Nhà nước vẫn xác định nông nghiệp, ND, nông thôn là lĩnh vực quan trọng. Tuy vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng đời sống của ND đã được cải thiện. Quá trình tiếp cận các nguồn lực và tiếp cận thị trường của ND đã tốt hơn 5 năm trước, thu nhập của ND tăng lên, an sinh và phúc lợi được đảm bảo tốt hơn.
Tất cả những khó khăn hiện nay của ND về thiên tai, hạn mặn, giảm nghèo cần có bàn tay của Nhà nước giải quyết bằng chính sách, nhưng Hội NDVN phải có ý kiến, đề xuất, kiến nghị với Đảng, Chính phủ.
Trong 5 năm tới, Hội NDVN cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 26 của BCH T.Ư Đảng (khóa X) về nông nghiệp, ND, nông thôn; cụ thể hóa các nội dung liên quan đến lĩnh vực này được thể hiện trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng. Trong phát triển nông nghiệp, Hội ND cần quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn hình thành các doanh nghiệp nông dân, giúp ND khởi nghiệp doanh nghiệp. Tổ chức xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, liên kết sản xuất trong nông nghiệp phải đảm bảo tính tự nguyện, tự chủ và bền vững, tránh “bệnh” chủ quan, duy ý chí.
Vấn đề đào tạo nghề cho ND phải vừa linh hoạt, vừa đảm bảo tính bền vững. ND có kỹ năng, tay nghề tốt nhưng thu nhập thấp thì chưa thành công mà bài học từ phát triển cây cao su là 1 ví dụ điển hình. Hội ND không chỉ đào tạo kỹ năng, tay nghề cho ND mà còn thái độ, đạo đức đối với nghề, trong đó có nhận thức, hành động của ND đảm bảo an toàn thực phẩm hiện nay là 1 ví dụ.
Trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, Hội ND cần tăng cường phối hợp để tạo hiệu quả rõ nét. Liên kết có hiệu quả thì phải là liên kết “5 nhà” gồm nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, Nhà nước và nhà băng. Để đáp ứng được đòi hỏi, yêu cầu của thực tiễn hội nhập, cán bộ Hội ND phải được đào tạo, bồi dưỡng, có kiến thức và thực sự năng động. Hội NDVN cần rà soát lại, xem chính sách nào cho ND, bảo vệ ND còn thiếu thì đề xuất, kiến nghị trước khi có đề nghị Quốc hội xem xét xây dựng Luật ND…
Ông Lương Quốc Đoàn - Trưởng ban Tổ chức Trung ương Hội NDVN: Xây dựng, nhân rộng tổ hội nghề nghiệp
Xu hướng hội nhập đòi hỏi ND phải liên kết trong sản xuất, hình thành các mô hình kinh tế tập thể tự nguyện. Hội NDVN đang xây dựng và nhân rộng mô hình tổ hội nghề nghiệp, bao gồm các hội viên, ND cùng nghề, cùng sản xuất một sản phẩm nông nghiệp.
Việc xây dựng và nhân rộng tổ hội nghề nghiệp phù hợp với xu hướng liên kết trong sản xuất nông nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi để Hội ND tổ chức các hoạt động tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ và dạy nghề; tạo cơ sở vững chắc để phát triển lên các hình thức kinh tế tập thể cao hơn như hợp tác xã…
Ông Nguyễn Xuân Định - Trưởng ban Hợp tác quốc tế Trung ương Hội NDVN: Chủ động hướng dẫn, hỗ trợ nông dân hội nhập
Để chủ động hướng dẫn, hỗ trợ ND hội nhập kinh tế quốc tế, Hội NDVN đã và đang triển khai nhiều giải pháp, trong đó có việc tăng cường hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế.
Qua đó, Hội tranh thủ được nguồn lực, kinh nghiệm trong đào tạo nghề cho ND; tiếp nhận và hỗ trợ ND ứng dụng các công nghệ sản xuất nông nghiệp hiện đại của nước ngoài nhằm nâng cao chất lượng, giảm giá thành, tăng tính cạnh tranh cho nông sản.
Qua hợp tác quốc tế, Hội NDVN cũng đang triển khai đào tạo, trang bị cho cán bộ Hội ND kỹ năng hoạt động thông qua bộ công cụ vận động chính sách…
Ông Nguyễn Xuân Thắng - Trưởng ban Điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân T.Ư Hội NDVN: Hỗ trợ nông dân tiếp cận thị trường
Thực trạng đáng lo ngại của nông nghiệp Việt Nam trước bối cảnh hội nhập quốc tế là quy mô sản xuất nhỏ lẻ, năng suất lao động thấp; đầu tư giảm; đầu tư tư nhân hạn chế; khoa học công nghệ yếu; năng lực cạnh tranh kém... Do đó, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích liên kết giữa ND với ND, giữa ND với doanh nghiệp. Các cấp Hội cần tăng cường mở các lớp tập huấn nâng cao năng lực tiếp cận thị trường, lập kế hoạch sản xuất kinh doanh, kế hoạch marketing, quảng cáo tiếp thị, kết nối thị trường. Bên cạnh đó, ND phải biết chọn mô hình nông nghiệp độc đáo, đặc sản làm thế mạnh để sản xuất…
Nguyễn Công-Thu Hà (ghi)
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.