Đào tạo nghề kiểu mới: Học 3 năm nhận 3 bằng, lập nghiệp sớm, có cơ hội xuất ngoại
Đào tạo nghề kiểu mới: Học 3 năm nhận 3 bằng, lập nghiệp sớm, có cơ hội xuất ngoại
Nguyệt Tạ
Thứ ba, ngày 19/05/2020 11:28 AM (GMT+7)
Không chỉ tiếp cận dạy nghề 9 + như các mô hình cũ, mới đây Trường Trung cấp Công nghệ Thăng Long (Hà Nội) đã đưa ra một mô hình dạy nghề mới theo hướng đào tạo nghề 9+ chuyên ngữ. Học sinh có thể cùng lúc nhận được 3 bằng cấp chứng chỉ sau 3 năm học (như học trung học phổ thông).
Bối cảnh nền kinh tế 4.0 tạo ra nhiều cơ hội cũng như thách thức mới cho lao động. Các doanh nghiệp không đề cao bằng cấp, mà coi trọng thái độ và năng lực làm việc của lao động. Do vậy, nhiều chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực lao động - việc làm cho rằng, con đường thành công nhanh nhất chính là học nhanh, đi làm sớm và có việc làm ổn định.
Chính bởi vậy, học nghề 9+ (chương trình đào tạo cho cả trung cấp hoặc cao đẳng liên thông từ trung cấp cho học sinh tốt nghiệp THCS) như một làn gió mới làm thay đổi quan niệm cũng như như nhận thức của xã hội về lập nghiệp.
Thay vì mất một quãng thời gian khá dài từ 7-8 năm mới có thể gia nhập thị trường lao động, giờ đây học sinh học hết chương trình THCS chỉ mất từ 3-4 năm là có thể cùng lúc vừa có bằng THPT vừa có bằng trung cấp nghề.
Mặc dù mới bắt đầu tổ chức đào tạo nghề theo mô hình 9+ nhưng Trường Trung cấp Công nghệ Thăng Long đã tìm được hướng đi mới ưu việt. Thay vì dạy nghề 9+ như các mô hình hiện có, trường đang tổ chức triển khai đào tạo mô hình nghề 9+ chuyên ngữ. Khi học 9+ chuyên ngữ, học sinh có thể cùng lúc học trương trình văn hóa, vừa có thể học nghề lại vừa có thể học ngoại ngữ.
PGS - TS, Nhà giáo nhân dân Lê Đình Trung - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường Trung cấp Công nghệ Thăng Long cho biết: "Ngoài một ngoại ngữ chính, học sinh còn được lựa chọn thêm 1 môn ngoại ngữ để học lấy bằng. Điều này đồng nghĩa với việc học sinh tốt nghiệp ngoài việc có bằng tốt nghiệp THPT, bằng trung cấp nghề học sinh còn có thêm bằng ngoại ngữ theo chuẩn quốc tế".
Hiện trường đang đưa vào giảng dạy 5 ngoại ngữ là: Tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Đức, tiếng Hàn.
Học sinh sau khi tốt nghiệp sẽ được trường giới thiệu việc làm tại các doanh nghiệp có hợp tác trong đào tạo. Học sinh có kỹ năng chuyên môn, ngoại ngữ tốt cũng có cơ hội để đi XKLĐ, du học hoặc nâng cao trình độ, học liên thông lên cao đẳng, đại học.
Nhiều sức hút
Bùi Xuân Quang (16 tuổi- Cầu Giấy, Hà Nội) là một học sinh dám thay đổi tư duy. Thay vì học đại học, cao đẳng, Quang chọn cho mình chương trình học nghề 9+.
"Trước khi vào học trường nghề, em đã được tư vấn, giới thiệu kỹ. Xét thấy kinh tế gia đình không cho phép, em cũng thích học nghề, nên thay vì thi và học đại học, em chọn học nghề để có thể nhanh chóng tốt nghiệp, đi làm và hỗ trợ gia đình" - Quang nói.
Hiện nay Quang theo học Khoa Tin học ứng dụng tại Trường Trung cấp Công nghệ Thăng Long.
Chị Bùi Hà Giang - phụ huynh lớp 10, có con theo học ngành Nghiệp vụ nhà hàng khách sạn tại Trường Trung cấp Công nghệ Thăng Long tâm sự: "Vừa học nghề, vừa học văn hóa, đặc biệt là còn được học chuyên ngữ - thật sự trước đây tôi không nghĩ là con có thể nắm chắc được kỹ thuật mà lại giỏi cả ngoại ngữ và sớm có thể tốt nghiệp, nhận 3 văn bằng chỉ với 3 năm học".
Không hề bất ngờ về sức hút của học nghề 9+, ông Đỗ Văn Giang - Vụ phó Vụ Đào tạo chính quy (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐTBXH) cho rằng dạy nghề 9+ đang là hướng đi đúng đắn của nhiều bạn trẻ và xu hướng giáo dục nghề nghiệp trong tương lai.
Ông Giang cũng cho biết, thời gian gần đây tỷ lệ học sinh THCS vào học nghề 9+ trong cả nước rất cao. Ví dụ như Trường Cao đẳng nghề Lạng Sơn, 100% học sinh tuyển vào học nghề 9+; Trường Cao đẳng cơ khí Nông nghiệp - Vĩnh Phúc mỗi năm tuyển được 500-600 học sinh học nghề 9+.
"Quan trọng nhất là học sinh học xong có nghề, đảm bảo cuộc sống, tiết kiệm được thời gian, tiền bạc và có việc làm sớm. Mô hình đào tạo nghề 9+ có sự kết hợp 3 nhà, Nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp nên ngay từ khi đi học các em đã được thực hành làm quen với thị trường lao động" - ông Giang phân tích.
Thời lượng học nghề có tới 70% thực hành ở doanh nghiệp và các tập đoàn mà trường hợp tác. Chính vì vậy, dù thời gian học là không dài nhưng kỹ năng nghề của lao động lại rất cao. n
Vui lòng nhập nội dung bình luận.