Hiện tượng "Đào, phở và piano" hay "cơ hội vàng" cho phim Nhà nước đặt hàng
Hiện tượng "Đào, phở và piano" hay "cơ hội vàng" cho phim Nhà nước đặt hàng
Hà Tùng Long
Thứ sáu, ngày 01/03/2024 15:23 PM (GMT+7)
"Đào, phở và piano" chẳng phải là "cơ hội vàng" để Cục Điện ảnh "thừa thắng xông lên" với những phim do Nhà nước đặt hàng hay sao. Dĩ nhiên, muốn thắng nữa chắc chắn phải thay đổi tư duy về làm phim Nhà nước đặt hàng, từ khâu kịch bản, sản xuất… đến phát hành phim.
Những ngày qua, "Đào, phở và piano" có lẽ là từ khóa được nhắc đến nhiều nhất trên các diễn đàn và phương tiện truyền thông. Bản thân "Mai" – một bộ phim sắp cán mốc doanh thu 500 tỷ đồng của đạo diễn Trấn Thành cũng không được nhắc đến nhiều tới vậy. Nhiều người gọi "Đào, phở và piano" – bộ phim do đạo diễn Phi Tiến Sơn "cầm trịch" - là hiện tượng hiếm có của lịch sử điện ảnh Việt Nam.
"Đào, phở và piano" được công chiếu vào ngày 10/2/2024, nhằm ngày mùng 1 Tết Giáp Thìn. Đây là bộ phim nằm trong đề án phát hành, phổ biến thí điểm một số phim sản xuất bằng ngân sách Nhà nước của Bộ VHTTDL. Có lẽ vì quan niệm phim Nhà nước đặt hàng là phim "cúng cụ", chủ yếu để làm nhiệm vụ tuyên truyền và cổ động nên công chúng gần như không để ý khi phim được công chiếu.
Chỉ đến khi phim bất ngờ được đông đảo khán giả biết đến qua một số bài review (đánh giá) trên mạng của khán giả được xem công chiếu, sau đó những bài này được viral (lan toả) mạnh mẽ, đồng thời hệ thống đặt vé online của Trung tâm Chiếu phim Quốc gia – đơn vị duy nhất lúc đó công chiếu bộ phim - bỗng gặp sự cố sập website thì bộ phim mới thực sự gây chú ý với đông đảo công chúng cả nước, ngay vào thời điểm "Mai", một bộ phim tư nhân do Trấn Thành làm đạo diễn, đang làm mưa làm gió tại các rạp chiếu.
Đến lúc này, mọi người mới té ngửa khi biết bộ phim do Nhà nước đặt hàng này hoàn toàn không có kinh phí cho việc quảng bá phim. Chính vì thế nên bộ phim không thể chiếu được ở cụm rạp nào khác ngoài Trung tâm Chiếu phim quốc gia. Trong khi thực tế, phần quảng bá phim lại là một phần rất quan trọng quyết định tới thành công (về thương mại) của mỗi bộ phim, thậm chí nhiều khi khâu quảng bá phim còn được coi trọng hơn cả chất lượng phim.
Ngày 22/2, "Đào, phở và piano" đã được Beta Cinema tình nguyện phát hành phi lợi nhuận tại cụm rạp ở 11 tỉnh, thành phố. Ngày 27/2, đồng loạt các cụm rạp Beta Cinemas, Cinestar Cinemas Vietnam, RIO Cinemas, Rạp chiếu phim Vĩnh Phúc, Mega GS Cinemas đã mở bán vé trực tuyến. Đến ngày 29/2, theo con số công bố của Box Office Vietnam, "Đào, phở và piano" đã cán mốc doanh thu 10 tỷ đồng. Nên nhớ rằng trước đó, chưa có bộ phim Nhà nước nào có doanh thu đạt tới con số này.
Thế nên người ta có thể coi "Đào, phở và piano" là bộ phim "may mắn" nhất trong số các phim Nhà nước đặt hàng. Một bộ phim không hề có kế hoạch và chi phí cho khâu truyền thông, quảng bá, phát hành… dù có nhiều lợi thế truyền thông như quy tụ một dàn diễn viên đình đám, có thực lực như NSND Trần Lực, NSND Trung Hiếu, Doãn Quốc Đam, Nguyệt Hằng, Tuấn Anh, ca sĩ Tuấn Hưng...
Ngoài ra, dù là bộ phim về đề tài chiến tranh, có hi sinh, mất mát nhưng lại được làm với một phong cách lãng mạn, giàu tính nghệ thuật; phim là sự kết hợp cả sự bi tráng của chiến tranh cùng chất hào hoa của người Hà Nội… Phim có thể gây chú ý ngay từ đầu nếu có một chiến lược quảng bá bài bản.
Tiếp theo nữa, phim vô cùng may mắn khi có được sự ủng hộ của hệ thống rạp tư nhân. Ngay khi biết "Đào, phở và piano" khó khăn trong khâu phát hành do không có kinh phí, hai cụm rạp Beta Cinema và Cinestar đã chủ động liên hệ phát hành phim phi lợi nhuận, 100% doanh thu sẽ nộp về cho Nhà nước.
Rõ ràng, nếu Cục Điện ảnh – đơn vị đặt hàng làm phim – không giữ tư duy ngồi chờ mà chủ động tìm sự hỗ trợ từ các đơn vị phát hành phim tư nhân để mang "Đào, phở và piano" đến gần hơn khán giả thì có lẽ nhiều bộ phim do Nhà nước đặt hàng từ trước đã được đông đảo khán giả biết đến chứ không chịu số phận "làm xong xếp kho".
Bộ phim không hẳn được đánh giá cao về mặt nghệ thuật, nhưng khán giả vẫn háo hức đến rạp…, có lẽ vì muốn ủng hộ phim Nhà nước. Có những khán giả tôi quen, đi xem về dù chê phim còn nhiều sạn nhưng vẫn khuyến khích người thân, bạn bè và đồng nghiệp đi xem. Nói không quá nhưng quả thật chưa bao giờ người dân lại ủng hộ phim Nhà nước đặt hàng nhiệt tình đến thế.
Vậy, đây chẳng phải là "cơ hội vàng" để Cục Điện ảnh "thừa thắng xông lên" với những phim do Nhà nước đặt hàng hay sao. Dĩ nhiên, muốn thắng nữa chắc chắn phải thay đổi tư duy về làm phim Nhà nước đặt hàng, từ khâu kịch bản, sản xuất… đến phát hành phim vì không khán giả nào ủng hộ mãi những tác phẩm sáo mòn về mặt nội dung và cũ kỹ trong cách thể hiện cũng như bị động, thiếu sáng tạo trong khâu phát hành.
Xưa cha ông nói, chỉ cần có được "Thiên thời, địa lợi và nhân hòa", ắt có thành công. Ngày nay, "Đào, phở và piano" đã mở ra một "vũ trụ quan" mới cho phim Nhà nước đặt hàng. Thực tế câu chuyện của "Đào, phở và piano" đã chứng minh, cơ quan quản lý Nhà nước mà cụ thể là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Cục Điện ảnh, các Hãng phim truyện thuộc Bộ… bắt buộc phải thay đổi hoàn toàn tư duy trong cách làm phim Nhà nước đặt hàng, để sản phẩm làm ra tiệm cận gần hơn với thị hiếu khán giả và xu hướng thị trường.
Nhất thiết phải xóa bỏ tư duy làm phim chỉ để "cúng cụ", để tuyên truyền – cổ động, xong nhiệm vụ là "đắp chiếu".
Vì suy cho cùng, tuyên truyền và cổ động mà không đến được với nhiều người, không để dấu ấn trong lòng đông đảo khán giả thì đó thực sự là một sự lãng phí rất đáng trách.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.