Phân biệt khung giá đất, bảng giá đất và giá đất cụ thể
Phân biệt khung giá đất, bảng giá đất và giá đất cụ thể
An Vũ
Thứ sáu, ngày 16/04/2021 06:54 AM (GMT+7)
Liên quan đến giá đất, hiện trong Luật Đất đai có tới 3 thuật ngữ dễ khiến người dân nhầm lẫn và đánh đồng về nghĩa đó là khung giá đất, bảng giá đất và giá đất cụ thể. Dưới đây là các căn cứ để phân biệt các khái niệm này.
Giá đất do Nhà nước quy định: Là giá do Nhà nước ấn định cụ thể trong các văn bản pháp luật, khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng, cho thuê đất
Theo Điều 112 Luật Đất đai năm 2013, xác định giá đất theo nguyên tắc sau:
- Theo mục đích sử dụng đất hợp pháp tại thời điểm định giá;
- Theo thời hạn sử dụng đất;
- Phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường của loại đất có cùng mục đích sử dụng đã chuyển nhượng, giá trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với những nơi có đấu giá quyền sử dụng đất hoặc thu nhập từ việc sử dụng đất;
- Cùng một thời điểm, các thửa đất liền kề nhau có cùng mục đích sử dụng, khả năng sinh lợi, thu nhập từ việc sử dụng đất tương tự như nhau thì có mức giá như nhau.
Hiện nay, Nhà nước quy định Khung giá đất, bảng giá đất, giá đất cụ thể.
Giá đất theo thị trường: Hiện nay Nhà nước không quy định về vấn đề này, giá đất theo thị trường là giá đất hình thành qua các hoạt động của thị trường, không phụ thuộc vào giá Nhà nước như giá do các bên thỏa thuận trong các giao dịch như chuyển nhượng, cho thuê...
Phân biệt khung giá đất, bảng giá đất và giá đất cụ thể
Theo Điều 113, Điều 114 Luật Đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành, khung giá đất, bảng giá đất và giá đất cụ thể được phân biệt với nhau bởi một số tiêu chí sau đây:
Định nghĩa:
Khung giá đất: Giá đất từ tối thiể đến tối đa cho từng loại đất.
Bảng giá đất: Tập hợp các mức giá cho mỗi loại đất
Giá đất cụ thể: Giá đất theo mục đích sử dụng và thời hạn sử dụng đất ghi trong quyết định giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, quyết định thu hồi đất.
Cơ quan ban hành:
- Khung giá đất: Do Chính phủ quy định
- Bảng giá đất: UBND cấp tỉnh ban hành sau khi được HĐND cùng cấp thông qua.
- Giá đất cụ thể: UBND cấp tỉnh.
Về thời hạn ban hành
- Khung giá đất: Xây dựng định kỳ 5 năm một lần đối với từng loại đất, theo từng vùng
- Bảng giá đất: Được xây dựng định kỳ 05 năm một lần.
- Giá đất cụ thể: Không ấn định kỳ hạn mà theo từng trường hợp áp dụng.
Về trường hợp sử dụng
- Khung giá đất: Dùng làm căn cứ để UBND cấp tỉnh quy định bảng giá đất tại địa phương
- Bảng giá đất được sử dụng để làm căn cứ trong các trường hợp sau đây:
+ Tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất ở của hộ gia đình, cá nhân đối với phần diện tích trong hạn mức; cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở đối với phần diện tích trong hạn mức giao đất ở cho hộ gia đình, cá nhân.
+ Tính thuế sử dụng đất.
+ Tính phí và lệ phí trong quản lý, sử dụng đất đai.
+ Tính tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
+ Tính tiền bồi thường cho Nhà nước khi gây thiệt hại trong quản lý và sử dụng đất đai.
+ Tính giá trị quyền sử dụng đất để trả cho người tự nguyện trả lại đất cho Nhà nước đối với trường hợp đất trả lại là đất Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất có thu tiền sử dụng đất, đất thuê trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê.
- Giá đất cụ thể được sử dụng để làm căn cứ trong các trường hợp sau đây:
+ Tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất.
+ Tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân đối với phần diện tích đất ở vượt hạn mức…
+ Tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất; công nhận quyền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với tổ chức mà phải nộp tiền sử dụng đất.
+ Tính tiền thuê đất đối với trường hợp Nhà nước cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất.
+ Tính giá trị quyền sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước mà doanh nghiệp cổ phần sử dụng đất thuộc trường hợp Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê; tính tiền thuê đất đối với trường hợp doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm.
Trường hợp điều chỉnh
- Khung giá đất: Có sự điều chỉnh phù hợp khi giá đất phổ biến trên thị trường tăng từ 20% trở lên hoặc giảm từ 20% trở lên so với giá tối đa hoặc tối thiểu của khung giá đất trong khoảng thời gian trên 180 ngày.
- Bảng giá đất:
+ Khi Chính phủ điều chỉnh khung giá đất tăng từ 20% hoặc giảm từ 20% trở lên so với giá tối đa hoặc tối thiểu.
+ Khi giá đất phổ biến trên thị trường tăng từ 20% hoặc giảm từ 20% trở lên so với giá đất tối đa hoặc tối thiểu của bảng giá đất trong khoảng thời gian trên 180 ngày.
Giá đất cụ thể: Có sự điều chỉnh phù hợp tùy thuộc vào hệ số điều chỉnh giá đất
Hiện nay, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 96/2019 về khung giá đất, UBND các tỉnh trên cả nước đã xây dựng bảng giá đất của địa phương mình để áp dụng cho giai đoạn 2020 - 2024.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn có thể nhầm lẫn đây là khung giá đất hay giá đất cụ thể của mỗi tỉnh thành. Do đó, người dân cần lưu ý phân biệt khái niệm bảng giá đất, khung giá đất và giá đất cụ thể theo 7 tiêu chí trên để tránh trường hợp hiểu sai, đánh đồng về nghĩa.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.