Đạo diễn "Đất rừng phương Nam" lần đầu nói lý do dùng tên "Thiên Địa hội" trong phim
Đạo diễn "Đất rừng phương Nam" nói rõ lý do đưa Thiên Địa hội vào phim gây tranh cãi gay gắt
Hà Thúy Phương
Thứ ba, ngày 17/10/2023 15:17 PM (GMT+7)
Đạo diễn của phim "Đất rừng phương Nam" Nguyễn Quang Dũng có cuộc trò chuyện với Dân Việt xoay quay việc bộ phim vướng phải ồn ào làm sai lệch lịch sử khi đề cao vị thế Thiên Địa hội và Nghĩa Hòa đoàn.
Mặc dù Đất rừng phương Nam đã có những chỉnh sửa nhưng nhiều khán giả vẫn thắc mắc tại sao phim lại chọn tên hội nhóm Thiên Địa hội vào phim để gây ra những liên tưởng vừa qua? Anh có lường trước được phản ứng của khán giả về chuyện này không?
- Ban đầu tôi cũng không nghĩ khán giả sẽ phản ứng nhiều như vậy với chi tiết Thiên Địa hội. Lý do chọn tên Thiên Địa hội vì phim lấy cảm hứng từ tiểu thuyết Đất rừng phương Nam và bản phim truyền hình Đất phương Nam. Trong bản phim truyền hình của đạo diễn Vinh Sơn và cố vấn là nhà văn Sơn Nam cũng có nhân vật ông Tiều thuộc Thiên Địa hội. Cùng với việc chỉnh sửa thời gian của phim điện ảnh là 1920 – 1930 so với tiểu thuyết là 1945 chúng tôi chọn ông Tiều là nhân vật được nói đến trên đường lưu lạc của bé An.
Tôi muốn dùng câu chuyện đó để nói rằng, vùng đất miền Nam có nhiều sắc tộc, có nhiều người tới khai hoang trong đó người bản địa, người Hoa, Khơ-me... Trên đường lưu lạc của bé An trải qua rất nhiều các hội nhóm, những văn hóa, gia đình và con người khác nhau để có những trải nghiệm của em về văn hóa của vùng đất này.
Tôi cho rằng, phim không phải là tài liệu để chuyển tải chính xác lịch sử. Các phim có bối cảnh lịch sử của nước ngoài sẽ thấy gần như không có phim nào chính xác một cách hoàn toàn lịch sử. Tiểu thuyết cũng không phải là tài liệu để nghiên cứu chính xác về lịch sử.
Khi dựa trên bản truyền hình tôi thấy điều đó hay vì tình người không quan trọng ở bang hội nào. Vì ở bản truyền hình chi tiết đã được chấp nhận và nhắc đến. Trong tư liệu lịch sử cũng có Thiên Địa hội ở thế kỷ 19 sang Việt Nam sau đó thành hội kín, nên khi dùng tên đó tôi nghĩ nó khắc họa rõ nhóm người Hoa của phim.
Có ý kiến cho rằng Thiên Địa hội được đề cao trong phim, anh nghĩ gì về ý kiến này?
- Tôi thấy mọi người nói phim đề cao Thiên Địa hội thật ra không đúng. Nếu ai xem phim sẽ thấy nhóm Thiên Địa hội chỉ là một nhóm trong rất nhiều nhóm khởi nghĩa của thời bấy giờ khi các hội nhen nhóm lòng yêu nước. Chúng tôi không có ý đề cao nhóm hay bang hội nào.
Suy nghĩ của anh thế nào khi nhận phản ứng gay gắt của nhiều khán giả?
- Khi phim công chiếu đã làm nảy sinh nhiều liên tưởng và hiểu nhầm từ phía khán giả, đoàn phim ghi nhận những góp ý đó rất chân thành. Mong muốn của bộ phim này là kể lại một câu chuyện tình người ở vùng đất rất đẹp chứ không làm phim vì đề cao một nhóm nào. Những chi tiết khán giả góp ý thật ra để sửa rất khó khăn khi bộ phim đã ra rạp. Khi đóng phim xong thì diễn viên cũng có những việc khác. Nhưng may mắn là diễn viên rất thương phim nên họ đã trở lại giúp đoàn phim sửa lại việc đó. Chúng tôi đã hết mình để cố gắng hoàn thành việc này. Chúng tôi đã thay đổi các câu thoại đổi tên 2 nhóm thành 2 cái tên khác không dính dáng đến hội nhóm nào.
Tôi cũng xác định trước mỗi bộ phim hay tiểu thuyết không phải là mình có quyền chỉnh sửa nhưng cũng có thể nhìn nó ở các góc độ khác. Cùng lúc ra mắt phim này, tiểu thuyết Đất rừng phương Nam cũng được tái bản, hiện nay mọi người cũng rất quan tâm. Tôi nghĩ khán giả khi xem phim họ sẽ tìm đọc lại tiểu thuyết, họ sẽ tìm hiểu về lịch sử. Các hình thức đó cũng làm cho khán giả cảm thấy thú vị hơn.
Đoàn phim đã có sự thỏa thuận như thế nào với gia đình nhà văn Đoàn Giỏi về bản quyền?
- Đoàn phim đã gặp gia đình nhà văn Đoàn Giỏi, có xin phép và ký hợp đồng với gia đình để có bản quyền giống như các dự án khác. Khi mua bản quyền chúng tôi được quyền thay đổi kịch bản. Thực ra, tôi nghĩ ai cũng hiểu là phim và văn học là hai hình thức khác nhau.
Các nhà làm phim cũng bênh vực bộ phim và cho rằng nên tôn trọng sự sáng tạo của nghệ sĩ, bên cạnh đó khán giả cũng nói cần tôn trọng tư liệu lịch sử. Sau vụ việc này, anh có suy nghĩ gì về ranh giới của 2 khía cạnh trên?
- Tôi nghĩ nền điện ảnh Việt Nam cũng rất thích các bộ phim dựa trên bối cảnh lịch sử và những bộ phim như thế cũng không có nhiều. Trong thời điểm này, mọi người sẽ chú ý, soi xét hơn. Khi khách hàng khó tính, những người làm phim mới phát triển nghề nghiệp được. Thật ra, qua góp ý của khán giả mỗi ngày chúng tôi cũng cố gắng hơn.
Tất nhiên chúng ta cũng thấy điện ảnh hiện đại không nhìn bộ phim như tư liệu lịch sử. Đó là một loại hình sáng tạo nên về luật, phim không có sứ mệnh như vai trò tư liệu lịch sử. Cho nên tôi mong khán giả và các nhà lãnh đạo hãy nhìn phim như một loại hình nghệ thuật và lịch sử có chỗ đứng riêng.
Khi bộ phim chiếu ra, có điều gì chưa đúng hoàn toàn thì các nhà nghiên cứu lịch sử lên tiếng là điều đúng đắn vì các bạn trẻ cũng cần biết lịch sử. Nhưng tôi nghĩ rằng, để đề nghị dừng phim hay tiêu cực hơn thì thật đáng thương cho người làm phim.
Phim và nghiên cứu lịch sử là khác nhau. Sự tranh cãi là cần thiết, bản thân những tài liệu lịch sử vẫn còn có sự tranh cãi, các nguồn tài liệu lịch sử cũng khác nhau, nhà nghiên cứu cũng tranh cãi mỗi ngày để có sự chính xác và nhiều góc nhìn hơn. Cho nên, những phản biện của các nhà nghiên cứu lịch sử và khán giả, đoàn phim rất ghi nhận và rất biết ơn. Đoàn phim vẫn nỗ lực hết mình để làm sao khán giả và người làm phim đồng cảm với nhau hơn. Chúng tôi cũng sẽ phải thận trọng và tìm hiểu kỹ hơn với thể loại phim này trong thời gian sau này.
Được biết kịch bản bộ phim trải qua quá trình chỉnh sửa lên tới khoảng 10 lần, vậy những lần chỉnh sửa đó là về vấn đề gì?
- Từ một tiểu thuyết đồ sộ và bản phim truyền hình rất dài, trong thời lượng 2 tiếng của phim điện ảnh chúng tôi phải thay đổi, phân chia tuyến nhân vật nào trở thành chính, tuyến nào phụ, tuyến nào phải để lại để có cơ hội làm phần 2, phần 3. Bởi vì tuyến nhân vật rất nhiều trong cả 2 tác phẩm đó chúng tôi không thể nào dồn vào hết phim điện ảnh, mà thiếu thì khán giả cũng nhắc. Cho nên chúng tôi phải sắp xếp lâu như vậy.
Một bộ phim nói về thời kỳ xa xưa đầu thế kỷ 20 có rất nhiều khó khăn, tính toán chi tiết nào vừa hấp dẫn, vừa hoành tráng nhưng trong khả năng của mình làm được. Chúng tôi vừa đi chọn cảnh vừa đi tìm phương án và vừa chỉnh sửa kịch bản sao cho phù hợp với khả năng của mình.
Chúng tôi cũng mong muốn là phim này được đến với đông đảo khán giả. Vì chúng ta cũng biết những đề tài này làm tốt là một chuyện nhưng làm sao để thu hồi vốn là chuyện khó khăn. Vì thể loại này rất tốn tiền để có cơ hội làm phim tiếp theo. Cho nên đó là lý do mà trong nhiều năm chúng tôi đã phải tính toán chuyên môn, nghề nghiệp, tính khả thi,... tốn thời gian như vậy.
Xin cảm ơn đạo diễn Nguyễn Quang Dũng!
Trước sức nóng của dư luận và sau khi được Cục Điện ảnh thẩm định lại, Đất rừng phương Nam đã có sự thay đổi để làm rõ ý đồ từ phía nhà làm phim, tránh những sự hiểu lầm, liên tưởng đáng tiếc.
Cụ thể phim điện ảnh Đất rừng phương Nam sẽ có chỉnh sửa như sau:
Dòng chữ “Lấy cảm hứng từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Đoàn Giỏi và bộ phim Đất phương Nam” được đưa lên đầu phim. Sự điều chỉnh này để làm rõ sự tương đồng về bối cảnh không gian và thời gian (vào những năm 1920 – 1930) của phim điện ảnh Đất rừng Phương Nam và phim truyền hình Đất phương Nam. Bối cảnh này khác với bối cảnh không gian, thời gian của tiểu thuyết Đất rừng phương Nam của Nhà văn Đoàn Giỏi (vào năm 1945).
Bổ sung thêm nội dung cho câu giới thiệu “Hành trình vẫn còn phía trước” thành “Hết Phần 1 - Hành trình vẫn còn phía trước”. Sự điều chỉnh này nhằm khẳng định rõ hơn dự định của nhà sản xuất cho phần 2 kể về hành trình của nhân vật An trong tương lai.
Điều chỉnh cụm từ “Nghĩa Hoà đoàn” thành “Nam Hoà đoàn”, “Thiên Địa hội” thành “Chính Nghĩa hội” trong tất cả các câu thoại liên quan tới hai cụm từ này trong phim điện ảnh Đất rừng Phương Nam. Các tình tiết phim liên quan tới hai cụm từ trên đều là những tình tiết hư cấu được lấy cảm hứng từ các sự kiện trong lịch sử. Việc chỉnh sửa này nhằm tránh mọi liên tưởng không đúng về hai cụm từ này.
"Các đơn vị đồng sản xuất thống nhất về quan điểm với đoàn làm phim và chúng tôi mong muốn thông qua việc chỉnh sửa như trên, khán giả sẽ được tiếp cận và trải nghiệm tốt nhất bộ phim điện ảnh Đất rừng Phương Nam. Chúng tôi khẳng định rằng những chỉnh sửa nêu trên không làm thay đổi nội dung của bộ phim. Bản phim Đất rừng Phương Nam đã được chỉnh sửa và trình lên Cục Điện Ảnh theo đúng quy định của pháp luật.
Chúng tôi xin cam đoan các bản phim của bộ phim Đất rừng Phương Nam sẽ được chỉnh sửa như trên bắt đầu từ ngày 16/10/2023" - đại diện phim Đất rừng phương Nam cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.