Dành nhiều nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Đồng Hỷ
Dành nhiều nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Đồng Hỷ của Thái Nguyên
Hà Thanh - Kiều Hải
Thứ tư, ngày 22/05/2024 09:00 AM (GMT+7)
Những năm qua, việc ưu tiên các nguồn lực đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn được các cấp, ngành trên địa bàn huyện Đồng Hỷ đặc biệt quan tâm. Nhờ đó, hệ thống cơ sở hạ tầng và đời sống của bà con vùng dân tộc thiểu số ngày càng khởi sắc, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể.
Ưu tiên nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Trong giai đoạn 2019 – 2024, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) đã phát huy hiệu quả các nguồn vốn từ Trung ương, tỉnh kết hợp với huy động các nguồn lực từ huyện để tập trung đầu tư phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Theo đó, nguồn vốn chương trình từ năm 2019 đến 2020 được đầu tư, hỗ trợ cho các xã đặc biệt khó khăn, xã ATK và các xóm đặc biệt khó khăn với nhiều nội dung như: đầu tư xây mới, sửa chữa công trình cơ sở hạ tầng (giao thông, trường học, nhà văn hoá…), duy tu, bảo dưỡng công trình; hỗ trợ phát triển sản xuất, da dạng hoá sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo. Tổng nguồn vốn đầu tư là 23.278 triệu đồng.
Điểm trường Tiểu học số 2 Văn Lăng tại xóm Bản Tèn được đầu tư xây dựng khang trang. Ảnh: Hà Thanh
Xác định giao thông có vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, huyện Đồng Hỷ đã dành nhiều nguồn lực, ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông cho các xã khó khăn, nhất là vùng có đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ lớn.
Mới đây, xóm Bản Tèn (xã Văn Lăng) vừa được đầu tư và đưa vào sử dụng tuyến đường bê tông dài trên 2km, rộng 5m chạy vòng quanh xóm. Tuyến đường này được khởi công năm 2023 với tổng kinh phí 11 tỷ đồng, trích từ nguồn vốn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, vốn ngân sách tỉnh, ngân sách huyện đối ứng và các nguồn vốn huy động khác.
Tuyến đường nhựa kết nối từ Bản Tèn (xã Văn Lăng) đi xã Hoà Bình, huyện Đồng Hỷ được đầu tư xây dựng khang trang, giúp cho việc đi lại của bà con được thuận tiện. Ảnh: Hà Thanh
Chị Vương Thị Mị, người dân tộc Mông ở xóm Bản Tèn phấn khởi cho biết: "Từ khi có tuyến đường này chúng tôi vui lắm. Trước kia đây chỉ là đường mòn nhỏ hẹp vừa một người đi thì giờ xe ô tô, xe tải đi vào đã dễ dàng hơn. Từ nay trở đi bà con trong bản không còn phải lo cõng bắp, gùi hàng từ nương về nhà nữa".
Theo ông Hoàng Xuân Trường - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Văn Lăng: Hiện xã Văn Lăng có 24/24km đường trục xã được nhựa hóa, bê tông hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện; 43,4/53,4km đường trục xóm và đường liên xóm được cứng hóa; 15,6/21,3km đường ngõ, xóm được cứng hóa.
Xóm Mỏ Ba (xã Tân Long) có trên 70% đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Trong năm 2023, được sự quan tâm của huyện Đồng Hỷ xóm đã được đầu tư nâng cấp tuyến đường dài 1,3km từ UBND xã đến xóm với tổng kinh phí 10 tỷ đồng. Để thi công tuyến đường này, 23 hộ dân của xóm Làng Mới và Đồng Mẫu đã hiến trên 9.900m2 đất.
Theo thống kê sơ bộ, từ đầu nhiệm kỳ đến nay huyện Đồng Hỷ đã huy động trên 263 tỷ đồng để triển khai 150 công trình xây dựng, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa 159km đường bê tông nông thôn (trong đó có 80 công trình được triển khai ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số).
Hiệu quả từ các chương trình dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn huyện Đồng Hỷ triển khai với 10 dự án, tổng nguồn vốn đầu tư thực hiện là 121.075 triệu đồng. Trong đó, huyện Đồng Hỷ dành nhiều nguồn lực đầu tư cho các dự án hỗ trợ nhà ở, xây dựng công trình nước sinh hoạt tập trung, xây dựng khu tái định cư tập trung, đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất, đa dạng hoá sinh kế góp phần xoá đói, giảm nghèo cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Xóm Bản Tèn (xã Văn Lăng) là xóm có 100% đồng bào dân tộc Mông với tỷ lệ hộ nghèo cao. Để giúp bà con vươn lên thoát nghèo, hai năm trở lại đây, mô hình liên kết trồng và tiêu thụ sâm Bố Chính đã được triển khai tại đây, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, được bà con ủng hộ, đón nhận.
Mô hình trồng sâm bố chính tại Bản Tèn giúp tạo sinh kế như bà con người dân tộc Mông. Ảnh: Nguyễn Hằng
Năm 2023, Công ty CP V-Ginseng đã triển khai mô hình liên kết trồng, tiêu thụ sâm Bố Chính tại xóm Bản Tèn với quy mô 3ha, trong đó có 4 hộ dân tham gia. Các hộ được Công ty hỗ trợ 100% về giống, phân bón hữu cơ, tập huấn kỹ thuật canh tác và bao tiêu sản phẩm.
Gia đình ông Vương Văn Minh, xóm Bản Tèn - Một trong những hộ đầu tiên tham gia dự án cho biết: "Sau khi bán hoa và củ sâm, gia đình thu về được trên 50 triệu đồng. Trong suốt thời gian trồng đến khi thu hoạch, cán bộ của công ty và địa phương luôn cầm tay chỉ việc, hướng dẫn, động viên bà con. Nhận thấy hiệu quả kinh tế nên trong năm 2024 ngoài 4 hộ tham gia trước đó, sẽ có thêm hàng chục hộ dân đăng ký trồng sâm với tổng diện tích 7ha".
Chị Nguyễn Thị Hằng - Giám đốc công ty cổ phần V-Ginseng cho biết: Sâm Bố Chính là loại cây thảo dược có nguồn gốc từ Quảng Bình, cho thu hoạch hoa làm trà, củ ngâm mật ong, ngâm rượu, chế biến làm nước cốt lẩu, chiết xuất làm dược phẩm bồi dưỡng sức khỏe.
Theo chị Hằng, chất đất núi đá ở Bản Tèn có mùn hữu cơ tự nhiên rất tốt và biên độ ngày đêm của thời tiết nơi đây cũng phù hợp với cây sâm bởi ngày nắng nóng bình thường nhưng đêm lạnh sâu, phù hợp để tạo ra củ sâm có dược tính tốt hơn các vùng khác.
"Năm 2024 công ty chúng tôi rất mong muốn được các sở, ban, ngành hỗ trợ để mở rộng vùng nguyên liệu. Chúng tôi cũng muốn các sản phẩm của Bản Tèn đạt OCOP giúp nâng cao cuộc sống cho bà con nơi này", chị Hằng cho hay.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt - Phó Chủ tịch UBND xã Văn Lăng thông tin: "Trong thời gian tới, công ty cổ phần V-Ginseng sẽ tiếp tục giúp đỡ và mở rộng mô hình cho các hộ tại Bản Tèn cũng như các xóm lân cận cho đồng bào khó khăn để bà con vừa tận dụng được nguồn đất của địa phương lại vừa thực hiện thí điểm nhân rộng mô hình nhằm nâng cao sản xuất và đời sống kinh tế cho bà con tại địa phương".
Bằng những nguồn lực đầu tư cụ thể, thiết thực, chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022 – 2025 trên địa bàn huyện Đồng Hỷ đã có những chuyển biến tích cực, góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo. Trong 2 năm 2022 và 2023 huyện Đồng Hỷ giảm 998 hộ nghèo đa chiều là người dân tộc thiểu số, tương ứng với 8,38%, vượt kế hoạch đề ra (3%/năm).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.