Đánh thức đất rừng

Thứ tư, ngày 18/05/2011 21:33 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH đang tiếp sức cho nhiều hộ trồng rừng ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Ninh.
Bình luận 0

Trong cơ cấu dư nợ 6 chương trình tín dụng ưu đãi trên địa bàn huyện Hoành Bồ thì chiếm phần lớn là chương trình cho vay hộ nghèo và cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn. Theo bà Dương Thị Lý - Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện, vốn ưu đãi từ 2 chương trình tín dụng này đã giúp nhiều hộ ND khá lên nhờ trồng rừng và chăn nuôi con đặc sản dựa vào ưu thế rừng.

Khấm khá nhờ rừng

img

Gia đình ông Bàn Xuân Hưng, xã Đồng Lâm khai thác rừng gỗ keo.

Giờ đây, các xã vùng cao huyện Hoành Bồ gần như không còn đồi núi trọc. Đồng Lâm là một trong những xã có phong trào trồng rừng kinh tế mạnh của huyện Hoành Bồ. Trong số hơn 11.500ha đất tự nhiên của xã thì diện tích rừng trồng chiếm xấp xỉ 40%. Nhiều hộ trồng rừng không chỉ thoát nghèo mà đã khấm khá.

Chúng tôi có mặt tại vạt rừng keo đang khai thác của gia đình ông Bàn Xuân Hưng, xóm Đèo Đọc. Trên các sườn đồi, hàng chục nhân công đang chặt keo lai. Cây sau khi được bóc vỏ, thân gỗ trắng phau chuyển xuống chân đồi xếp ngay ngắn chờ ô tô đến bốc chở đi. Vạt rừng keo 10ha này, ông Hưng trồng cách đây 5 năm bằng vốn vay Ngân hàng CSXH. “Với giá bán hiện nay hơn 700.000 đồng/tấn, mỗi ha keo lai sẽ cho thu nhập gần 30 triệu đồng. Trừ tất cả các chi phí, chắc nhà tôi cũng bỏ túi được hơn 150 triệu đồng”- ông Hưng cho hay.

Ông Triệu Đức Hồng- Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Lâm cho biết: “Bình quân diện tích rừng trồng của mỗi hộ từ 2-3ha. Xã hiện nay không còn đất đồi núi trọc. Khai thác lứa gỗ này xong, bà con tổ chức trồng ngay lứa mới. Gỗ keo rừng được giá, dễ bán nên người dân chịu đầu tư cho đất rừng hơn. Tổng số dư nợ vốn tín dụng Ngân hàng CSXH trên địa bàn xã hiện khoảng hơn 10 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là cho hộ nghèo, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn vay để đầu tư trồng rừng”.

Giảm nghèo bền vững

Tổng dư nợ các chương trình tín dụng ưu đãi trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện đạt hơn 1.300 tỷ đồng với gần 100.000 hộ đang vay vốn. Nguồn vốn ND đầu tư trồng chủ yếu từ 2 chương trình cho vay hộ nghèo và cho vay hộ SXKD vùng khó khăn với dư nợ hơn 774 tỷ đồng.

Trồng rừng không chỉ mang lại thu nhập cho chủ rừng, mà còn tạo việc làm cho nhiều ND. Để thu hoạch 10ha rừng keo lai, ông Hưng phải huy động hàng chục nhân công trong xóm, ngoài xã. Thu nhập của mỗi lao động từ 100.000 -150.000 đồng/ngày. Các hộ trồng rừng với diện tích lớn thường tụ thành một nhóm. Gia đình nào thu hoạch gỗ thì lao động của nhóm đến giúp.

Bà Dương Thị Lý chia sẻ: “Vốn ưu đãi của Chính phủ đang giúp bà con các dân tộc trên địa bàn huyện có nguồn lực đầu tư, tự tạo việc làm để từ đó giảm nghèo và làm giàu”.

Theo ông Nguyễn Xuân Hoà - Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Quảng Ninh, trồng rừng kinh tế phủ xanh đất trống, đồi trọc được Tỉnh uỷ, UBND tỉnh coi là một trong các giải pháp hữu hiệu giảm nghèo, phát triển nông thôn, đặc biệt là nông thôn miền núi. Trồng rừng, bà con có điều kiện phát triển chăn nuôi các con đặc sản, nhiều nhất là nuôi nhím, kỳ đà, lợn rừng...

“Trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều nhà máy nguyên liệu giấy, ván dăm xuất khẩu, ván ép MDS. Gỗ rừng còn là nguồn nguyên liệu cung cấp cho các mỏ than để làm gỗ chống lò và cung ứng cho thị trường gỗ dân dụng... nên đầu ra của sản phẩm rừng ổn định”- ông Hoà cho biết.n

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem