Đặt trái tim rớm máu dưới chân nước Nga

Thứ ba, ngày 06/11/2012 10:45 AM (GMT+7)
Dân Việt - Tối qua, 5.11, nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng đã có buổi ra mắt tập thơ mới nhất của anh “Một thời tôi từng có” tại Hà Nội. Nhà thơ Bằng Việt - Phó Chủ tịch Hội liên hiệp VHNT Việt Nam đã trao cho anh “kỷ lục” người bền bỉ kiên trì viết thơ về nước Nga.
Bình luận 0

Hiếm có nhà thơ nào của VN gắn bó với nước Nga lâu như Nguyễn Huy Hoàng, đến giờ, anh vẫn sống ở xứ sở bạch dương, trở thành chứng của những đổi thay trên đất nước này suốt 30 năm nay. Từ khi Liên Xô tan vỡ, nước Nga đắm chìm vào trạng thái hỗn độn, “xã hội ngoài tầm kiểm soát” và cho đến hôm nay, quốc gia này đã vươn trở lại vị trí của một trong những quốc gia hùng mạnh như nó đã từng có.

img
Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng (áo đen) nhận hoa chúc mừng của bạn bè trong buổi ra mắt tập thơ tại Hà Nội.

Huy Hoàng yêu nước Nga bởi một tình yêu day dứt và rớm máu, ở đây, anh có một nỗi đau riêng, bị lạc một cô con gái ngay trước cổng trường đã hai mươi năm nay chưa tìm thấy, trong bài thơ “Linh cảm”, anh viết: “Đã chớm lạnh cơn mưa đầu tháng Chín/Gió thay chiều, đổi hướng những rừng cây/Rồi băng giá sẽ phủ đây sông vắng/Con ở đâu trên cõi nước Nga này?

Anh yêu nước Nga bởi tình yêu dành cho thiên nhiên Nga, nền văn học Nga và những con người Nga bình dị, nhưng yêu đấy mà không trọn vẹn, bởi trong tim anh, lúc nào cũng có nỗi day dứt khi nhớ về Tổ quốc, nhớ miền Trung cát trắng gió Lào quê anh: “Chiều nay thèm ngọn gió phất phơ bay/Nhớ nắng ấm hong bờ tre, mái rạ/Nhớ mùi mật hương nồng hoa cỏ úa/Vẫn ủ men quen thuộc cuối sân nhà/Không biết còn ai nhắc kẻ đi xa/Bữa sum họp mâm cơm ngày giáp Tết…(Viết ở xứ người).

Giống như một cuốn biên niên ký bằng thơ, đọc trong “Một thời tôi từng có”, người đọc sẽ thấy nhói lòng khi cùng Huy Hoàng trải qua những thăng trầm với nước Nga khi mà “Bao quý ông từng ôm hôn cờ đỏ/Thấy cảnh ăn xin, giờ chẳng động lòng/Đám thanh niên kẻ say mê băng nhóm/Kẻ phớt đời trước mọi cảnh hưng vong” (Matxcova bây giờ đã khác).

Đó là khoảnh khắc nước Nga “đứt gãy” khỏi mạch nguồn bác ái đã nuôi dưỡng nền văn hóa của dân tộc vĩ đại này. Mọi giá trị đảo lộn, những tượng đài sụp đổ để lại trong lòng người những bãi đất hoang hoải vô tận. Thế nhưng may mà cơn lốc ấy rồi cũng qua, bởi đôi mắt thi sĩ của Huy Hoàng vẫn nhìn thấy “Ngọn lửa vĩnh cửu” không bao giờ tắt lụi: “Dẫu màu cờ có thể đổi thay/Những tên phố và quảng trường cũng khác/Nhưng ngọn lửa sẽ không bao giờ tắt/Sẽ ngàn năm cháy đỏ trước tượng đài”.

Bởi thế anh đã viết: “Nước Nga ơi! Người dạy cho tôi biết thế nào tình yêu nước non nhà/Biết thương đồng bào khi sống xa ngoài vạn dặm/Biết quý mặt trời giữa xám xịt ngày đông/Người dạy cho tôi khi cầm ổ bánh mì, thương củ khoai, củ sắn/Nhìn băng tan, thương lũ cuốn trên đồng…” (Nước Nga)

Có mặt trong buổi ra mắt thơ, nhà thơ Bằng Việt- người cũng đã có thời kỳ gắn bó với nước Nga chia sẻ: “Trong tất cả các nhà thơ VN, chỉ duy nhất Nguyễn Huy Hoàng là gắn bó bền bỉ sâu nặng nhất với nước Nga, anh đã có một cuộc trường kỳ trong tình yêu với nước Nga khi 14 tập thơ ra đều viết về nước Nga. Và thơ anh, là thi ca thực sự, bởi trong đó, người đọc tìm thấy rất nhiều những chi tiết, hình ảnh để thấy sự rung động và đồng cảm sâu xa từ trái tim mình”.

Đọc thơ Nguyễn Huy Hoàng để thấy, anh dù xa Tổ quốc 30 năm nay, nhưng trong tim anh, dòng máu Việt vẫn chảy tràn nóng ấm, chợt thấy trào lên một niềm kiêu hãnh bình dị khi đọc khổ thơ anh viết trong bài Người Việt: “Tôi là người Việt Nam thứ thiệt/Từ màu da, đến vóc dáng, cách nhìn/Hiểu chỗ đứng của mình nơi xứ lạ/Áo dẫu sờn, vẫn biết trọng đường kim”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem