Ngày bé, thỉnh thoảng tôi nghe bố mắng các chị gái mỗi khi ngủ dậy muộn: “Chè pha lại, gái ngủ trưa”, chả ra làm sao cả.
Chè pha lại thường luễnh loãng vô vị, gái ngủ trưa là gái lười biếng, đại loại như vậy.
Nông thôn khi ấy cũng không có việc gì nhiều, hết mùa vụ thì đi hái củi chất đống dự trữ để đun dần. Cũng có khi bà con đi hái măng, kiếm tí rau rừng… Những việc như thế thường phải dậy từ tinh mơ, đi làm từ sớm. Lao động tích cóp, và cũng từ đấy hình thành những câu thành ngữ định vị cho những giá trị.
Xưa, con gái bị nhắc nhở như vậy xấu hổ lắm.
Bây giờ thì khác, gái ngủ trưa là chuyện bình thường.
Có lần tôi hỏi một cô bé giải thích câu thành ngữ trên, cô bảo: chè pha lại chắc là nước chè sẽ ngon phải không chú, vì pha lại chè mới ngấu. Còn gái ngủ trưa là phản ánh tinh thần thời đại. Bọn chúng cháu giờ hay thức khuya và sáng ra thường ngủ nướng, nếu không phải đi làm…
Cũng không biết làm sao, vì cô bé ấy là người thành thị, con công chức. Nó đâu có biết ruộng đồng và những việc vặt của người nhà nông. Câu thành ngữ trên là từ nông thôn, đâu phải từ thành thị.
Cũng có thể nó giải thích sai, nhưng cũng có thể gọi là ngụy biện.
Lại có chuyện ông lãnh đạo nọ khi làm việc phê duyệt với đối tác, cứ mười, mười lăm phần trăm đòi chi lại tùy dự án lớn nhỏ. Một bạn đồng liêu hỏi: Vậy có phải mình nhũng nhiễu không.
Anh cười: Đây sao lại gọi là tham nhũng. Họ làm kiếm gấp mươi mười lăm lần với cánh ngồi văn phòng. Số phần trăm kia là “phân phối lại”. Đó là hình thức trực tiếp với mình nhanh hơn. Với lại các cụ đã nói: “Thợ may ăn giẻ, thợ vẽ ăn hồ”. Ngành nào nghề nào mà chả phải kiếm tí chút.
Ở trên cô bé giải thích sai thành ngữ hoặc là do không biết, hoặc là do ngụy biện để chữa cho cái tật xấu của mình nhẹ đi. Nhưng bên dưới câu giải thích của ông lãnh đạo có học thì hoàn toàn là chủ động để ngụy biện cho cái việc tham nhũng của mình. Đó là sự đánh tráo khái niệm. Sự đánh tráo khái niệm này không phải do thiếu hiểu biết mà là quá hiểu biết, nhằm che đậy hành vi bất lương của mình, lâu ngày được coi là đương nhiên.
Mua quan bán tước từ đây mà ra. Lâu rày người ta yên tâm với sự đánh tráo này và coi đó là chuẩn mực. “Chuẩn mực” của thời lạm quyền và tha hóa.
Đỗ Đức (Đỗ Đức)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.