Đào, phở và piano lập kỷ lục phòng vé, Thứ trưởng Bộ Văn hóa nói về hiện tượng phim Nhà nước
Thứ trưởng Bộ Văn hóa nói về hiện tượng phim Nhà nước lập kỷ lục phòng vé
Thứ ba, ngày 12/03/2024 10:33 AM (GMT+7)
"Bộ VH-TT&DL sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý về phổ biến, phát hành phim sử dụng ngân sách Nhà nước...", Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh.
Đào, phở và piano là phim Nhà nước nằm trong kế hoạch phát hành, phổ biến thí điểm một số phim sản xuất sử dụng ngân sách Nhà nước do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) ban hành.
Thời gian qua, phim tạo ra cơn sốt "săn vé" với khán giả Hà Nội và TPHCM khi Beta Cinemas, Cinestar và một số rạp khác công bố phát hành.
Tính đến 11/3, Đào, phở và piano đã thu được hơn 14 tỷ đồng (theo Box Office Việt Nam - đơn vị thống kê độc lập), kết quả này chưa tính doanh thu bán vé trực tiếp tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia. Như vậy, theo các chuyên gia, Đào, phở và piano sẽ cán mốc hơn 15 tỷ doanh thu.
Thành công của Đào, phở và piano mở ra những tín hiệu vui cho phim lịch sử nói riêng và điện ảnh Việt nói chung. Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều ý kiến xoay quanh bất cập về cơ chế phát hành, phổ biến phim sử dụng ngân sách Nhà nước.
Phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Tạ Quang Đông - Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL về những vấn đề này.
Thời gian qua, tác phẩm điện ảnh "Đào, phở và piano" gây sốt và xôn xao dư luận. Có thể nói, đây là lần đầu tiên một phim lịch sử làm từ ngân sách Nhà nước lại tạo được hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ và lập kỷ lục phòng vé như vậy. Bộ VH-TT&DL nhìn nhận sự kiện này như thế nào?
- Thứ trưởng Tạ Quang Đông: Phim lịch sử Đào, phở và piano của đạo diễn Phi Tiến Sơn do Bộ VH-TT&DL, Cục Điện ảnh đặt hàng Công ty cổ phần Phim truyện I sản xuất.
Phim không chỉ khắc họa chân thực sự khốc liệt của chiến tranh mà còn đi sâu vào tìm hiểu, lý giải cốt cách, phẩm chất người Hà Nội, tôn vinh tình yêu với cái đẹp, những đam mê tao nhã, khí chất lãng tử và lòng yêu nước.
Đào, phở và piano từng giành được giải thưởng Bông sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23 tổ chức ở Đà Lạt hồi tháng 11/2023.
Có thể nói, bộ phim đã đón nhận được sự ủng hộ rất chủ động, thiện chí, công tâm của các cơ quan báo chí, truyền thông trong cả nước.
Bên cạnh đó, không gian mạng, nhất là các trang mạng xã hội đã góp phần rất tích cực trong việc tuyên truyền về giá trị, ý nghĩa và thông điệp của bộ phim đến khán giả, nhất là giới trẻ.
Nhờ đó, số lượng khán giả tham gia tương tác và thảo luận về bộ phim ở các hội nhóm, trang mạng xã hội luôn rất cao, nhu cầu được xem phim tăng nhanh, dẫn đến tình trạng cháy vé cục bộ.
Đây là tín hiệu rất đáng mừng với điện ảnh nước nhà nói chung và phim Nhà nước đặt hàng nói riêng, bởi dòng phim về đề tài lịch sử vốn khó làm và kén người xem.
Từ hiện tượng Đào, phở và piano và trước đó là Đất rừng phương Nam cho thấy, nhu cầu xem phim lịch sử của người Việt Nam rất lớn. Không chỉ phim điện ảnh, phim hoạt hình lấy cảm hứng từ đề tài lịch sử cũng đang chinh phục khán giả, điển hình là phim Nữ tướng Mê Linh (Giải thưởng Ban giám khảo Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23, Cánh diều Bạc 2022), Bạch Đằng nổi sóng, Đại Hành Hoàng đế, Kỳ tích đầm Dạ Trạch .
Phim Đào, phở và piano thu hút sự quan tâm của khán giả cả nước trong thời gian qua chính là động lực để các nghệ sĩ có thêm niềm cảm hứng và quyết tâm sản xuất thêm nhiều phim về đề tài lịch sử, đáp ứng nhu cầu của khán giả và Nhân dân cả nước.
Đây cũng là thước đo thể hiện điện ảnh Việt Nam đã đi đúng hướng, tuyên truyền và lan tỏa giá trị văn hóa, giá trị lịch sử qua điện ảnh, tiếp cận được đông đảo khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ; giúp thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam phát triển mạnh mẽ, thực hiện tốt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ.
Từ trái sang: Cao Thùy Linh (đóng vai cô tiểu thư Hà thành tên Thục Hương), Doãn Quốc Đam (vai Dân) và NSND Trần Lực (vai ông họa sĩ già) ở hậu trường phim " Đào, phở và piano" (Ảnh: Nhà sản xuất).
Thành công của phim "Đào, phở và piano" là tín hiệu đáng mừng đối với điện ảnh Việt nhất là dòng phim do Nhà nước đặt hàng. Tuy nhiên, việc Nhà nước chỉ cấp kinh phí cho sản xuất phim, còn chưa có quy định về tỷ lệ % đối với các nhà rạp dẫn đến tình trạng, nhiều nơi không mặn mà phát hành, công chúng cũng mất đi cơ hội được tiếp cận rộng rãi. Là cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ VH-TT&DL nói gì về điều này?
- Thứ trưởng Tạ Quang Đông: Phim sử dụng ngân sách Nhà nước là sản phẩm, dịch vụ công nên việc đặt hàng sản xuất phim này bên cạnh thực hiện theo pháp luật về điện ảnh còn phải thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước, pháp luật về giá và pháp luật liên quan.
Pháp luật về giá (điểm a khoản 6 Điều 10 Thông tư số 25/2014/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về phương pháp định giá chung hàng hóa) đã nêu rõ: "Đối với dịch vụ công được Nhà nước đặt hàng, giao kế hoạch sản xuất, cung ứng thanh toán từ ngân sách Nhà nước thì không được tính các khoản chi phí như: Chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, chi phí hoa hồng môi giới và đại lý".
Do đó trong kinh phí đặt hàng sản xuất phim không có chi phí quảng bá phim.
Bộ phim Đào, phở và piano được Cục Điện ảnh đề xuất đưa vào kế hoạch sản xuất phim hàng năm và cho đến nay, Cục Điện ảnh chưa đề xuất kinh phí phát hành phim cũng như cơ sở pháp lý để thực hiện phát hành rộng rãi trên hệ thống rạp đối với các phim đã đặt hàng sản xuất.
Do vậy, không có cơ sở nêu "không được bố trí kinh phí phát hành trên hệ thống rạp".
Việc bố trí kinh phí phát hành, phổ biến phim thực hiện nhiệm vụ chính trị được bố trí kinh phí hàng năm theo đúng danh mục dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch.
Trên cơ sở các quy định pháp luật chuyên ngành, nhiều năm qua, Bộ VH-TT&DL đã tập trung phổ biến các bộ phim đặt hàng phục vụ nhiệm vụ chính trị theo các kênh như: Giới thiệu, công chiếu phim sau khi phim được cấp giấy phép phân loại phim; tổ chức chiếu phim tại các Tuần phim, Đợt phim, Liên hoan phim, thông qua các Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng, Trung tâm Điện ảnh… của 63 tỉnh/thành phố.
Chúng tôi hiểu rằng, tác phẩm điện ảnh do Nhà nước đặt hàng muốn có sức lan tỏa cần phải được tiếp cận công chúng thông qua nhiều kênh phân phối.
Chính vì vậy, ngày 06/02/2024, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL đã ban hành Quyết định số 316/QĐ-BVHTTDL phê duyệt Kế hoạch phát hành, phổ biến thí điểm một số phim sản xuất sử dụng ngân sách Nhà nước tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia và một số Đài Truyền hình, Đài Phát thanh - Truyền hình trên toàn quốc .
Sau thời gian phát hành, phổ biến thí điểm này, Bộ VH-TT&DL sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý về phổ biến, phát hành phim sử dụng ngân sách Nhà nước.
