Đào tạo nông dân thích ứng với nông nghiệp công nghệ cao

Thứ tư, ngày 28/08/2013 12:05 PM (GMT+7)
Sáng 27.8, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng – Trưởng ban Chỉ đạo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn cùng đoàn công tác Chính phủ đến dự và chỉ đạo hội nghị sơ kết Nghị quyết T.Ư 7 tại tỉnh Hậu Giang.
Bình luận 0
Ông Trần Công Chánh - Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết: Trong 5 năm qua, địa phương đã tập trung xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ nông thôn; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn; nỗ lực nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân…

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chia sẻ những khó khăn của tỉnh và đánh giá rất cao nỗ lực của tỉnh trong việc thực hiện Nghị quyết của T.Ư về tam nông, vì Hậu Giang là tỉnh mới chia tách, hạ tầng yếu kém, hộ nghèo còn nhiều, sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đảng bộ địa phương đưa ra được kế hoạch thực hiện tiếp Nghị quyết Tam nông trong giai đoạn mới, trong đó phải huy động mọi nguồn lực từ hệ thống chính trị các cấp, các thành phần kinh tế và người dân; rà soát lại quy hoạch nông nghiệp trong tổng thể quy hoạch chung của tỉnh, nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm, tạo ra chuỗi giá trị các sản phẩm lợi thế; tìm ra những mô hình, liên kết, làm ăn lớn, tránh sản xuất manh mún.

“Địa phương phải căn cứ thị trường để làm quy hoạch, không được áp đặt. Chuyển dịch dần cơ cấu nông nghiệp, dịch chuyển lao động nông nghiệp sang những ngành nghề khác. Nông nghiệp được tổ chức lại đòi hỏi người nông dân cũng phải được đào tạo để thích ứng với nông nghiệp công nghệ cao, làm ra sản phẩm tốt, giá thành cạnh tranh”– Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh: “Cần kết nối khoa học công nghệ với từng cánh đồng; áp dụng khoa học công nghệ để tạo ra chuỗi giá trị hàng hóa mang thế mạnh của tỉnh, vùng và hình thành các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn. Xây dựng NTM không phải quá cứng nhắc mà uyển chuyển theo từng địa phương dựa trên những tiêu chí được đặt ra. Giao mỗi cấp ủy viên, mỗi ban ngành chỉ đạo mỗi xã để thực hiện NTM, có như vậy mới thấy trách nhiệm của từng lãnh đạo với nông thôn, nông dân”.

Chiều cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã làm việc với lãnh đạo Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ. Chủ tịch Quốc hội lưu ý, ĐBSCL là vùng nông nghiệp phát triển kinh tế trọng điểm của cả nước; vì thế vai trò nhiệm vụ của Ban trong thời gian tới là hết sức nặng nề, đòi hỏi tập thể phải nỗ lực nghiên cứu đổi mới; nắm chặt tình hình, phối hợp hành động chính xác; phải năng động, sâu sát thực tiễn, tổng kết đánh giá để thực hiện thắng lợi nghị quyết nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Đức Khánh (Đức Khánh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem