Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Góp ý với Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường để xây dựng nội dung điểm a khoản 3 Điều 130 "Dự thảo Luật Đất đai" về áp dụng "bảng giá đất" để tính tiền sử dụng đất ở cho hộ gia đình, cá nhân, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) nhận định, điểm a khoản 3 Điều 130 "Dự thảo Luật Đất đai" hiện đang có khá nhiều bất cập.
Cụ thể, điểm a khoản 3 Điều 130 "Dự thảo Luật Đất đai" quy định "bảng giá đất" được sử dụng làm căn cứ để: "Tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất ở của hộ gia đình, cá nhân đối với phần diện tích trong hạn mức; cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở đối với phần diện tích trong hạn mức giao đất ở cho hộ gia đình, cá nhân".
Tuy nhiên, HoREA nêu, bất cập ở đây là do điểm a khoản 3 Điều 130 "Dự thảo Luật Đất đai" đã giữ nguyên nội dung điểm a khoản 2 Điều 114 Luật Đất đai 2013, trong lúc bản chất quy định đã hoàn toàn thay đổi.
Theo đó, bảng giá đất hiện nay chỉ bằng 30 - 50% giá thị trường, nên hộ gia đình, cá nhân có thể có đủ khả năng tài chính để nộp được tiền sử dụng đất theo "bảng giá đất" đối với "đất ở trong hạn mức" (nộp bằng 100% giá đất trong "bảng giá đất").
Nhưng, do điểm a khoản 3 Điều 130 "Dự thảo Luật Đất đai" vẫn giữ nguyên quy định cách tính tiền sử dụng đất này (nộp bằng 100% giá đất trong "bảng giá đất"), mà giá đất của "bảng giá đất" mới có thể sẽ tăng 2-3 lần mức giá trước đây.
Điều này có thể dẫn đến việc tính tiền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân cũng có thể sẽ tăng lên 2-3 lần so với trước đây (nộp bằng 100% giá đất trong "bảng giá đất" mới) làm tăng gánh nặng tiền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân.
"Quy định này dẫn đến hệ quả, nếu hộ gia đình, cá nhân không có đủ tiền để làm "sổ hồng" sẽ dẫn đến tình trạng nhà ở không được hợp pháp hoá và dẫn đến "giao dịch giấy tay" làm phát sinh "thị trường ngầm".
Từ đó, Nhà nước vừa thất thu ngân sách, vừa khó quản lý, không phù hợp với mục tiêu phát triển thị trường bất động sản minh bạch, lành mạnh, an toàn, bền vững", ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nhận định.
Lấy ví dụ cho nhận định này, ông Châu nói, chẳng hạn hai căn nhà A, B mặt tiền nằm cạnh nhau cùng có diện tích 100 m2/nền tại đường D thành phố X (quy định hạn mức đất ở là 160 m2; giá đất đường D hiện nay là 10 triệu đồng/m2 trong bảng giá đất, mức giá này chỉ bằng 30-50% giá thị trường).
Năm 2022, chủ căn nhà A làm "sổ hồng" thì nộp tiền sử dụng đất là 10 triệu đồng/m2 x 100 m2 = 1 tỷ đồng.
Giả sử năm 2025, chủ nhà B làm "sổ hồng" và theo Luật Đất đai (mới) thì giá đất đường D "phù hợp với giá thị trường" có thể là 20 hoặc 30 triệu đồng/m2 thì số tiền sử dụng đất phải nộp có thể lên đến 2 hoặc 3 tỷ đồng, cao hơn rất nhiều so với hiện nay.
Từ đó, HoREA đề nghị sửa điểm a khoản 3 Điều 130 "Dự thảo Luật Đất đai" như sau: "Tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất ở của hộ gia đình, cá nhân đối với phần diện tích trong hạn mức; cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở đối với phần diện tích trong hạn mức giao đất ở cho hộ gia đình, cá nhân theo quy định của Chính phủ".
"HoREA cũng đề nghị Chính phủ quy định mức nộp tiền sử dụng đất trong hạn mức đất ở của hộ gia đình, cá nhân thì chỉ tính bằng 30 - 50% "bảng giá đất" (mới) do giá đất đã phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường", ông Châu nói thêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.