Buộc người vào cột cắm cờ để chụp ảnh Đến bây giờ dù đã gần 2 năm nhưng PV Đình Thiên vẫn không quên được cái ngày cùng con tàu dịch vụ hậu cần nghề cá nổi tiếng của Lê Văn Sang (con trai Lê Văn Mến, Đà Nẵng) rong ruổi gần 10 ngày trên biển Hoàng Sa. Cũng phải nói rằng, không dễ ai cũng được ngư dân cho đi cùng tàu ra biển, nhưng Sang biết Thiên ở Báo NTNN nên ưu tiên lắm. Đợt đó, để ghi lại được hình ảnh ngư dân đánh bắt, buôn bán, sinh hoạt trên biển Hoàng Sa, nhiều lần Đình Thiên phải nhờ ngư dân buộc mình thật chặt vào cột cờ ở mũi tàu bởi hai chân không thể đứng vững vào những ngày sóng lớn.
Nhịp sống của ngư dân đã luôn được Báo NTNN phản ánh trên khắp các số báo.
Chuyến đi đó, dù trên bờ đã được nghe ngư dân kể nhiều về việc tàu hải giám Trung Quốc hay quấy nhiễu, rượt đuổi ngư dân mình. Nhưng thú thật, cái cảm giác chính mình bị rượt đuổi trên biển Hoàng Sa mới tức tối, ấm ức ghê gớm. Đến lúc này, cái cảm giác tiếc nuối không thể dùng máy ảnh ghi rõ hành vi của tàu hải giám trên vùng biển của cha ông mình vẫn hiện rõ trong Thiên...
“Rồi những lần ra cầu cảng đón ngư dân bị nạn trên biển vào bờ cấp cứu. chứng kiến những câu chuyện ngư dân sống chết với biển hay lắng nghe nỗi niềm của bà con ngư dân, dù câu chuyện đó hay, dở, ngắn, dài...đối với tôi đều thật cảm xúc…”- Đình Thiên chia sẻ.
PV NTNN (trái) và chủ doanh nghiệp thủy sản Năm Rùm (Phú Yên).
Với phóng viên Công Xuân, sau nhiều năm gắn bó với biển, anh cũng đã để lại trong lòng người dân của quê hương “Hùng binh Hoàng Sa” những ấn tượng đẹp. Còn nhớ vào khoảng đầu năm 2013, sau khi cùng đoàn công tác của tỉnh Quảng Ngãi ra đảo Lý Sơn, vừa xuống tàu, thấy cảnh tàu cá từ Hoàng Sa trở về cập bến khá tấp nập, Công Xuân vội vàng chạy đến ghi ảnh. Đến khi quay lại thì xe đón đoàn đã chạy từ bao giờ. Đang đứng lơ ngơ thì nghe có tiếng gọi phía sau: “Nhà báo NTNN mới ra à? Về UBND huyện không, tui cho quá giang?”
Thấy Công Xuân ngạc nhiên, anh ngư dân giới thiệu tên là Minh, ở thôn Tây, xã An Hải, Lý Sơn. Anh Minh nói thêm “Nhà báo ra Lý Sơn thì nhiều lắm, nhưng tôi thấy phóng viên Báo NTNN là hay ra nhất. Mấy lần làm lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, ngư dân bị nạn, tôi đều thấy có nhà báo NTNN. Nên thấy anh là tui đoán PV NTNN”.
Cách đây mấy tháng, trong cuộc nhậu tại nhà người quen ở đảo Lý Sơn, Công Xuân cũng nở bừng mặt khi có một ngư dân nhận xét: Trong số các báo viết về chuyện ngư dân Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc xâm hại, đập phá thì báo NTNN là thường xuyên nhất, nhanh nhất, hay nhất. Không ít thời điểm, các báo khác không dám đưa nội dung này, nhưng báo Điện tử Dân Việt, rồi báo giấy NTNN vẫn đưa như thường. “Nói thật lòng là tôi rất tự hào mỗi khi ra đảo, chỉ cần xưng PV NTNN là được ngư dân của đảo xem như người nhà”- Công Xuân chia sẻ.
Sát cánh cùng ngư dânPV Đào Đức Tuấn nhớ lại, anh Trần Ngọc Lâm - thuyền trưởng tàu PY-92484 từng nói: “Nhiều phóng viên nhà báo... chán chết! Khi tới gặp, tụi tui nói rất nhiều chuyện bức xúc, nhưng về toàn viết chuyện… dễ dễ, hay hay! Nhưng với báo NTNN thì khác, phóng viên không chỉ ăn ngủ cùng ngư dân mà những khó khăn, những vất vả đều được đưa lên mặt báo. Nhờ đó, nhân dân cả nước rất chia sẻ với những khó khăn của ngư dân miền Trung. Dân xa bờ tụi tui theo dõi tin tức, đọc báo dữ lắm nghen!”.
Với lão ngư Phan Thuẫn - Chi hội trưởng Chi hội Ngư dân khu phố Bạch Đằng (phường 6, Tuy Hòa), cụ thể: “Kỳ này chẳng có gì vui đâu! Nếu có viết chuyện khó, chuyện buồn thì tui nói cho nghe”. “Sao lại không, chú. Báo cháu “sát cánh cùng nông dân Việt” mà. Vui buồn, sướng khổ gì của bà con, báo đều phải ghi nhận, phản ánh”. “Vậy thì được”!
Để ghi lại được hình ảnh ngư dân đánh bắt, buôn bán, sinh hoạt trên biển Hoàng Sa của Việt Nam, nhiều lần phóng viên Đình Thiên đã phải nhờ ngư dân buộc mình thật chặt vào cột cờ ở mũi tàu bởi hai chân không thể đứng vững vào những ngày sóng lớn.
|
Theo ông Thuẫn, nghề câu xa bờ rất nhọc nhằn nhưng ngư dân không thể bỏ được, bởi khát vọng làm chủ ngư trường để gia đình sung túc, đổi đời. Rất nhiều ngư dân đã vay mượn đầu tư gia sản cho những con tàu bám biển nên khó còn “đường” chuyển nghề nào khác để mưu sinh.
Ra khơi là chuyện phải tiếp tục, nhưng lượng bò gù ngày càng giảm, đi đến ngư trường xa thì bị tranh chấp và bị tàu nước ngoài cản trở, khiến ngư dân ngày càng lâm vào tình trạng khó càng thêm khó. Sau chuyến đi biển dài ngày, nếu tàu cập bến mà không đủ phí tổn thì ngư dân lâm vào cảnh nợ nần, vì trước khi ra khơi họ phải “đổ” cả trăm triệu cho nhiên liệu, nhu yếu phẩm. Nếu ra khơi mà gặp thời tiết xấu hoặc máy móc bị trục trặc không thể duy trì đánh bắt dài ngày được, buộc phải vào bờ thì chỉ cần vài chuyến như vậy là… bán tàu!
“Nói thật lòng là tôi rất tự hào mỗi khi ra đảo, chỉ cần xưng PV NTNN là được ngư dân của đảo xem như người nhà”. Công Xuân
|
“Trợ lý bò gù” Phan Tấn Thịnh (31 tuổi, ở Tuy Hòa) thì làm PV NTNN “sợ” theo kiểu khác. Ngoài công việc chuyên theo dõi mạng để thông tin thời tiết cho tập đoàn tàu cá gia đình, anh còn “chuyên gia” săn tin, đọc bài viết về ngư dân. Bài nào viết không đúng hoặc chưa “tới” là Thịnh “phôn” cho Đào Đức Tuấn ngay.
Thịnh như một “ăng ten sống” của người dân bến bò gù Tuy Hòa. Công việc của anh lại càng thâu đêm suốt sáng mỗi mùa mưa bão. Thỉnh thoảng, có chuyện “cần tỏ bày”, Thịnh lại alô Tuấn “cà phơ chút anh”… Thịnh cũng là người thường xuyên báo tin về những chuyến câu bất trắc, những ngư dân gặp nạn giữa khơi,…
Cứ thế, mưa nắng vui buồn nghề nghiệp, Tuấn được nhiều bà con “bò gù” coi như anh em trong nhà.
NTNN (NTNN)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.