Dấu ấn của Đề cương văn hoá Việt Nam: Trau dồi đạo đức, củng cố lòng tin… cũng là chống tiêu cực (Bài 3)
Dấu ấn của Đề cương văn hoá Việt Nam: Trau dồi đạo đức, củng cố lòng tin… cũng là chống tiêu cực (Bài 3)
Khánh Yến
Thứ năm, ngày 23/02/2023 09:00 AM (GMT+7)
“Nếu tất cả chúng ta cùng hành động mạnh mẽ, quyết liệt, cùng hướng tới sự thay đổi, tôi tin chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng một không gian văn hoá tốt đẹp cho người Việt”, GS.TS Từ Thị Loan - nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia chia sẻ với Dân Việt.
Đề cương Văn hoá Việt Nam (1943) do đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo đã vạch ra đường lối văn hoá cách mạng và những nhiệm vụ trước mắt, tiến tới xây dựng nền văn hoá dân tộc, nhân dân. Theo bà, văn kiện này có giá trị như thế nào ở giai đoạn hiện tại?
- Cách đây 80 năm, Đề cương về văn hóa Việt Nam đã ra đời, trở thành bản Cương lĩnh đầu tiên về văn hóa của Đảng ta. Đề cương đã trình bày một cách hệ thống các quan niệm, phạm trù, quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, phương châm, nguyên tắc của cuộc vận động văn hóa Việt Nam. Bản Đề cương thể hiện một tầm nhìn xa, tư duy lý luận sắc bén, khả năng đúc kết thực tiễn sâu sát của một Đảng non trẻ mới có 12 năm lãnh đạo cách mạng. Với những nội dung, tư tưởng, quan điểm đầy sức thuyết phục và tính chiến đấu, bản Đề cương đã trở thành ngọn cờ tập hợp, đoàn kết, lôi cuốn, động viên giới trí thức, khoa học, văn học, nghệ thuật tích cực tham gia cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng nền văn hóa mới.
Cho đến nay, một số luận điểm, nguyên tắc, vấn đề cốt lõi của Đề cương vẫn giữ nguyên giá trị, có thể kế thừa, phát huy tác dụng trong công cuộc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Đặc biệt, ba nguyên tắc lớn của cuộc vận động văn hóa: dân tộc hoá, đại chúng hóa, khoa học hóa chính là những tiền đề lý luận quan trọng để sau này Đảng ta xác định và làm rõ các tính chất, đặc trưng của văn hóa Việt Nam cũng như xác lập hệ giá trị văn hóa "dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học" hiện nay.
Tinh thần chung của bản Đề cương vẫn là "sợi chỉ đỏ" xuyên suốt các văn kiện sau này của Đảng Cộng sản Việt Nam về văn hóa, văn nghệ, góp phần định hướng và dẫn đạo nền văn hóa Việt Nam phát triển và vươn lên những tầm cao mới.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: "Văn hóa là toàn bộ những giá trị vật chất và tinh thần do loài người sáng tạo ra với phương thức sử dụng chúng, nhằm đáp ứng lẽ sinh tồn, đồng thời đó cũng là mục đích của cuộc sống loài người". Có thể nói, việc xây dựng, phát triển nền văn hoá cũng chính là xây dựng con nguời Việt Nam, xã hội Việt Nam vững mạnh. Trong Đề cương văn hoá Việt Nam, vấn đề này đã được đề cập tới như thế nào, thưa bà?
- Đúng vậy, con người là chủ thể của văn hoá. Việc cho ra đời Đề cương văn hoá vào năm 1943 cho thấy tầm nhìn của Đảng và Nhà nước ta trong vấn đề xây dựng con người Việt Nam mới.
Đề cương khái quát những vấn đề cốt lõi, ngắn gọn, nhưng trong đó đã đặt ra những yêu cầu với người cộng sản, trong đó đề cập tới tình yêu nước, ý thức độc lập dân tộc, tự chủ tự cường.
Sau đó, việc xây dựng đạo đức, văn hoá người Việt đã được Đảng ta nhắc tới trong nhiều văn kiện. Năm 2014, Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã nhấn mạnh việc hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam, tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật; đề cao tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân mình, với gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước.
Tại Đề cương văn hoá Việt Nam vào 80 năm trước, Tổng bí thư Trường Chinh cũng đã trình bày những mối nguy cơ đối với văn hoá Việt Nam, trong đó có các chính sách đàn áp, mua chuộc, hăm dọa các nhà văn hóa cách mạng, ra tài liệu nhồi sọ, kiểm duyệt ngặt nghèo, liên lạc với tôn giáo để ngu dân của thực dân Pháp; chính sách tuyên truyền, giới thiệu, phô trương văn hóa Nhật. Ở thời điểm hiện tại, việc xây dựng văn hoá – con người Việt Nam cũng đang gặp những nguy cơ, thách thức mới?
- Có thể nói, thời điểm Đề cương văn hoá Việt Nam ra đời là đêm trước của cách mạng, vấn đề giải phóng dân tộc phù hợp với nguyện vọng toàn dân, khi họ phải chịu ách áp bức một cổ hai tròng vô cùng ngột ngạt. Đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc, xây dựng một nền văn hoá mới phù hợp với mong muốn, nhu cầu của toàn thể nhân dân, từ trí thức, văn nghệ sĩ tới toàn bộ dân nghèo.
Sau 80 năm, đất nước ta không còn chịu cảnh chiến tranh cũng như đang có sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, xã hội. Đương nhiên, nền kinh tế thị trường cùng với sự hội nhập quốc tế, internet, các phương tiện truyền thông mới phát triển cũng tạo ra rất nhiều vấn đề lớn… Đó là các thế lực thù địch lợi dụng tự do ngôn luận, thao túng, bóp méo thông tin, đặt ra nhiều thách thức về niềm tin của người dân đối với Nhà nước, cũng như niềm tin của họ đối với đạo đức xã hội.
Mặt khác, đời sống người dân ngày càng nâng cao nhưng sự suy thoái về đạo đức, tư tưởng, lối sống lại có chiều hướng gia tăng. Nhiều đảng viên tiêu cực, tha hoá biến chất, gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng trong xã hội. Tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực, địa bàn, cơ quan, đơn vị của một số cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ cấp cao diễn ra nghiêm trọng, phức tạp, với nhiều biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội. Đặc biệt, một bộ phận cán bộ, đảng viên do thiếu tu dưỡng rèn luyện dẫn tới phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính tri, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", thậm chí vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước. Điều này phần nào làm xói mòn lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa…
Điều này đặt ra những yêu cầu thế nào trong việc củng cố đạo đức, giữ gìn lòng tin của người dân trong thời đại mới, thưa bà?
- Những năm gần đây, Đảng, Nhà nước ta đã có những điều chỉnh, thay đổi và đấu tranh không khoan nhượng với những tiêu cực trong Đảng. Công cuộc chống tham nhũng, chống tiêu cực do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động đang triển khai rất tốt và mang lại nhiều thành tựu. Có thể nói, việc "đốt lò" diễn ra quyết liệt đã góp phần củng cố một cách mạnh mẽ niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Về đạo đức, lối sống, đương nhiên người Đảng viên phải là người tiên phong, gương mẫu. Câu nói "Đảng viên đi trước, làng nước theo sau" vẫn được lan truyền rộng rãi trong cộng đồng. Khi công tác Đảng được làm thấu đáo, quyết liệt, niềm tin của người dân sẽ vững mạnh hơn. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã từng nhấn mạnh: "Xây dựng Đảng đâu phải chỉ là Nghị quyết mà là xây dựng con người, xây dựng cơ chế chính sách, xây dựng tổ chức trong sạch vững mạnh thì không sợ gì cả. Nếu làm tốt công tác về con người thì chuyên môn sẽ tốt. Công tác cán bộ là then chốt của then chốt, nguyên nhân của nguyên nhân, bố trí người đúng là sẽ khác, bố trí người sai thì bộ máy đông mà vẫn hỏng việc… chỉ sơ sảy một chút, sai một ly đi một dặm, hậu quả sẽ khôn lường".
Đạo đức cách mạng gồm nhiều yếu tố nhưng tựu trung lại chính là: trung với nước, trung với Đảng, hiếu với dân; yêu thương con người; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; tinh thần quốc tế trong sáng. ừ khi thành lập Đảng cho tới nay, tuyệt đại đa số cán bộ, đảng viên luôn thể hiện rõ phẩm chất đạo đức cách mạng; tích cực, chủ động học tập, thấm nhuần và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; nêu cao bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng; sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, vì sự phát triển phồn vinh của đất nước.
Trước những tác động tiêu cực đa chiều, nhất là mặt trái của kinh tế thị trường và sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, công tác tuyên truyền đạo đức cách mạng cần lan toả rộng rãi trong cộng đồng, tạo nên ý thức đối với mỗi người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Đương nhiên, ở giai đoạn hiện nay, khi toàn cầu hoá diễn ra mạnh mẽ cùng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ thứ 4, con người Việt Nam cũng cần chuyển mình để có thể đáp ứng được tình hình mới. Thí dụ, người Việt Nam truyền thống trọng tình, "một trăm cái lý không bằng một tý cái tình", nhưng người Việt Nam mới phải "thượng tôn Pháp luật", hiểu biết pháp luật để bảo vệ mình cũng như tôn trọng người khác. Hoặc trước kia, chúng ta chỉ đề cao những giá trị về tinh thần, nhưng hiện tại cũng cần tôn trọng những giá trị vật chất chính đáng qua đó cổ vũ những người lao động giỏi, những doanh nhân làm giàu chính đáng. Hay trước kia, chúng ta chủ yếu coi trọng các giá trị cộng đồng thì hiện nay, giá trị cá nhân được quan tâm tới nhiều hơn, đặt ngang hàng với những giá trị khác.
Nhiều người cho rằng, internet với hàng loạt thông tin tiêu cực, tin giả gây ra nhiều khó khăn trong việc duy trì giá trị những đạo đức, văn hoá truyền thống. Theo bà, quan điểm này có đúng và giải pháp đưa ra là gì?
- Đương nhiên internet luôn là "con dao hai lưỡi", mang lại đủ các loại thông tin, cả tích cực và độc hại. Thế nhưng, chúng ta cũng phải đặt ra câu hỏi rằng: Tại sao nhiều nước vẫn bảo tồn rất tốt các giá trị đạo đức, văn hoá truyền thống trước sự phát triển của công nghệ, ví dụ như Nhật Bản, Hàn Quốc? Chúng ta cũng hoàn toàn có thể thông qua các phương tiện truyền thông này lan toả được cái hay, cái đẹp, phê phán những điều xấu. Được hay mất, là ưu điểm hay khuyết điểm đều bởi người sử dụng.
Nếu mỗi người dân có ý thức hơn với những thông tin mình chia sẻ, hoặc cùng chung tay bài trừ thông tin rác, thông tin thiếu văn hoá, chúng dần dần sẽ thui chột và biến mất.
Đương nhiên, điều này phụ thuộc rất nhiều vào cách làm của các cơ quan văn hoá trong việc nâng cao nhận thức cho mọi người dân về tác hại của tin giả/ tin xấu cũng như hành vi vi phạm pháp luật trong tạo dựng và tán phát tin giả; tăng cường thông tin chính thống, tin văn hoá… "Chớp cái nguy biến thành cơ"; "Càng vun trồng đoá hoa, càng ít cỏ dại". Nếu tất cả chúng ta cùng hành động mạnh mẽ, quyết liệt, cùng hướng tới sự thay đổi, tôi tin chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng một không gian văn hoá tốt đẹp cho người Việt.
Cảm ơn những chia sẻ của bà!
Bài tiếp: Dấu ấn của Đề cương văn hóa Việt: Văn hóa phải hết "nghẽn", kinh tế mới có động lực phát triển?
Vui lòng nhập nội dung bình luận.