Hướng tới thực hiện hài hòa các mục tiêu phục vụ nhiệm vụ chính trị; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở điện ảnh phổ biến phim sản xuất sử dụng ngân sách Nhà nước nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của công chúng, phù hợp với xu hướng phát triển điện ảnh và thống nhất, đồng bộ với các quy định của pháp luật hiện hành.
Giới chuyên môn, chuyên gia đều nhận định, để tháo gỡ nút thắt hiện tại với phim Nhà nước thì chúng ta phải có sự thay đổi về cơ chế, chính sách phù hợp với quy luật phát triển của thị trường. Nghĩa là hiện nay, đồng ý cho sản xuất thì cũng phải tạo điều kiện để phim được quảng bá, phổ biến và phát hành phim tới rộng rãi công chúng. Bộ VH-TT&DL đã có động thái nào cho việc này sau sự kiện "Đào, phở và piano"?
- Thứ trưởng Tạ Quang Đông: Trước đây, Fafim Việt Nam là công ty của Nhà nước phụ trách khâu phát hành, tuy nhiên, hiện đã cổ phần và tư nhân hóa.
Đến thời điểm này, Nhà nước không có đơn vị nào phụ trách công tác phát hành phim, Cục Điện ảnh đề xuất giao Trung tâm Chiếu phim quốc gia là đơn vị phát hành phim Nhà nước đặt hàng 100%.
Trên cơ sở các quy định pháp luật chuyên ngành (Luật Điện ảnh, Nghị định số 131/2022/NĐ-CP ngày 31/12/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh), đồng thời xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, Bộ VH-TT&DL đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát, nghiên cứu, tham mưu tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật nhằm khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở điện ảnh phổ biến phim sản xuất sử dụng ngân sách Nhà nước.
Nhằm tạo điều kiện cho phim Việt Nam được quảng bá và phát hành một cách hiệu quả, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của ngành Điện ảnh trong bối cảnh thay đổi cơ chế và chính sách.
Nhiều người cũng nói, phim Nhà nước đặt hàng sử dụng 100% ngân sách Nhà nước không quan trọng vấn đề doanh thu vì sao không công chiếu miễn phí cho toàn thể người dân được xem?
- Thứ trưởng Tạ Quang Đông: Thắc mắc của nhiều người về vấn đề phim đặt hàng sử dụng 100% ngân sách Nhà nước không quan trọng vấn đề doanh thu, vì sao không công chiếu miễn phí cho toàn thể người dân được xem là chưa hoàn toàn chính xác.
Theo quy định của Luật Điện ảnh, các phim sản xuất sử dụng ngân sách Nhà nước được phát hành và phổ biến nhằm phục vụ nhiệm vụ chính trị.
Thông lệ từ nhiều năm nay của ngành VH-TT&DL, các phim sử dụng 100% ngân sách Nhà nước sản xuất ra sau khi được cấp phép sẽ được trình chiếu tại các Tuần phim, Đợt phim phục vụ nhiệm vụ chính trị, các ngày lễ lớn của đất nước.
Phim gửi đến các Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng, Trung tâm Điện ảnh… của 63 tỉnh/thành phố để công chiếu phục vụ đông đảo quần chúng Nhân dân, đặc biệt là vùng cao, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Rất nhiều bộ phim sau khi phổ biến rộng rãi theo hình thức trên đã được trình chiếu trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Phát thanh - Truyền hình các tỉnh, thành phố.
Xin cảm ơn Thứ trưởng vì những chia sẻ!
Đào, phở và piano là phim điện ảnh của đạo diễn Phi Tiến Sơn do Bộ VH-TT&DL, Cục Điện ảnh đặt hàng Công ty cổ phần Phim truyện I sản xuất. Phim tái hiện Hà Nội 60 ngày đêm khói lửa.
Chuyện phim kể về câu chuyện tình yêu của anh tự vệ (Doãn Quốc Đam đảm nhận) và cô tiểu thư Hà thành (Cao Thùy Linh đóng). Họ đã vượt qua gian khó hiểm nguy để tìm lại nhau vào ngày cuối cùng của cuộc chiến (ngày 17/2/1947), khi quân ta rút ra chiến khu bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ.
Phim còn có sự tham gia của những gương mặt quen thuộc như: NSND Trung Hiếu, đạo diễn Trần Lực, diễn viên Anh Tuấn, ca sĩ Tuấn Hưng...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.