước vọng trong đời sống. Người ta đưa nhiều yếu tố quy mô, ấn tượng vào lễ hội để quảng bá nên đã đánh mất đi tinh thần lễ hội. Có những phần không nhất thiết phải có trong lễ hội nhưng vẫn được đưa vào. Khi những điều thiêng liêng và những quy định về lễ nghi chỉ còn là hình thức làm nền cho chuyện hội hè, giải trí hay dịch vụ du lịch, thì đó là dấu chấm hết cho một hoạt động văn hóa làng xã".
GS Ngô Đức Thịnh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hoá:
"Căn nguyên của những biểu hiện tiêu cực trong các hoạt động ở mùa lễ hội là do ý thức của nhiều người tham gia. Vì thế việc tiến hành kiểm tra, xử lý nặng những vi phạm là cần thiết. Điều quan trọng nhất là thay đổi quan niệm. Chẳng hạn, đâu phải anh đi chùa, đốt nhiều vàng mã là anh sẽ được nhiều tài lộc, may mắn. Vì thế, cần dựa vào cộng đồng để thay đổi nhận thức, hành động của mọi người".
Ông Tứ Hải - nhà nghiên cứu văn hoá dân gian, nguyên Phó Giám đốc Nhà hát tuồng Khánh Hòa:
"Sự biến tướng của lễ hội ở Khánh Hòa chính là sự phai nhạt của hát tuồng trong các lễ hội. Tuồng vốn là một thứ lễ, chỉ đứng sau đại lễ trong các lễ hội, giáo dục nhân dân lòng trung quân ái quốc... Nhưng nay, khi tuồng không còn có sức thu hút người dân nữa thì các lễ hội ở đây cũng phai nhạt dần trong lòng người dân bản địa".
An Sơn - Mai Khuê - Hoàng Minh (ghi)
Quang Hưng - An Sơn - Minh Phương
Vui lòng nhập nội dung bình luận.