Đất nông nghiệp biến thành chợ quê ở Phú Thọ: Chủ tịch xã chịu trách nhiệm

Hoan Nguyễn Thứ tư, ngày 31/05/2023 09:51 AM (GMT+7)
UBND huyện Đoan Hùng xác định, UBND xã Hợp Nhất đứng đầu là Chủ tịch UBND xã Hợp Nhất phải chịu trách nhiệm trong việc để đất nông nghiệp bị hô biến thành chợ quê Hợp Nhất ở khu Vân Cương 1.
Bình luận 0

Ngày 18/5, Dân Việt đăng tải bài viết: "Đất nông nghiệp bỗng bị biến thành chợ quê, chính quyền xã lúng túng trong xử lý", phản ánh việc xây dựng công trình nhà ở, chợ quê Hợp Nhất khang trang, bề thế trên khu đất nông nghiệp có diện tích hàng nghìn mét vuông tại khu Vân Cương 1 (xã Hợp Nhất, Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ) đã vi phạm đất đai, đê điều, xây dựng.

Sau khi bài viết được đăng tải, ngày 19/5, ông Nguyễn Đức Lương - Phó Chủ tịch UBND huyện Đoan Hùng ký văn bản số 690/UBND-NNPTNT về việc kiểm tra, xử lý vi phạm Luật Đê điều trên địa bàn xã Hợp Nhất.

Phú Thọ: Chủ tịch xã Hợp Nhất chịu trách nhiệm về vi phạm đất đai, đê điều xảy ra trên địa bàn - Ảnh 1.

Toàn cảnh khu vực đất nông nghiệp thành chợ quê, vi phạm nghiêm trọng đất đai, đê điều, xây dựng. Ảnh: Hoan Nguyễn

Văn bản nêu rõ, qua kiểm tra hiện trạng tại khu vực bãi sông và hành lang bảo vệ đê tả sông Lô đoạn từ K5,2-K5,3 (khu Vân Cương 1, xã Hợp Nhất), có nhiều hộ dân tự ý đổ đất vào bãi sông và hành lang bảo vệ đê, xây dựng nhà ở, lều quán. Cũng tại khu vực này, tổ chức xây dựng và họp chợ quê Hợp Nhất khi chưa được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép theo quy định.

Đặc biệt, khu vực bãi sông này là đất trồng cây lâu năm, không thuộc khu vực bãi sông được phép nghiên cứu xây dựng, không thuộc khu dân cư được phép tồn tại, bảo vệ theo quy định tại Quyết định số 257/QĐ-TTg ngày 18/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình.

Phú Thọ: Chủ tịch xã Hợp Nhất chịu trách nhiệm về vi phạm đất đai, đê điều xảy ra trên địa bàn - Ảnh 2.

Công trình chợ quê Hợp Nhất xây trên diện tích hơn 3.000m2 đất nông nghiệp, gồm 5 dãy với hơn 50 ki ốt. Ảnh: Hoan Nguyễn

Văn bản do Phó Chủ tịch UBND huyện Đoan Hùng ký cũng nhấn mạnh: "Để xảy ra các vi phạm pháp luật về đất đai, đê điều, xây dựng này là trách nhiệm của UBND xã Hợp Nhất, đứng đầu là đồng chí Chủ tịch UBND xã Hợp Nhất".

Do đó, UBND huyện Đoan Hùng yêu cầu Chủ tịch UBND xã Hợp Nhất căn cứ các văn bản chỉ đạo của UBND huyện, Sở NNPTNT tỉnh Phú Thọ khẩn trương xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, đê điều, xây dựng; báo cáo UBND huyện theo quy định.

Phú Thọ: Chủ tịch xã Hợp Nhất chịu trách nhiệm về vi phạm đất đai, đê điều xảy ra trên địa bàn - Ảnh 3.

Một công trình xây dựng trên đất nông nghiệp được "phân lô" xây kiên cố, làm mặt bằng kinh doanh. Ảnh: Hoan Nguyễn

Sáng 30/5, trao đổi với PV Dân Việt, ông Hà Hải Long - Trưởng Phòng NNPTNT huyện Đoan Hùng cho biết, đến nay huyện Đoan Hùng vẫn chưa nhận được báo cáo của xã Hợp Nhất về phương án xử lý vi phạm đất đai, đê điều, xây dựng tại khu vực bãi sông, hành lang đê thuộc khu Vân Cương 1.

Tìm hiểu của PV Dân Việt, từ năm 2021, khi bắt đầu phát hiện ra các hộ dân tự ý san lấp, hủy hoại đất nông nghiệp ở khu vực Vân Cương 1, Sở NNPTNT, UBND huyện Đoan Hùng đã có văn bản chỉ đạo UBND xã Hợp Nhất kiểm tra, xử lý vi phạm dứt điểm. Thế nhưng, những chỉ đạo này mới dừng lại ở "trên giấy". Thực tế đến nay, các vi phạm không những chưa được xử lý mà tồn tại kéo dài từ năm này qua năm khác, tiếp tục phát sinh vi phạm mới nghiêm trọng hơn.

Phú Thọ: Chủ tịch xã Hợp Nhất chịu trách nhiệm về vi phạm đất đai, đê điều xảy ra trên địa bàn - Ảnh 4.

Các công trình xây dựng không phép làm hủy hoại đất nông nghiệp, vi phạm đê điều, hành lang thoát lũ tại khu vực Vân Cương 1, xã Hợp Nhất, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Hoan Nguyễn

Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật cho hay, đối với vi phạm đất đai, đê điều, xây dựng tại xã Hợp Nhất, UBND tỉnh Phú Thọ và cơ quan chức năng liên quan có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn, xử lý theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, đối với hành vi vi phạm đất đai, đê điều, xây dựng sẽ bị xử phạt hành chính và bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tháo dỡ, trả lại hiện trạng ban đầu; cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm. Thậm chí, hành vi vi phạm về sử dụng đất đai, hủy hoại đất, có thể xem xét bị thu hồi đất. Đồng thời xem xét trách nhiệm người đứng đầu chính quyền địa phương trong công tác quản lý việc thực hiện quy hoạch, tuân thủ các quy định về quản lý xây dựng, đất đai, đê điều trên địa bàn.

Nếu có vi phạm cần phải xem xét xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Trong đó có thể xử lý bằng các chế tài hình sự về các tội vi phạm quy định về quản lý đất đai, đê điều, xây dựng; hoặc tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem