Dấu ấn sau 3 năm xây dựng nông thôn mới: Dân sẵn lòng hiến đất

Thứ tư, ngày 07/05/2014 07:10 AM (GMT+7)
Giữa thời buổi “tấc đất tấc vàng”, vậy mà để đóng góp với phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) cho cuộc sống của mình thuận lợi hơn, người dân khắp nơi trên cả nước vẫn sẵn lòng hiến hàng trăm, hàng nghìn m2 đất...
Bình luận 0
Những con đường “ý Đảng, lòng dân”

Nếu như 3 năm trước, người dân xã Đăk Rông (Cư Jut, Đăk Nông) chưa biết gì về Chương trình xây dựng NTM, chưa thấy được những lợi ích thiết thực của chương trình, thì đến nay, qua tuyên truyền, vận động, hầu hết bà con đã hiểu xây dựng NTM là để nâng cao chất lượng cuộc sống của chính họ, do Nhà nước và nhân dân cùng làm. Chính vì thế, khi địa phương phát động phong trào hiến đất, nhân dân trong xã hưởng ứng rất nhiệt tình.

Người dân thôn Pheo, xã Minh Quang (Ba Vì, Hà Nội)  tự nguyện phá dỡ tường rào, hiến 1.800m2 để mở đường.
Người dân thôn Pheo, xã Minh Quang (Ba Vì, Hà Nội) tự nguyện phá dỡ tường rào, hiến 1.800m2 để mở đường.

Điển hình như tại thôn 1, công tác giải phóng mặt bằng các tuyến đường rất thuận lợi. Trước đó, để “khơi thông” nguồn lực trong dân, Mặt trận Tổ quốc và các hội đoàn thể của thôn đã vào cuộc tuyên truyền, vận động, theo đó cán bộ, đảng viên sẽ là những hạt nhân tiên phong hành động để nhân dân làm theo. Với cách làm này, gần 20 hộ dân có đường đi qua đã hiến hàng nghìn m2 đất. Điển hình như gia đình ông Hoàng Văn Nghiên đã tự nguyện hiến hơn 2.000m2 đất với hàng trăm cây cà phê đang trên đất để làm đường. Hỏi vì sao sẵn lòng hiến một lượng tài sản có giá trị lớn như vậy, ông Nghiên chỉ nói: “Việc làm của gia đình tôi không chỉ vì lợi ích chung của cộng đồng, mà vì cả lợi ích của chúng tôi. Đường sá được mở rộng, chúng tôi đi lại, vận chuyển nông sản cũng dễ dàng hơn”.

Không chịu thua kém thôn 1, hiện nay người dân các thôn 2, 4, 13, 20 ở xã Đăk Rông đã hiến hàng nghìn m2 đất để làm đường bê tông hoặc rải đá cấp phối, góp phần làm thay đổi bộ mặt quê hương.

Có mặt tại huyện Phước Long (tỉnh Bạc Liêu), phóng viên nhận thấy nơi nào cũng có những công trình phúc lợi được xây dựng khang trang, đường giao thông nông thôn được đổ bê tông sạch bong. Chủ tịch UBND huyện - ông Phan Thành Đông phấn khởi: “Sau hơn 3 năm phát động phong trào toàn dân chung tay xây dựng NTM, nông dân trong huyện đã hiến hơn 560.000m2 đất trị giá trên 140 tỷ đồng, đóng góp để rải nhựa 162km lộ liền ấp, xây dựng 48 nhà văn hóa ấp. Ngoài ra, cán bộ, nông dân còn góp tiền, ngày công để bê tông hóa hơn 170 tuyến lộ ngõ xóm dài gần 220km, trị giá khoảng 54 tỷ đồng… Sự đóng góp của người dân không chỉ tính đơn thuần bằng tiền, mà nó chứng minh một điều: Khi ý Đảng hợp lòng dân thì sẽ tạo thành sức mạnh to lớn”.

Lan tỏa…

Nếu như ở miền núi, vùng sâu đất rộng người thưa, bà con hiến hàng nghìn mét đất là chuyện bình thường, thì ngay ở những nơi gần thành phố, đất đai đắt đỏ, người dân cũng không so đo tính toán hiến tặng tài sản của gia đình để giúp quê hương xây dựng NTM. Tại xã Bảo Khê – cửa ngõ của TP. Hưng Yên (tỉnh Hưng Yên) đã có 982/1.758 hộ trong xã tham gia hiến đất, với tổng diện tích lên tới 25.000m2, trong đó gần 20.000m2 là đất thổ cư, tổng trị giá gần 20 tỷ đồng.

Ông Tăng Minh Lộc - Chánh Văn phòng điều phối T.Ư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM cho biết: “Đến nay chưa có con số thống kê đầy đủ, nhưng nhân dân cả nước đã hiến được khoảng 7 triệu m2 đất cho xây dựng NTM”.

Ông Nguyễn Khắc Hải- Trưởng thôn Đoàn Thượng tâm sự: Thời buổi tấc đất tấc vàng, để vận động người dân hiến đất không dễ chút nào. Nhưng với quyết tâm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, các thành viên của tổ dân vận đã không quản nắng mưa, kiên trì vận động bà con hiến đất để mở đường, vừa ích nước, vừa lợi nhà. Dần dần, bà con cũng nhất trí nhà ai có diện tích đất nằm trong quy hoạch làm đường thì hiến đất. Ngay như hộ bà Phạm Thị Cách, tuy nghèo nhưng cũng vui vẻ hiến đất vì lợi ích chung của xóm làng.

Đánh giá về những kết quả đạt được sau 3 năm, ông Lê Huy Ngọ - cố vấn Ban chỉ đạo T.Ư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM cho biết: “Chương trình đã tạo ra bước ngoặt quan trọng cho khu vực nông thôn, bây giờ không chỉ 20-30% số xã triển khai NTM như kế hoạch ban đầu, mà đã lan tỏa ra khắp cả nước; người miền núi, hộ nghèo… cũng nhiệt tình tham gia. Qua khảo sát cho thấy, nhờ tuyên truyền, vận động tốt, bám sát quy chế dân chủ nên nhiều địa phương đã khắc phục được tư tưởng ỷ lại. Đặc biệt là nơi nào chính quyền tin tưởng giao cho dân làm những công trình của dân, thì nơi đó nhân dân ủng hộ rất sôi nổi...”.

Ông Nguyễn Văn Ngởi (xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long, Bạc Liêu), người đã hiến 6.640m2 đất trong tổng số hơn 16.000m2 đất nông nghiệp của gia đình, trị giá gần 1 tỷ đồng để xây dựng Trường Tiểu học Vĩnh Phú Đông, chia sẻ: “Thương tụi nhỏ trong ấp đi học vất vả, vợ chồng tôi hiến đất để góp phần xây ngôi trường mới, giúp các cháu học hành tốt hơn”. Tương tự, gia đình các ông Lê Văn Trãi, Lâm Hồng Sơn cùng ở xã Vĩnh Phú Đông chỉ có thu nhập chính từ mấy công ruộng, cuộc sống không hề khá giả nhưng mỗi hộ vẫn sẵn sàng hiến hơn 1.000m2 đất để địa phương xây nhà văn hóa ấp, trạm cấp nước tập trung…”. Làm việc tốt vì cộng đồng, vì chòm xóm xung quanh thì việc hiến 1.000m2 đất hay nhiều hơn nữa chúng tôi cũng không phải suy nghĩ nhiều“ - ông Trãi chia sẻ.


Thiên Hương (Thiên Hương)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem