Đặt hàng viết về tam nông

Thứ ba, ngày 21/06/2011 15:28 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Báo NTNN nhận được ý kiến của các chuyên gia về nông nghiệp, nông thôn “đặt hàng” các nhà báo viết về tam nông.
Bình luận 0

Ông Nguyễn Minh Nhị - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang: Ủng hộ sản xuất tập trung

img

Hồi còn làm lãnh đạo tỉnh, tôi luôn ấp ủ mô hình HTX kiểu mới nhưng thực tế vẫn chưa làm được. Theo mô hình này, người nông dân sẽ cùng nhau sản xuất tập trung trong cùng diện tích lớn để có thể cơ giới hóa, áp dụng tối đa KHKT nhằm giảm đến mức thấp nhất giá thành sản phẩm.

Để nền sản xuất phát triển, yếu tố đầu tiên là phải bố trí quy hoạch lại sản xuất đồng bộ theo hướng liên kết sản xuất tập trung từng vùng, từng khu vực. Những nơi không sản xuất được, tốt nhất không nên làm trái tự nhiên mà hãy cứ để yên nó như thế.

Chủ trương này ban đầu có thể gây xáo trộn cho nền sản xuất, người dân sẽ tốn kém chi phí đầu tư, nhưng về lâu dài, lợi tức của người dân sẽ tăng lên gấp nhiều lần. Một số doanh nghiệp trong nước bước đầu áp dụng sản xuất theo quy trình khép kín rất có hiệu quả, từ khâu tổ chức sản xuất vùng nguyên liệu tập trung gắn với chế biến xuất khẩu. Nếu tổ chức thành công theo mô hình này, sẽ tạo ra một nền sản xuất hiện đại, có lớp nông dân sản xuất trình độ kỹ thuật cao, sản phẩm làm ra hàm lượng chất xám cao.

Để làm được điều đó, anh em phóng viên viết về tam nông cần đẩy mạnh công tác nâng cao dân trí và định hướng xã hội. Song song với việc hướng người đọc tiến dần đến nền kinh tế thị trường qua sự hiểu biết để họ thật sự chủ động trong làm ăn, sản xuất..., phải xác định tờ báo là phương tiện, định hướng, khai trí nông dân, giúp nông thôn ngày càng đổi mới.

TS Lê Văn Bảnh - Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL: Báo phải là người vận động chính sách

Tôi là người hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nên đặc biệt quan tâm đến những vấn đề thuộc lĩnh vực tam nông. Lâu nay, Báo NTNN vẫn là tờ báo có thế mạnh về vận động chính sách, ví như loạt bài “Một hạt thóc 40 khoản đóng góp” đã tạo được hiệu ứng xã hội và vận động thay đổi chính sách sao cho có lợi nhất đối với nông dân. Về mặt này, mong các bạn tiếp tục phát huy thế mạnh và tăng cường hơn nữa các đề tài trong lĩnh vực này.

Chính sách tam nông có phát triển tốt thì mới mong đời sống nông dân khá hơn. Chủ trương phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã được đề ra từ khá lâu nhưng việc thực hiện có vẻ chưa được rõ nét và chưa mang lại kết quả một cách cụ thể.

Muốn làm tốt thì phải có chính sách tốt đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đặc biệt là chính sách cho người trồng lúa. Báo chí cần lên tiếng mạnh mẽ về vấn đề này, bằng cách vận động tạo lập, xây dựng các chính sách. Bên cạnh đó, phải tuyên truyền về việc hỗ trợ cách thức liên kết vùng, liên kết 4 nhà để bà con nông dân có sự phối hợp chặt chẽ, có mặt hàng với hợp đồng bao tiêu sản phẩm, có sự đầu tư của các doanh nghiệp. Làm được điều đó, báo chí đang giúp bà con nông dân an tâm sản xuất, tạo chuỗi giá trị gia tăng một cách đồng đều phù hợp công sức bà con nông dân.

GS-Viện sĩ Võ Tòng Xuân: Hướng sản xuất gắn với thị trường

Nông sản muốn có giá cao thì phải gắn chặt với thị trường. Thế nhưng, người nông dân của ta vẫn còn thiếu thông tin thị trường nên trách nhiệm của người cầm bút phải hướng sản xuất gắn với thị trường.

Hệ thống cơ chế chính sách của Nhà nước đối với tam nông chưa đồng bộ, khi nào người nông dân còn tự bơi trong biển cả của thị trường thì không thể thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn, bấp bênh. Đây là thực trạng chung của nông dân VN hiện nay. Trước nhất nhận diện vấn đề này là nông dân còn sản xuất cá thể một cách tự phát, nuôi, trồng một cách quá tự do, không tổ chức. Kiểu làm này đã khiến cho họ gặp rất nhiều rủi ro, khi thì hàng hóa bị ứ đọng không ai mua hoặc phải bán với giá rẻ, khi tìm mua không có hàng.

Điều cần làm đầu tiên là báo chí phải tuyên truyền cho nông dân thấy sự cần thiết phải có tư duy mới về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tư duy mới về tam nông là có những chính sách nông thôn phù hợp.

Trước nhất, Nhà nước đầu tư đồng bộ để hình thành các vùng nông thôn kiểu mới. Ở đó kết cấu hạ tầng nông thôn phát triển, nông dân có công ăn việc làm, mở rộng thị trường cho nông thôn, nâng cao trình độ quản lý nông thôn; tối thiểu nông dân phải được đào tạo có tay nghề, có kiến thức và kỹ năng đủ để tham gia các hoạt động kinh tế cạnh tranh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem