Đạo diễn Lê Quý Dương huy động 500 diễn viên biểu diễn trong lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hoá

Huy Hoàng Thứ năm, ngày 18/04/2019 17:12 PM (GMT+7)
Đạo diễn Lê Quý Dương tiết lộ, chương trình kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa huy động lực lượng nghệ sỹ, diễn viên hơn 500 người, trong đó có 99 thiếu nữ xinh đẹp như những tiên nữ cầm lư hương trầm bước vào không gian sử thi của chương trình
Bình luận 0

Chiều 18.4, đạo diễn Lê Quý Dương có buổi gặp gỡ báo chí để chia sẻ về chương trình kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa mà anh vừa là tổng đạo diễn vừa là tác giả kịch bản chương trình.

img

Đạo diễn Lê Quý Dương chia sẻ với báo chí về chương trình kỷ niệm 990 năm Thanh Hoá

Đạo diễn Lê Quý Dương cho biết, chương trình nghệ thuật với chủ đề “Tỏa sáng cùng non sông đất nước” được chia làm 3 chương với 9 trường đoạn liên tục và liền mạch gồm: Địa linh nhân kiệt – Truyền thống anh hùng – Khát vọng thịnh vượng. Chương I: Địa linh nhân kiệt với các trường đoạn: Cội nguồn xứ sở - Hội thề Đồng cổ - Gọi tên quê hương. Chương II: Truyền thống anh hùng với các trường đoạn: Bài ca giữ nước – Kỳ tích Hàm Rồng – Tỏa sáng cùng non sông đất nước. Chương III: Khát vọng thịnh vượng với các trường đoạn: Nghị lực vươn lên – Đổi mới phát triển – Khát vọng thịnh vượng.

Chương trình có sự tham gia của các nghệ sĩ nổi tiếng như: NSND Hương Thơm, NSND Trương Hải Thọ, nhạc sỹ NSƯT Thế Việt, NSND Trần Bình (Đạo diễn dàn dựng các trường đoạn), NSƯT Mạnh Tiến (Giám đốc Âm nhạc), Họa sỹ Phạm Duy Phương (Xây dựng ý tưởng thiết kế sân khấu), NSƯT Nguyễn Đạt Tăng (Thực hiện Sân khấu). NSƯT Trọng Tấn, NSƯT Anh Thơ, NSƯT Huyền Trang, NSƯT Lê Anh Dũng. Các biên đạo múa Thiên Lãng, Thanh Hải, Tùng Dương, Nguyễn Thùy, đến từ TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Thanh Hóa. Cùng đó là sự tham gia biểu diễn của Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam, Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Thanh Hóa, Nhà hát Lam Sơn, Đại học VHTTDL Thanh Hóa, Đại học Hồng Đức, CLB Tuồng Thăng Long Hà Nội và các võ sinh võ cổ truyền Việt Nam.

img

Đạo diễn Lê Quý Dương cho biết, chương trình dài 90 phút được truyền hình trực tiếp, trong đó chỉ có 50 phút biểu diễn nghệ thuật, là một chương trình khó nhất với anh về mặt nội dung.

“Để nêu bật 990 năm Thanh Hoá, từ các vua Hùng, Bà Triệu, thời Lý, Trần, hậu Lê, Trịnh, Nguyễn, thời kỳ kháng chiến chống Thực dân Pháp, Đế quốc Mỹ, đến thời nay phát triển thịnh vượng, bởi dung lượng lịch sử quá lớn, nên tôi chỉ chọn ra những cái nào tiêu biểu nhất, lấy những gì tinh tuý nhất để làm sao gói gọn được thông tin lịch sử hào hùng đó. Tổng thể không gian sân khấu là sự kết hợp giữa mỹ thuật sắp đặt tĩnh và động với kỹ thuật hiện đại. 

Và điểm nhấn của chương trình là tôn vinh Thần trống Đồng hiện còn được thờ ở đền Đồng Cổ, ngôi đền lâu đời nhất trên xứ Thanh. Trên sâu khấu sẽ có một trống đồng thật của Đông Sơn.

Câu chuyện được biểu tượng hóa thành câu chuyện kể của Thần Đồng cổ. Từ mặt trống đồng trung tâm mở ra hai phía là các di tích văn hóa lịch sử xưa và các công trình hiện đại hôm nay như đền Đồng Cổ, thành nhà Hồ, tượng đài Lê Lợi (bên trái), mô hình biểu tượng của tỉnh, cầu Hàm Rồng và các khu công nghiệp hiện đại (bên phải). Bao quanh sân khấu là 27 cột đuốc sừng sững tượng trưng cho 27 đơn vị hành chính của Thanh Hóa”, đạo diễn Lê Quý Dương nói.

Theo đạo diễn Lê Quý Dương, đây là một chương trình sử thi, nhấn mạnh vào tính thiêng liêng, gắn với nhiều anh hùng dân tộc, khai thác tính hiển linh, như Thần Đồng cổ hiển linh, vua Lý Thái Tổ xuất hiện, Lê Lợi hiển linh có đọc lời Bình Ngô đại cáo, đọc những lời của tiền nhân, tạo thành không khí sử thi. Trong không gian vang vọng của Thần Đồng cổ, với hiệu ứng ánh sáng vàng, xuất hiện 99 thiếu nữ xinh đẹp như những tiên nữ cầm lư hương trầm bước vào không gian sử thi, giống như câu chuyện được Thần Đồng cổ kể lại. Trên mặt trống đồng có hoạ tiết của trống đồng Đông Sơn, dùng đồ hoạ 3D có đèn LED, tạo cảnh như đàn chim hạc bay lên rồi câu chuyện được kể.

Được biết, Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo, UBND và Sở VHTTDL tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức một hội đồng cố vấn bao gồm các nhà nghiên cứu lịch sử hàng đầu của Việt Nam đến từ Viện Sử học và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Thanh Hóa để trao đổi, bàn luận và phản biện với một tinh thần hết sức khách quan và khoa học. Tên chương trình “Lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa” cũng được cân nhắc và nghiên cứu thấu đáo trong tương quan hình thành và phát triển của các miền đất khác trên địa bàn cả nước, trước khi được chính thức quyết định.

Lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa sẽ đượcdiễn ra tại quảng trường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa vào 20h ngày 8.5.2019 và được truyền hình trực tiếp trên VTV và Đài PTTH Thanh Hóa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem